Còn rất nhiều tàu thuyền hoạt động trong khu vực nguy hiểm
Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu. |
Ngày 20-12, Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai (PCTT) tổ chức họp ứng phó với Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo trung ương về PCTT cho biết, không chỉ ở tâm áp thấp mà gió trên nhiều khu vực ở Biển Đông đang rất mạnh, tàu thuyền dễ gặp nguy hiểm.
Áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão trong ngày 20-12
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 1 giờ ngày 20-12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 10,4 độ Vĩ Bắc; 117,6 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 380km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) cấp 7, giật cấp 9.
Trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 13 giờ ngày 20-12, vị trí tâm bão ở khoảng 11,0 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, ngay ở phía Nam đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới là từ vĩ tuyến 8,0 đến 12,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 112,0 đến 120,0 độ Kinh Đông.
Tại cuộc họp, đại diện Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia cho rằng, ảnh hưởng lớn nhất của ATNĐ lần này là gió trên biển rất mạnh.
Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang, tính đến 6 giờ ngày 20-12, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 46.682 tàu thuyền với 255.393 người biết diễn biến, hướng di chuyển của ATNĐ để chủ động phòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Cụ thể, hoạt động khu vực quần đảo Trường Sa có1.326 tàu thuyền với 8.925 người. Các phương tiện đang di chuyển thoát khỏi vùng nguy hiểm hoặc vào nơi neo đậu tránh trú.
Hoạt động khu vực khác có 12.573 tàu với 68.982 người. Neo đậu tại các bến có 32.783 tàu với 177.486 người.
Thượng tá Nguyễn Đình Hưng, Bộ Tư lệnh Biên phòng báo cáo tại cuộc họp. |
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, quan sát trên Hệ thống giám sát tàu cá, tính đến 6 giờ ngày 20-12, có 138 tàu đang ở trong khu vực ảnh hưởng của ATNĐ trong vòng 24 giờ tới. Trong đó, Bình Định có 63 tàu; Khánh Hòa 21 tàu; Phú Yên 41 tàu; Quảng Nam một tàu; Quảng Ngãi 12 tàu.
Rủi ro trên biển đang rất lớn
Tại cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo trung ương về PCTT cho biết, đúng ngày 20-12 của ba năm trước, đã xảy ra cơn bão số 16 ở phạm vi khu vực này nhưng mạnh hơn và diễn biến phức tạp.
Theo ông Hoài, cơn bão sắp hình thành từ ATNĐ lần này cũng rất khó lường, vì không những chỉ khu vực bão mà trên Biển Đông đều gió rất mạnh, phạm vi rất rộng.
Hiện nay, bão đang mạnh dần lên, khi đi vào gần đất liền sẽ giảm đi do gió mùa đông bắc, nhưng vào sâu hơn nữa thì có thể lại mạnh lên do đã thoát khỏi khu vực gió mùa.
Theo ông Hoài, sự cố chìm tàu xảy ra với tàu hàng Xing Hong quốc tịch Panama nặng hơn 1 vạn tấn ở Phú Quý, Bình Thuận cũng là do thời tiết phức tạp này.
“Còn rất nhiều tàu thuyền đang hoạt động, vì thế rủi ro trên biển rất lớn”, ông Nguyễn Quang Hoài cảnh báo.
Không chỉ các tàu có trọng tải lớn, khu vực này còn nhiều tàu thuyền nhỏ đánh bắt ven bờ, mà thuyền nhỏ thì khả năng ứng phó rất kém, kinh nghiệm còn hạn chế.
Ông Hoài đề nghị Tổng cục Thủy sản, Bộ Tư lệnh Biên phòng, ngành giao thông hàng hải, Văn phòng BCĐ TƯ về PCTT tiếp tục theo dõi liên lạc chặt chẽ với tàu thuyền ven biển để bảo đảm an toàn. “Tàu lớn còn bị chìm thì tàu nhỏ là rất nguy hiểm với thời tiết này”, ông Hoài nói thêm.
Phó Trưởng ban BCĐ TƯ về PCTT cũng đề nghị biên phòng tăng cường thời lượng bắn pháo hiệu để không chỉ tàu thuyền mà ngư dân ven biển cũng sẽ chủ động phòng chống bão hơn.
Ngoài ra, ở khu vực nuôi truồng thủy hải sản ven biển cũng phải chủ động cung cấp thông tin cho người dân địa phương tránh trú, không để lực lượng chức năng phải đi cứu hộ cứu nạn mà vẫn bị thiệt hại.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẵn sàng kích hoạt hệ thống nhắn tin để nhân dân nắm được tình hình bão.
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cung cấp thông tin kịp thời để phục vụ việc chỉ đạo. Tình hình diễn biến của bão còn phức tạp nên cần dự báo thường xuyên.
Ông Hoài cũng đề nghị chú ý đến những vùng đã chịu thiệt hại nặng do thiên tai vừa qua vì mưa lớn có thể xảy ra trong khi miền trung vẫn chưa khắc phục xong thiên tai từ đợt trước. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Theo nhandan.com.vn