Thứ Hai, 28/12/2020, 14:03 (GMT+7)
.

Để mỗi gia đình luôn là tổ ấm

Nhận thức vai trò, tầm quan trọng của gia đình đối với sự ổn định và phát triển xã hội, nhất là trong xu thế hội nhập hiện nay, những năm qua, Tiền Giang đã chủ động triển khai thực hiện tốt Đề án Tuyên truyền giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 (gọi tắt là Đề án).

NỖI LO BẠO LỰC GIA ĐÌNH

Xu thế hội nhập và phát triển đã mang lại những tác động tích cực nhưng cũng có những hạn chế nhất định tác động đến đời sống gia đình, làm cho gia đình đứng trước những thử thách như: Tình trạng ly hôn, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn, bạo lực gia đình (BLGĐ) có chiều hướng gia tăng…

Đồng chí Trần Văn Dũng trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác gia đình.
Đồng chí Trần Văn Dũng trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh Tiền Giang cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác gia đình.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tiền Giang Đặng Thị Ngọc Điệp cho biết, tình trạng BLGĐ giữa người chồng đối với người vợ vẫn còn diễn ra phổ biến; đến nay định kiến giới, tư tưởng trọng nam hơn nữ vẫn còn tồn tại. Qua phân tích của Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh cho thấy, chỉ có một số ít phụ nữ có điều kiện kinh tế thì mạnh dạn ly hôn, ly thân khi “cơm không lành, canh không ngọt”, trong khi không ít phụ nữ vẫn cam chịu với BLGĐ, có nhiều dạng bạo lực từ thể xác đến tinh thần.

Những năm gần đây, trên các trang mạng xã hội thường xuất hiện những đoạn clip ghi lại cảnh phụ nữ bị bạo hành một cách thô bạo, tàn nhẫn. Nạn nhân của các vụ BLGĐ phần nhiều là chị em phụ nữ. Điều đáng lo lắng là ít khi phụ nữ bị bạo lực lên tiếng để bảo vệ mình, không ít người đã im lặng cam chịu. Có nhiều lý do khiến phụ nữ thường cam chịu bị bạo lực như: Kinh tế bị phụ thuộc, sợ bị đuổi ra khỏi nhà hay bị đe dọa lấy mất quyền nuôi con, sợ ảnh hưởng đến tính mạng hoặc người thân, sợ tai tiếng làm ảnh hưởng đến danh dự bản thân và gia đình... Chính từ lối duy này khiến cho công tác phòng, chống BLGĐ còn gặp không ít khó khăn.

TĂNG CƯỜNG TUYÊN TRUYỀN

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Tiền Giang, tình trạng BLGĐ trên địa bàn tỉnh vài năm trở lại đây có xu hướng giảm về số vụ nhưng vẫn tăng về mức độ nghiêm trọng. Hiểu rõ về vai trò giáo dục đạo đức, lối sống gia đình, ngành Văn hóa đã đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh.

Ngành VHTT&DL tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong xây dựng gia đình.
Ngành VHTT&DL tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong xây dựng gia đình.

Theo đó, Sở VHTT&DL tham mưu UBND tỉnh Tiền Giang ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo (viết tắt là BCĐ) Đề án cấp tỉnh. Khi được thành lập, với vai trò của mình, Ban Chỉ đạo Đề án chỉ đạo các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình bằng nhiều hình thức như: Nói chuyện chuyên đề về phòng, chống BLGĐ; tổ chức các hội thi liên quan đến xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình…

Cùng với đó, từ năm 2011 đến 2018, BCĐ Đề án cấp tỉnh đã hỗ trợ 22 xã thành lập 110 câu lạc bộ (CLB) tại 111 ấp điểm thực hiện Đề án với kinh phí trên 300 triệu đồng. Các huyện, thị, thành củng cố, kiện toàn BCĐ và xây dựng quy chế hoạt động; hướng dẫn các xã, thị trấn thành lập các CLB gia đình phát triển bền vững và Đội phòng, chống BLGĐ...

Bên cạnh đó, đầu tư cho 42 xã thực hiện Đề án thành lập các CLB gia đình phát triển bền vững và Đội phòng, chống BLGĐ, với trên 130 CLB tại các ấp, khu phố, kinh phí hỗ trợ 596 triệu đồng. Còn đối với cấp xã không có nguồn kinh phí hoạt động riêng cho Đề án, BCĐ các cấp đã đầu tư kinh phí hỗ trợ thành lập và duy trì 444 CLB gia đình phát triển bền vững, 392 Đội phòng, chống BLGĐ. Tổng kinh phí thực hiện cấp xã trên 1 tỷ đồng (từ nguồn kinh phí sự nghiệp văn hóa).

Qua hoạt động, các CLB gia đình phát triển bền vững, Đội phòng, chống BLGĐ cùng Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng đã kịp thời phát hiện, xử lý, can thiệp, hòa giải các vấn đề xung đột, mâu thuẫn trong gia đình nên số vụ BLGĐ giảm đáng kể. Cụ thể, năm 2010, toàn tỉnh Tiền Giang xảy ra 797 vụ BLGĐ, đến năm 2019 chỉ xảy ra 16 vụ BLGĐ.

Tại Hội nghị tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam và các văn bản, đề án về công tác gia đình giai đoạn 2010 - 2020 mới đây, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Văn Dũng đánh giá: Qua 10 năm thực hiện Đề án, công tác xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực. Việc triển khai Đề án tạo sự đồng thuận, nhất trí của lãnh đạo các cấp và sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân; tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định.

Đồng chí Trần Văn Dũng đề nghị các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tiếp tục quán triệt, tổ chức triển khai Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030; tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với công tác gia đình. Đồng thời giao Sở VHTT&DL hướng dẫn kiện toàn BCĐ Công tác gia đình các cấp; Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện tốt các chương trình, đề án về công tác gia đình; đưa công tác gia đình vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…

QUẾ ANH

.
.
.