.

Mái nhà chung của những mảnh đời bất hạnh

Cập nhật: 08:28, 06/02/2021 (GMT+7)

Nhiều năm qua, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Trung tâm) kết nối yêu thương, nuôi dưỡng, che chở và trở thành mái nhà chung của các đối tượng xã hội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp họ lạc quan, tự tin vào cuộc sống. Qua đó, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của tỉnh.

Trung tâm hiện đang tiếp nhận cưu mang, nuôi dưỡng nhiều mảnh đời neo đơn không người thân chăm sóc, người già tàn tật, người bệnh tâm thần, bệnh hiểm nghèo, trẻ mồ côi, bị bỏ rơi… Mỗi đối tượng ở Trung tâm đều có cảm nhận về sự may mắn, hạnh phúc theo cách khác nhau nhưng tựu trung vẫn là sự ấm áp, chở che, bao bọc.

Giám đốc Trung tâm Lê Văn Bé Chín thường xuyên thăm hỏi sức khỏe các cụ.
Giám đốc Trung tâm Lê Văn Bé Chín thường xuyên thăm hỏi sức khỏe các cụ.

TRUNG TÂM LÀ NHÀ

Vào một buổi sáng sớm của ngày cuối năm Canh Tý, trong khuôn viên rộng rãi, thoáng mát của Trung tâm, các đối tượng nữ xúm xích nhau xem ti vi và chuẩn bị ăn sáng. Ngoài sân, các đối tượng nam cùng nhau chăm sóc cây kiểng, treo đèn…, chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Các đối tượng không nhớ rõ đã cùng nhau đón bao nhiêu cái Tết cổ truyền dân tộc tại Trung tâm, chỉ nhớ mọi người cùng hoàn cảnh xung quanh là anh em thân thiết, cán bộ Trung tâm là người ruột thịt luôn quan tâm, chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ, sức khỏe cho mình. Ông Nguyễn Văn Y, một người vô gia cư đang được Trung tâm cưu mang, nuôi dưỡng, cho biết: “Lúc trước, tôi đi bán vé số kiếm sống qua ngày nhưng không may bị tai biến, rồi được Trung tâm tiếp nhận chăm sóc 2 năm qua. Dù không người thân nhưng sống ở đây tôi luôn cảm thấy ấm áp bởi tình yêu thương, chia sẻ của những người cùng cảnh ngộ”. 

Theo chia sẻ của các cụ bà đang sinh sống tại Trung tâm thì mỗi người đều có hoàn cảnh khác nhau, có người vì cuộc sống khó khăn phải rời quê hương để mưu sinh hay có những người lớn tuổi không người thân, thậm chí họ không nhận ra mình là ai, quê quán ở đâu hoặc những trẻ nhỏ bị bỏ rơi khi vừa mới lọt lòng… Chính vì vậy, khi được sống ở Trung tâm, mọi người đều xem nơi đây là mái nhà chung, là gia đình đầy yêu thương.

Tại Trung tâm, những mảnh đời nương tựa,  chia sẻ nhau trong cuộc sống.
Tại Trung tâm, những mảnh đời nương tựa, chia sẻ nhau trong cuộc sống.

Khi sinh ra, không ai muốn bản thân mình phải chịu bất hạnh, tuy nhiên tạo hóa đã gắn cho mỗi con người một số phận. Bà Võ Thị Kiều, 62 tuổi, quê ở tỉnh Long An, vào Trung tâm sinh sống được 6 năm. Bà Kiều cho biết, bà không có gia đình, lúc trước khi còn khỏe bươn chải đủ nghề để kiếm sống, khi sức khỏe yếu không nhớ rõ đường về nhà và được Trung tâm tiếp nhận chăm lo. Trong 6 năm qua, bà Kiều luôn xem Trung tâm là nhà, mọi người như người thân cùng nhau chia sẻ niềm vui, nỗi buồn… Hay như bà Trần Thị Rớt (73 tuổi) vào Trung tâm đã lâu, chia sẻ: “Ở đây tốt lắm, được chăm sóc tận tình. Tôi biết ơn các chú, các cô ở Trung tâm nhiều lắm vì đã tạo cho tôi có chỗ “nương thân” lúc tuổi cao sức yếu…!”.

