Cơ cấu "dân số vàng": Cơ hội và thách thức
Nghị quyết 21 về công tác dân số trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII nhấn mạnh: Phát huy tối đa lợi thế cơ cấu “dân số vàng”, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Việt Nam đang ở trong thời kỳ “dân số vàng”, với 2/3 dân số đang trong độ tuổi lao động. Nằm trong xu thế chung của cả nước, Tiền Giang cũng đang trong giai đoạn “vàng” của dân số. Bên cạnh những thuận lợi thì cơ cấu “dân số vàng” đặt ra không ít thách thức cũng như vấn đề khai thác lợi thế này như thế nào để “cầm vàng không để vàng rơi”.
CƠ HỘI
Ðặc điểm nổi bật trong thời kỳ “dân số vàng” là dân số có khả năng lao động (từ 15 đến 64 tuổi) chiếm tỷ lệ cao, hiện nay chiếm khoảng 69% tổng dân số. Đây là thời kỳ mang lại cơ hội lớn để nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước cũng như tỉnh Tiền Giang.
Thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” đang mang lại cho Tiền Giang nguồn lao động dồi dào (ảnh chụp tại Công ty cổ phần may Việt Tân, TX. Cai Lậy). |
Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người, tăng 10,4 triệu người so với năm 2009. Tỷ trọng dân số từ 15 - 64 tuổi vẫn chiếm đa số, khoảng 68% tổng dân số, nhưng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đang tăng với tốc độ nhanh nhất, chiếm 7,7%. Điều này cho thấy, mặc dù Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” nhưng tốc độ già hóa dân số cũng đang tăng nhanh.
Đối với Tiền Giang có quy mô dân số 1,764 triệu người, là tỉnh có tiềm năng về nguồn lao động dồi dào. Dân số sau 10 năm kể từ năm 2009 đã tăng hơn 92.000 người, bình quân mỗi năm tăng 0,54%, bằng một nửa tốc độ tăng bình quân cả nước - đây là tốc độ tăng dân số ở mức hợp lý, góp phần duy trì sự ổn định quy mô dân số, đáp ứng các yêu cầu về nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 65,8% tổng dân số và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 49,5%...
Thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” là lợi thế lớn, vì có nguồn lao động trẻ dồi dào; có cơ hội cải thiện năng suất lao động nhằm tăng trưởng, phát triển kinh tế. Cơ cấu “dân số vàng” tạo cơ hội cho tích lũy nguồn lực để tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm trong tương lai. Mặt khác, dân số dưới 15 tuổi giảm mạnh góp phần nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc giảm tỷ số giữa học sinh và giáo viên; nâng cao chất lượng chăm sóc y tế cho trẻ em, cải thiện chất lượng sức khỏe dân số tương lai. Ðồng thời, dân số trong độ tuổi lao động lớn, cùng với sự phát triển của khu vực công nghiệp và dịch vụ tạo nhu cầu lớn về đào tạo nghề…
VÀ THÁCH THỨC
Cơ cấu “dân số vàng” tạo ra nhiều thuận lợi, thế mạnh song cũng đặt ra không ít những khó khăn thách thức cần phải giải quyết. Cụ thể, nếu không có đủ việc làm, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao, kéo theo những hệ lụy về phúc lợi, an sinh xã hội… dẫn đến nguồn lực con người bị lãng phí. Thực tế cho thấy ở tỉnh ta, lực lượng lao động chiếm số lượng lớn, nhưng chất lượng chưa cao, thiếu lao động qua đào tạo và lao động có tay nghề cao. Ngoài ra, chất lượng giáo dục, đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh chưa cao. Tỷ lệ lao động nông nghiệp cao, trong khi diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do quá trình đô thị hóa và chuyển đổi mục đích sử dụng... Từ đó, dẫn tới tình trạng thiếu việc làm, đặc biệt là thanh niên nông thôn, lao động phải di cư về các thành phố lớn tìm việc…
Để khắc phục những hạn chế và phát huy lợi thế của cơ cấu “dân số vàng”, Tiền Giang đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: Tiếp tục duy trì mức sinh hợp lý nhằm kéo dài thời gian cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm quá trình già hóa dân số. Tăng cơ hội việc làm, nhất là những việc làm tạo giá trị gia tăng, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn; nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động. Ðẩy mạnh công tác thông tin và dự báo cung - cầu nhân lực từng ngành nghề. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống các chính sách sử dụng lao động, lấy hiệu quả làm việc là tiêu chí ưu tiên hàng đầu trong sử dụng và đãi ngộ lao động….
P. NGHI