.

Tham vấn điều chỉnh Quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Cập nhật: 15:16, 25/11/2020 (GMT+7)
(ABO) Sáng 25-11, tại Tiền Giang, Bộ Xây dựng phối hợp Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị tham vấn điều chỉnh Quy hoạch cấp nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
 
PGS.TS. Mai Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng dự và chủ trì hội nghị. Đến dự hội nghị còn có đại diện các bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL; các viện, trường, hội nghề nghiệp và chuyên gia.
 
PGS.TS. Mai Thị Liên Hương phát biểu tại hội nghị.
PGS.TS. Mai Thị Liên Hương phát biểu tại hội nghị.
Theo quy hoạch, đến năm 2030 sẽ xây dựng hệ thống cấp nước liên vùng kết hợp với các nhà máy nước (NMN) hiện có và các NMN xây mới tại các tỉnh, đáp ứng cho 100% dân số khu vực nội thị và 90% dân số khu vực ngoại thị, 25% dân số nông thôn sẽ được cấp nước từ hệ thống cấp nước tập trung đô thị, hạn chế sử dụng nước dưới đất, ưu tiên khai thác nước mặt, chủ yếu lấy từ sông Tiền và sông Hậu.
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Nghĩa phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Lê Văn Nghĩa phát biểu tại hội nghị.
Bên cạnh đó, tổng nhu cầu dùng nước đến năm 2030 của toàn vùng khoảng từ 3,2 đến 3,4 triệu m3/ngày trong khi đến năm 2030 công suất các NMN hiện có được sử dụng lại chỉ đáp ứng được 918.000 m3; do đó, cần công suất phát triển các NMN mới là 2.359.000 m3.
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.
 
Nội dung điều chỉnh là gộp vùng I Bắc sông Tiền, vùng II giữa sông Tiền và sông Hậu thành 1 vùng gọi là vùng I Đông Bắc sông Hậu. Điều chỉnh vùng I (vùng Đông Bắc sông Hậu), gồm 6 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh; vùng II (vùng Tây Nam sông Hậu), bao gồm 7 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. 
 
Sơ đồ phân vùng cấp nước ĐBSCL sau khi điều chỉnh.
Sơ đồ phân vùng cấp nước ĐBSCL sau khi điều chỉnh.
Điều chỉnh vùng cấp nước, vị trí, số lượng nhà máy vùng ĐBSCL.
Điều chỉnh vùng cấp nước, vị trí, số lượng nhà máy vùng ĐBSCL.
Với công nghệ thi công đường ống qua sông hiện nay, có thể kết hợp 2 NMN sông Tiền 1 và sông Tiền 2 thành 1 NMN sông Tiền có công suất đến năm 2025 là 300.000 m3/ngày đêm, đến năm 2030 là 600.000 m3/ngày đêm đặt tại huyện Cái Bè (Tiền Giang) để thuận lợi quản lý, tăng hiệu quả đầu tư.
 
Đại biểu phát biểu ý kiến.
Đại biểu phát biểu ý kiến.
Tại hội nghị, Tiền Giang kiến nghị xem xét tỉnh Tiền Giang và tỉnh Long An thuộc vùng khu vực khó khăn về nguồn nước thay vì theo quy hoạch là tỉnh thuộc khu vực ít thuận lợi về nguồn nước để có sự hỗ trợ đầu tư thích hợp, cải thiện, ổn định đời sống của nhân dân vào mùa hạn, mặn. Đồng thời, các cấp thẩm quyền cho phép điều chỉnh, đưa Dự án Trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải cung cấp nguồn nước thô cho nhà máy sản xuất và cung cấp nước sạch hiện hữu và tương lai dọc tuyến trên địa bàn 3 tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre vào Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…
 
Các đại biểu là chuyên gia tham dự hội nghị.
Các đại biểu là chuyên gia tham dự hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS. Mai Thị Liên Hương nhấn mạnh, công tác đầu tư phát triển hệ thống cấp nước ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn, bảo đảm nước sạch sinh hoạt, sản xuất của người dân hiện đang là nhiệm vụ vô cùng cấp bách, cần thực hiện khẩn trương và có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng ĐBSCL. Do vậy, để các dự án cấp nước vùng có cơ sở triển khai một cách hiệu quả, khoa học và đồng bộ, việc kịp thời tổ chức điều chỉnh quy hoạch là rất cần thiết.
VĂN THẢO
 
.
.
.