Sát cánh cùng người nghèo, người yếu thế trong xã hội
(ABO) Cách mạng Tháng 8-1945 thành công, chính quyền cách mạng còn non trẻ và đứng trước tình thế hiểm nghèo. Đế quốc, thực dân lại rắp tâm gây chiến hòng bắt dân ta trở lại cuộc đời nô lệ. Chính trong những ngày sục sôi khí thế cách mạng ấy, một số nhân sĩ, trí thức yêu nước đứng ra vận động và xin phép thành lập Ban Hồng Thập tự Việt Nam (tổ chức tiền thân của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ngày nay).
SỰ RA ĐỜI CỦA HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM
Chủ hãng xe Thuận Thành tặng xe cho Tỉnh hội Chữ thập đỏ Tiền Giang năm 1976. |
Ngày 23-11-1946, tại Đại hội đại biểu Hồng thập tự Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại Đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là TP. Hà Nội), Hội Hồng thập tự Việt Nam chính thức được thành lập. Đại hội suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch danh dự của Hội và Người là Chủ tịch danh dự của Hội trong suốt 23 năm từ ngày thành lập Hội tới khi Người qua đời. Bác sĩ Vũ Đình Tụng được bầu làm Hội trưởng.
Một ngày đầu xuân năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và làm việc với đại biểu Ban vận động thành lập Hồng thập tự Việt Nam. Bác đã hỏi về tình hình lớp cứu thương đang mở, về việc lập Hội, tôn chỉ mục đích và dự kiến chương trình hoạt động. Bác giảng giải về hoạt động của một số Hội hồng thập tự các nước và một vài tổ chức nhân đạo khác. Bác chỉ dẫn phương hướng hoạt động của Hồng thập tự nước ta và khuyên: “Phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”. |
Kể từ đó, ngày 23-11-1946 đã đi vào lịch sử của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam như một mốc son đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội nhân đạo quần chúng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và làm Chủ tịch danh dự đầu tiên. Đây là niềm vinh dự lớn lao đối với cán bộ, hội viên, thanh, thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ Việt Nam mà không phải tổ chức nào cũng có được.
SẴN SÀNG CÓ MẶT Ở NHỮNG NƠI KHÓ KHĂN NHẤT
Ngay sau khi thành lập, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hầu hết các hội viên Hồng thập tự đã tích cực tham gia phục vụ tại các mặt trận, tổ chức các trạm cấp cứu, bệnh viện dã chiến, bệnh viện hậu phương. Cũng trong thời gian này, Hội Hồng thập tự Việt Nam phối hợp với Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế tiến hành các hoạt động trao trả tù binh chiến tranh theo đúng tinh thần Luật Nhân đạo quốc tế, góp phần thực hiện chính sách nhân đạo của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Bác sĩ Võ Văn Láng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tiền Giang làm trưởng đoàn, phối hợp với Hội Chữ thập đỏ huyện Gò Công Tây tổ chức khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho 150 người nghèo ở xã Thành Công. Ảnh: N.Trung |
Trải qua 74 năm xây dựng và trưởng thành, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ có những chuyển biến tích cực, nhiều khởi sắc; hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, bám sát chủ trương của Đảng và định hướng công tác của Hội. Vai trò của tổ chức Hội trong phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tiếp tục được khẳng định. Một số phong trào, cuộc vận động, mô hình do Hội phát động và triển khai đã và đang lan tỏa, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng như: Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, vận động hiến máu tình nguyện, tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa...
Vừa qua, tại Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ V và kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập. Đại hội đã đánh giá kết quả phong trào thi đua 5 năm (2015 - 2020) và xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phong trào thi đua của toàn Hội, giai đoạn 2020 - 2025.
Được biết, phong trào thi đua của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là một phong trào quần chúng đặc biệt, đặc biệt bởi vì đó là thi đua làm nhân đạo, thi đua trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt bởi vì những người làm nên phong trào ấy không thi đua vì lợi ích của mình mà thi đua vì người nghèo và những người dễ bị tổn thương trong xã hội.
Trong phong trào thi đua 5 năm qua, toàn Hội đã vận động trợ giúp hơn 103 triệu lượt người với tổng trị giá hơn 20.209 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015 - 2020 của đất nước. Trong đó, trị giá công tác xã hội đạt hơn 15 ngàn tỷ đồng, trợ giúp hơn 42 triệu lượt người; trị giá công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt hơn 3,3 ngàn tỷ đồng, trợ giúp hơn 57 triệu lượt người; trị giá công tác phòng ngừa và ứng phó thảm họa hơn 877 tỷ đồng, trợ giúp hơn 3 triệu lượt người; vận động và tiếp nhận hơn 6,7 triệu đơn vị máu hiến tình nguyện. Nổi bật là một số phong trào, cuộc vận động lớn như: Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Tháng Nhân đạo”, Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”
Cùng với sự phát triển của Chữ thập đỏ cả nước, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trong năm 2020, trước tình hình hạn, xâm nhập mặn ngày càng gay gắt, người dân gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày do thiếu nước ngọt, Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh đã vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm các phương tiện chứa nước và nước uống, nước dùng trong sinh hoạt để hỗ trợ cho bà con vùng bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn trong tỉnh.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh Tiền Giang phối hợp Hội Chữ thập đỏ huyện Gò Công Đông triển khai mô hình Chợ nhân đạo hỗ trợ 500 hộ dân thuộc 4 xã Tân Tây, Tân Đông, Tân Phước, Kiểng Phước. Ảnh: N.Trung |
Để chung tay góp phần phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gây ra, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tích cực vận động được hơn 3.400 khẩu trang y tế để phát miễn phí cho người dân và tặng những người đến tham gia hiến máu; đồng thời, đã phát hơn 6.000 tờ rơi kết hợp tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh.
Trước nghĩa cử cao đẹp của Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh, nhiều bà con được nhận phương tiện chứa nước, nước ngọt dùng để uống và sinh hoạt đã bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc, khắc ghi sự chia sẻ quý báu của tập thể anh chị em Hội Chữ thập đỏ các cấp trong giai đoạn khó khăn do hạn, mặn và dịch bệnh Covid-19.
Kỷ niệm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam năm nay là dịp để mỗi cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ tự hào ôn lại bề dày truyền thống 74 năm của Hội; đồng thời là cơ hội để mỗi người làm công tác nhân đạo tiếp tục khẳng định vai trò, trách nhiệm trong việc kế thừa và phát huy truyền thống nhân ái của dân tộc, sẵn sàng có mặt kịp thời ở những nơi khó khăn nhất, sát cánh cùng những người nghèo, người yếu thế trong xã hội, thực hiện sứ mệnh nhân đạo cao cả mà Đảng, Nhà nước đã giao phó.
LINH THỦY (tổng hợp)