Là người sinh sống lâu nhất tại Trung tâm, bà Nguyễn Thị Bé (78 tuổi) trải lòng: “Bản thân tôi mồ côi được Trung tâm nuôi dưỡng từ nhỏ. Suốt quãng đời tôi đã gắn bó với Trung tâm, cùng chăm sóc những người có hoàn cảnh giống như mình. Nhờ sự tận tâm chăm sóc của cán bộ Trung tâm mà tôi sống khỏe đến hôm nay”.

GIEO MẦM ƯỚC MƠ

Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng 12 trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các em đều được Trung tâm cho đi học hoặc học nghề, trong đó có 1 em mẫu giáo, 5 em tiểu học, 4 em THCS và 2 em đang học nghề may, điện lạnh. Bên cạnh học tập ở trường, các em còn được nhân viên kiêm giáo viên của Trung tâm thường xuyên phụ đạo thêm nhằm giúp các em củng cố kiến thức được giảng dạy trên lớp, nhất là hỗ trợ ôn tập cho các em trong các kỳ thi học kỳ, rèn luyện kỹ năng đọc, viết và làm tập làm văn. Chị Nguyễn Thanh Thủy, nhân viên Trung tâm vừa ôn bài cho các em vừa cho biết: “Ở đây, chúng tôi thấu hiểu được hoàn cảnh của các em nên xem các em như con cháu của mình. Chúng tôi thường xuyên liên lạc với nhà trường để theo dõi quá trình học tập của các em”.

Hằng ngày, nhân viên Trung tâm đều dành thời gian ôn bài cho các em nhỏ.
Hằng ngày, nhân viên Trung tâm đều dành thời gian ôn bài cho các em nhỏ.

Em Dương Thị Minh Hiếu có hoàn cảnh ba mẹ ly dị, mẹ bỏ đi, em sống với ba và bà nội. Trong một lần bị bà nội la rầy, Hiếu bỏ nhà đi và được đưa vào Trung tâm sinh sống gần 5 năm. Hiếu cho biết: “Trước đây, ba và bà nội cũng có đến Trung tâm thăm em, nhưng năm rồi ba em bệnh và mất, nội thì già yếu nên không còn đến thăm em nữa. Em ở Trung tâm được các cô, chú chăm sóc, cho đi học, em biết ơn các cô, chú nhiều lắm. Em hứa sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng các cô, chú ở Trung tâm”.

Thấu hiểu số phận kém may mắn từ khi lọt lòng của các em nên các cô giáo “bất đắc dĩ” ở Trung tâm đều dành tình thương đặc biệt cho các em. Mỗi em có tính cách, sự tiếp thu bài học khác nhau, nên các cô giáo đều quan tâm, dạy bảo theo tính tình riêng của từng em. Khi nhìn thấy các em nắn nót từng nét chữ, đọc to, rõ từng câu và những tấm Giấy khen của nhà trường trao tặng cho các em, đó là động lực để các cô giáo ở Trung tâm quên đi sự mệt mỏi, tiếp tục gieo mầm ước mơ vì tương lai tươi sáng cho các em. Chị Dương Thị Anh Thư, cô giáo của Trung tâm đang ôn tập môn Tiếng Anh cho các em chia sẻ: “Các em ở đây ngoan lắm, đều cố gắng học tốt. Khi nghe nhà trường khen các em có tiến bộ, chúng tôi vui lắm, vì thấy mình đã góp được phần nào giúp các em, chỉ mong sao các em có được tương lai tươi đẹp”.

NỖ LỰC TIẾP THÊM NIỀM TIN

Hiện Trung tâm đang chăm sóc, nuôi dưỡng 368 đối tượng chính sách, người già neo đơn, người già neo đơn, khuyết tật, bệnh tâm thần, trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ… Hoạt động Trung tâm ngày càng đi vào nền nếp, thực hiện công tác xã hội ngày một chuyên nghiệp. Cán bộ, nhân viên Trung tâm được đào tạo chuẩn hóa và làm việc không chỉ bằng trách nhiệm mà còn bằng cả tình thương yêu, sự tận tâm đã vun đắp tinh thần, tiếp thêm niềm tin cho những trẻ em sớm xa rời tình yêu thương ruột thịt, những cụ ông, cụ bà tuổi xế chiều và xoa dịu bệnh tật cho những người yếu thế trong xã hội.

