.

Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân: Phát huy vai trò cầu nối

Cập nhật: 10:06, 09/12/2020 (GMT+7)

Với các chương trình dạy nghề, chuyển giao khoa học công nghệ và dịch vụ hỗ trợ nông dân, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (gọi tắt là Trung tâm) đã dần trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Qua sự nỗ lực và kết quả đạt được, Trung tâm đã được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của các cấp Hội Nông dân.

Được thành lập năm 2005 với tên gọi Trung tâm Hỗ trợ nông dân (thuộc Hội Nông dân tỉnh), đến năm 2012 đổi tên thành Trung tâm cho đến nay.

Hội viên nông dân tham gia lớp dạy nghề trồng và nhân giống cây sầu riêng.
Hội viên nông dân tham gia lớp dạy nghề trồng và nhân giống cây sầu riêng.

HỖ TRỢ DẠY NGHỀ CHO HỘI VIÊN

Xác định đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho hội viên nông dân có vai trò quan trọng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống người dân, nhất là nông dân ở nông thôn, Trung tâm tiến hành khảo sát, tập hợp hội viên nông dân có nhu cầu học nghề, sau đó tổ chức dạy nghề hoặc phối hợp với các đơn vị, đối tác để triển khai các khóa dạy nghề, đáp ứng thiết thực và kịp thời nhu cầu học nghề của nông dân. Các khóa đào tạo trang bị cho nông dân kiến thức về chuyên ngành sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, định hướng cho nông dân cách tư duy khoa học và khai thác nguồn thu hiệu quả.

Giám đốc Trung tâm Huỳnh Công Minh cho biết, trong năm 2020, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cũng như phối hợp với Hội Nông dân các huyện, Trung tâm mở được 25 lớp nghề cho 875 hội viên nông dân, gồm các nghề chăn nuôi bò, dê; trồng và chăm sóc cây sầu riêng, thanh long; trồng và chăm sóc cây kiểng. Sau học nghề, phần lớn hội viên đều tự tạo việc làm, áp dụng kỹ thuật đã học được vào trồng trọt, chăn nuôi; đồng thời, hội viên được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Công ty Xuất khẩu lao động HITECO (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) giới thiệu và đưa con em nông dân xuất khẩu lao động làm việc tại Nhật Bản.

Anh Nguyễn Văn Tây (ấp Mỹ Hòa, xã Phước Lập, huyện Tân Phước) cho biết: “Được Hội Nông dân xã giới thiệu, tôi tham gia lớp tập huấn về trồng lúa và lớp trồng cây kiểng do Trung tâm tổ chức. Trước đây, tôi cũng như nhiều nông dân trong vùng canh tác theo kiểu truyền thống nên hiệu quả không cao. Khi tham gia lớp tập huấn, tôi học tập nhiều kinh nghiệm, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Gần đây, lớp cây kiểng giúp tôi học hỏi, tạo được nhiều dáng cây kiểng đẹp. Sau lớp học, tôi đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cây kiểng. Hiện tôi canh tác 2,5 ha đất trồng lúa và 2 ha trồng cây kiểng, kinh tế gia đình ổn định”.

Thực tế thông qua đào tạo nghề, hội viên nông dân có nhiều cơ hội tìm việc làm; đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống nông dân.

NHIỀU MÔ HÌNH PHÁT HUY HIỆU QUẢ

Bên cạnh việc tổ chức dạy nghề, Trung tâm còn phối hợp các đơn vị thực hiện nhiều mô hình hiệu quả. Trên cơ sở Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chuyển giao khoa học - kỹ thuật, mô hình trình diễn, Trung tâm được Thường trực Hội Nông dân tỉnh giao trực tiếp tham gia thực hiện chương trình. Từ đó, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện 3 mô hình khuyến nông cho 40 hộ nông dân, gồm: Mô hình sản xuất rau diếp cá theo hướng an toàn tại xã Nhị Bình (huyện Châu Thành); mô hình Cải tạo vườn sầu riêng sau khi thu hoạch ở xã Tân Thanh (huyện Cái Bè) và mô hình Cải tạo vườn sầu riêng sau khi thu hoạch ở xã Thanh Hòa (TX Cai Lậy) với tổng kinh phí thực hiện gần 270 triệu đồng.

Cùng với đó, Trung tâm phối hợp với doanh nghiệp thực hiện các mô hình Cánh đồng lớn hỗ trợ vật tư đầu vào đến cuối vụ thanh toán 130 ha, thực hiện hỗ trợ cung cấp 40 tấn phân bón trả chậm cho nông dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Trung tâm còn xây dựng quầy trưng bày, giới thiệu nông sản cho nông dân nhằm quảng bá thương hiệu các sản phẩm đặc sản của Tiền Giang như: Gạo VD20 Gò Công, các sản phẩm đông trùng hạ thảo, mắm tôm chà Gò Công, tinh dầu sả Thành Công, các sản phẩm yaourt sữa dê…

Với 2 mảng hoạt động chính là dạy nghề và thực hiện các dịch vụ hỗ trợ nông dân, Trung tâm thực sự là cầu nối quan trọng giữa các tổ chức, nhà khoa học, các trung tâm nghiên cứu với hội viên nông dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giúp nông dân làm giàu chính đáng.

MINH TRIẾT

.
.
.