Thứ Tư, 13/01/2021, 10:25 (GMT+7)
.

Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật cho người lao động

Trong xu thế hội nhập hiện nay, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động (NLĐ) là rất cần thiết. Nhiều đề án, chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đã được Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Tiền Giang triển khai, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ.

ĐA DẠNG CÁC HÌNH THỨC TUYÊN TRUYỀN

Theo LĐLĐ tỉnh Tiền Giang, trong năm 2020, đơn vị đã phát hành 19.860 tờ rơi; 400 tranh cổ động; 390 tờ bướm; 3 bảng truyền thông; 2 pano với nội dung tuyên truyền pháp luật lao động; phòng, chống dịch Covid-19; phòng, chống tác hại thuốc lá và những kiến thức, kỹ năng cơ bản công nhân, lao động (CNLĐ) cần có.

Ngoài ra, đơn vị còn tham gia cùng UBND tỉnh và các ngành chức năng bàn giải pháp giải quyết nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội tại các doanh nghiệp; theo dõi, chỉ đạo các cấp Công đoàn giám sát hoặc tham gia cùng các ngành kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, các chế độ, chính sách liên quan đến CNLĐ. Qua đó, góp phần đảm bảo quyền lợi của NLĐ theo quy định pháp luật.

Tập huấn tuyên truyền cho cán bộ Công đoàn, đội ngũ tuyên truyền viên.
Tập huấn tuyên truyền cho cán bộ Công đoàn, đội ngũ tuyên truyền viên.

Bên cạnh đó, LĐLĐ tỉnh tổ chức 7 hội nghị triển khai nội dung Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2019; tư vấn pháp luật qua đường dây nóng và tổ chức tư vấn tại doanh nghiệp về các vấn đề có liên quan đến chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, thai sản, nghỉ việc, tiền lương, việc ký kết thực hiện hợp đồng lao động, chế độ làm thêm giờ cho 2.120 NLĐ, nhất là việc tạm hoãn hợp đồng lao động cho gần 4.000 CNLĐ và chấm dứt hợp đồng lao động đối với 1.500 NLĐ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Qua hoạt động tư vấn pháp luật đã giúp CNLĐ và doanh nghiệp hiểu rõ hơn và thực hiện đúng các quy định pháp luật, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.

Đặc biệt, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp đăng tải chuyên trang, chuyên mục, tin, bài, ảnh phản ánh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của các cấp Công đoàn trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh - Truyền hình Tiền Giang, Báo Lao Động. Đồng thời, LĐLĐ tỉnh thường xuyên nâng chất đội ngũ báo cáo viên Công đoàn cấp tỉnh, 11 Câu lạc bộ “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật” cấp huyện; tổ chức và duy trì thường xuyên “Ngày phổ biến, giáo dục pháp luật” trong cơ quan, doanh nghiệp hằng tháng.

Chủ tịch LĐLĐ huyện Gò Công Tây Đỗ Thị Kiều Oanh cho biết, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được LĐLĐ huyện tổ chức thực hiện thông qua các hình thức tập huấn, tọa đàm, hội thảo, hội thi, đặc biệt tuyên truyền bằng hình thức trực quan đã giúp CNLĐ hiểu sâu và nhớ lâu các văn bản pháp luật hiện hành nhưng chủ yếu vẫn là tờ gấp, tài liệu bỏ túi, tuyên truyền miệng, qua hệ thống loa truyền thanh ở doanh nghiệp, loa di dộng, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo… Bên cạnh đó, LĐLĐ huyện Gò Công Tây còn chỉ đạo các Công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp xây dựng tủ sách pháp luật để giúp CNLĐ tìm hiểu các vấn đề về pháp luật khi cần.  

KHẮC PHỤC HẠN CHẾ

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong CNLĐ vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn do phần đông CNLĐ là lao động phổ thông, tuổi đời còn trẻ, trình độ, nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế. Do đó, một số CNLĐ bị doanh nghiệp xâm phạm các quyền và lợi ích hợp pháp, phải chịu thiệt thòi trong quan hệ lao động. Mặt khác, đối với những doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn thì việc học tập, tìm hiểu kiến thức pháp luật do NLĐ tự “xoay xở”.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong các doanh nghiệp thường xuyên thay đổi; nhiều doanh nghiệp thờ ơ, thiếu thiện chí hợp tác hoặc tìm cách trì hoãn với lý do là phải ưu tiên cho sản xuất nên không có thời gian tổ chức tuyên truyền pháp luật cho CNLĐ…

Theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang Trương Văn Hiền, để đạt được hiệu quả, công tác tuyên truyền phải đảm bảo cùng lúc 2 yêu cầu, vừa chiều rộng lẫn chiều sâu. Khi đó phải giới thiệu cho toàn thể CNLĐ hiểu tất cả các luật mới do Nhà nước ban hành. Bên cạnh đó, cần phải xác định mục đích, nội dung trọng tâm, cách thức chuyển tải các nội dung sao cho phù hợp với từng đối tượng và từng điều kiện khác nhau.

Trong thời gian tới, LĐLĐ tỉnh sẽ tiếp tục kết hợp với Sở Tư pháp, cơ quan Công an tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở các khu công nghiệp, khu nhà trọ hằng quý để CNLĐ nắm và thực hiện. Đồng thời, gửi văn bản đến các đơn vị cơ sở, nhất là Công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp yêu cầu chủ doanh nghiệp tạo điều kiện phối hợp về thời gian để Công đoàn cơ sở tổ chức phổ biến pháp luật cho CNLĐ, duy trì hoạt động câu lạc bộ pháp luật của Công đoàn hằng tháng, quý…

Ngoài ra, để làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNLĐ tại các doanh nghiệp, đối với các LĐLĐ cấp huyện cần phải xây dựng kế hoạch nội dung tuyên truyền hằng năm và xây dựng kế hoạch liên tịch giữa các ngành. Quán triệt sâu sắc mục tiêu, quan điểm Nghị quyết 4b của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, khoá XI về “Nâng cao công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNVCLĐ trong tình hình mới” vào quá trình tổ chức các hoạt động tuyên truyền ở cơ sở…

LÝ OANH

.
.
Liên kết hữu ích
.