Thứ Hai, 02/11/2020, 11:03 (GMT+7)
.

Đêm ở Cảng cá Mỹ Tho

Nhiều vất vả, lắm bấp bênh nhưng vì cuộc sống khó khăn nên nhiều người tìm đến Cảng cá Mỹ Tho (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) làm công việc khuân vác vì cuộc sống gia đình và nuôi dưỡng những ước mơ.

NHỌC NHẰN MƯU SINH

Khi mọi người đang say giấc nồng thì Cảng cá Mỹ Tho vẫn nhộn nhịp, tiếng soàn soạt của những dụng cụ đựng cá va vào nhau, tiếng thình thịch bước chân của những công nhân khuân vác. Đây là thời điểm tấp nập nhất ở cảng cá, với những dòng xe liên tục vào lấy hàng và đi, công nhân khuân vác chuyển cá từ tàu lên bến, từ bến lên xe… Dù trong ánh đèn đêm, chúng tôi vẫn thấy rõ những giọt mồ hôi lăn dài trên má của những công nhân khuân vác. Vất vả là thế nhưng trên môi họ vẫn nở nụ cười.

Công việc hằng ngày của những công nhân khuân vác ở Cảng cá Mỹ Tho.
Công việc hằng ngày của những công nhân khuân vác ở Cảng cá Mỹ Tho.

Qua trò chuyện, anh Ngô Văn Tài (xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho) cho biết: “Công việc này rất vất vả và bấp bênh. Làm nghề này phải thức khuya dậy sớm và thời gian làm không cố định (thuyền cập bến mới làm)”. Vừa lau mồ hôi trên trán, anh Võ Văn Tâm (tỉnh Bến Tre) tâm sự: “Tôi làm nghề này khoảng 10 năm rồi. Hôm nào làm nhiều, tôi thu nhập được khoảng 300 ngàn đồng đến 900 ngàn đồng. Nói thật, nghề này bạc bẽo, vất vả lắm, nhưng vì mưu sinh phải làm thôi... Làm riết quen rồi, nếu không làm việc này tôi không biết làm nghề gì. Đa số các anh em làm ở đây đều ở nơi khác đến, cuộc sống rất khó khăn”.

Những người làm công nhân khuân vác tự do có thu nhập không ổn định, phụ thuộc vào số lượng tàu, thuyền cập bến. Qua tháng 10, tàu thuyền cập cảng ít dần, những công nhân khuân vác phải tìm những công việc khác như: phụ hồ, vận chuyển đồ… Họ làm bất cứ việc gì, ai thuê gì làm nấy để có tiền trang trải cuộc sống trong thời gian đợi tàu thuyền vào bờ.

Những phút nghỉ ngơi ít ỏi sau khi vận chuyển cá lên xe xong, họ ăn vội ổ bánh mì lấy lại sức để chuẩn bị cho chiếc xe tiếp theo vào ăn hàng.

NUÔI NHỮNG ƯỚC MƠ 

Do tính chất công việc, nên công nhân ở Cảng cá Mỹ Tho chủ yếu là nam, nhưng cũng có khi cả vợ chồng cùng làm. Họ đến từ nhiều nơi khác nhau trong tỉnh, thậm chí đến từ tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long…, thường cùng nhau thuê những nhà trọ giá rẻ ở gần nơi làm để giảm chi phí. Sống trong những nhà trọ cũ kĩ, họ chỉ mong có chỗ ngã lưng sau những giờ làm việc mệt nhọc.

Số tiền ít ỏi kiếm được, họ dành dụm gửi về gia đình, lo cho các con ăn học. Anh Nguyễn Văn Minh bày tỏ: “Gia đình không có đất canh tác, công việc ở quê làm không ổn định. Vì thế, vợ chồng quyết định lên TP. Mỹ Tho kiếm việc làm. Nhờ có người giới thiệu nên cả vợ chồng đều làm ở cảng cá này. Tuy cực nhọc nhưng cả hai vẫn cố làm để nuôi con ăn học.

Những công nhân bốc vác này không chỉ gánh trên vai mình cơm áo gạo tiền, cuộc sống hằng ngày của gia đình, mà còn gánh cả ước mơ cho những đứa con thoát cảnh khổ cực của cha mẹ nó bằng con đường học vấn. Anh Phan Minh Tân (huyện Gò Công Đông) cho biết: “Nhà tôi có mấy sào ruộng canh tác, mà vợ chồng có 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học, nên cả hai phải cố gắng làm. Nghĩ đến tương lai của các con, khó khăn mấy chúng tôi cũng quyết vượt qua”.

Mỗi công nhân bốc vác đến từ mỗi nơi khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, nhưng họ rất đoàn kết, sẵn sàng chia sẻ công việc cho nhau, giúp đỡ lẫn nhau cùng vượt qua khó khăn vì mưu sinh và tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ cho con mình.

NGỌC AN

.
.
Liên kết hữu ích
Hồ cá mini thuỷ sinh để bàn hồ cá mini thuỷ sinh
.