Theo các cán bộ, nhân viên tại Trung tâm, các đối tượng ở đây hầu như ai cũng cần tình yêu thương. Thế nên, càng gắn bó với Trung tâm, càng tiếp xúc với nhiều mảnh đời cô đơn, bệnh tật, lòng trắc ẩn trong mỗi cán bộ, nhân viên chăm sóc lại càng lớn. Hằng ngày, thấy các đối tượng có tinh thần phấn chấn, niềm tin trong cuộc sống thì những người làm công tác chăm sóc của Trung tâm càng có thêm động lực để cố gắng làm tốt hơn công việc của mình.

Chị Lê Ngọc Hoàng Yến Anh, nhân viên Trung Tâm cho biết: “Tôi làm ở Trung tâm đã nhiều năm, thường xuyên chăm sóc các cụ lớn tuổi, đa phần bị tai biến, đi lại sinh hoạt khó khăn. Một ngày làm việc của tôi bắt đầu từ 6 giờ, lần lượt giúp các cụ ăn uống, tắm rửa, vệ sinh rồi quét dọn nơi ở, giặt giũ. Có lúc nhiều cụ khó chịu do bệnh tật, không “hợp tác”, nặng lời..., nhưng thấu hiểu được hoàn cảnh, tâm trạng của các cụ nên tôi không giận mà ngược lại chăm sóc các cụ như chính cha mẹ của mình”.

Ngoài việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng bằng nhiều hoạt động thiết thực, Trung tâm còn theo dõi diễn biến sức khỏe hằng ngày cho các đối tượng, đưa đối tượng đi khám bệnh định kỳ; phối hợp đoàn y, bác sĩ đến khám bệnh và làm các xét nghiệm cho các đối tượng đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm; tổ chức các hoạt động phục hồi chức năng, trợ giúp các đối tượng trong hoạt động tự quản phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe của từng nhóm đối tượng.

Phó Giám đốc Trung tâm Nguyễn Văn Hùng cho biết, hằng năm, Trung tâm thực hiện tiếp nhận sự hỗ trợ của các tập thể, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, các dịp lễ, tết là thời điểm nhiều tập thể, cá nhân thường xuyên đến thăm Trung tâm, không chỉ trao tặng những phần quà, phần tiền mà còn có cả tình cảm dạt dào, yêu thương để phần nào xua đi nỗi cô đơn, nỗi buồn xa nhà, xa quê… Mỗi năm vào dịp tết đến, xuân về, những trường hợp nào có quê hương, gia đình thì sẽ về quê đón tết, còn những trường hợp không có gia đình, người thân sẽ đón tết tại Trung tâm. Ngoài số tiền thiện nguyện của các nhà hảo tâm hỗ trợ, Trung tâm còn chi thêm tiền mua sắm các đồ dùng cần thiết cho những người cơ nhỡ không nơi nương tựa có được cái Tết cổ truyền dân tộc thêm đầm ấm. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tổ chức các chương trình văn nghệ, hoạt động cho các đối tượng trong đêm giao thừa để mọi người cảm thấy ấm áp như đang sống trong một gia đình.

Gạt đi những áp lực, vất vả của công việc, cán bộ, nhân viên gắn bó ở Trung tâm vẫn đang nỗ lực tiếp thêm niềm tin cho những người mình chăm sóc, góp phần làm cho mái nhà chung càng thêm chan chứa tình yêu thương. Giờ đây, đến với Trung tâm - mái nhà chung của những mảnh đời bất hạnh, nhiều người cảm thấy bình yên, yêu thương. Ở đó, các em mồ côi, khuyết tật được sống trong bình đẳng, lạc quan yêu đời; những người lớn tuổi được sống vui, sống khỏe hơn. Có thể thấy rằng, dưới mái nhà chung này, những mảnh đời bất hạnh đang ngày càng được thắp lửa, sưởi ấm bởi tình yêu thương, tận tâm, trách nhiệm của những người làm công tác xã hội.

Hy vọng rằng, với thông điệp Trung tâm là nhà, đối tượng bảo trợ là người thân; kết nối yêu thương, chung tay vì cộng động sẽ giúp Trung tâm ngày càng kết nối nhiều tổ chức, cá nhân để vận động nguồn lực chăm lo cho các đối tượng yếu thế có được cuộc sống tươi đẹp.

PHƯƠNG MAI

.
.
.