.

Số hóa... Tết

Cập nhật: 07:26, 13/02/2021 (GMT+7)

Nếu mấy chục năm qua cỗ xe công nghệ tiến lên phía trước bởi lực kéo của nhu cầu con người, nay lại nhận thêm lực đẩy từ Covid-19: thúc ép con người phải sử dụng và phát triển công nghệ để lấp đầy khoảng trống giữa người với người do dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh gây ra.

Trước Tết Canh Tý 2020 vài tuần, đã có phong phanh tin tức về dịch viêm phổi cấp “lạ” ở đâu đó, song không ai có thể hình dung cuộc sống của chúng ta lại đảo lộn nghiêm trọng do ảnh hưởng của Covid-19. Dịch bệnh nhanh chóng lan rộng, gõ cửa từng nhà, đe dọa từng người, khiến hàng loạt quốc gia, kể cả đang phát triển hay đã phát triển, hàng ngàn đô thị từ siêu lớn tới thị trấn nhỏ buộc phải phong tỏa, phải “khóa cửa”. Hàng tỷ người không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo, giàu nghèo... rơi vào tình cảnh “cách ly xã hội” rộng khắp và khắc nghiệt chưa từng có trong lịch sử loài người.

May mắn khoa học và công nghệ đã cứu rỗi thế giới. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã có mặt kịp thời, ngay khi sự tiếp xúc trực tiếp giữa con người với con người - vốn là đặc trưng xã hội từ bao đời nay - lại có thể trở thành nguy hiểm chết người bởi con virus mang tên SARS-CoV-2 và các biến thể của nó. Nếu mấy chục năm qua cỗ xe công nghệ tiến lên phía trước bởi lực kéo của nhu cầu con người, nay lại nhận thêm lực đẩy từ Covid-19: thúc ép con người phải sử dụng và phát triển công nghệ để lấp đầy khoảng trống giữa người với người do dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh gây ra.

Tết Tân Sửu đã gõ cửa sau một năm đặc biệt, và chắc chắn là một cái Tết đặc biệt chưa từng có xưa nay, vì công nghệ chen vào giữa chúng ta trong những ngày đáng ra phong tục cổ truyền phải lên ngôi. Sau một năm hạn chế di chuyển, hạn chế tiếp xúc trực tiếp, làm việc và hội họp từ xa, học tập qua mạng, du lịch ảo, khám chữa bệnh qua mạng, thậm chí các hoạt động vui chơi giải trí, thi đấu thể thao cũng qua mạng, dường như ngôi nhà chưa bao giờ trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống” như năm 2020 vừa qua.

Nhiều người trong chúng ta sẽ không còn nói sẽ trở về nhà đoàn tụ với gia đình vào dịp Tết nữa, vì đơn giản vẫn ở nhà suốt. Nhiều người khoe Tết này không đi du lịch nước ngoài như mọi năm, mà sẽ ở nhà sum họp cùng gia đình, đơn giản vì biết đi đâu khi Covid-19 vẫn đang hoành hành khắp 5 châu. Như vậy Tết Tân Sửu này thật sự sẽ là Tết đoàn viên của rất nhiều gia đình Việt Nam, đúng như truyền thống ngàn năm của dân tộc.

Truyền thống không mất đi mà vẫn được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dĩ nhiên không thể hoàn toàn bất biến mà vẫn chứa đựng trong đó sự thay đổi tương hợp với từng thế hệ, từng thời đoạn lịch sử. Tết của thế hệ 4x và 5x chắc chắn khác với Tết của thế hệ 6x, 7x và khác xa so với Tết của thế hệ 9x và 10x. Song Tết Tân Sửu sẽ làm nên sự khác biệt lớn hơn nữa, vì là cái Tết đầu tiên thời kỳ hậu Covid-19 - Tết Công nghệ số.

Chúc Tết qua mạng điện thoại di động đã bắt đầu phổ biến từ hơn 20 năm trước, và đến nay chỉ trong vài tiếng trước và sau giao thừa đã có hàng tỷ tin nhắn mang theo những lời chúc tốt đẹp nhất, những giọng nói yêu thương và cả hình ảnh sinh động được truyền tải ngay lập tức qua mạng 3G, 4G và sắp tới là 5G tới mọi nơi, bất kể trong hay ngoài nước. Tới đây, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp mỗi lời chúc Tết phù hợp nhất với người nhận, đúng với mong muốn của họ.

Từ lâu mua sắm Tết không chỉ là nét đẹp xuất phát từ nhu cầu có cái Tết đầy đủ viên mãn, còn là niềm vui của rất nhiều người. Thương mại điện tử bùng nổ một phần do tác động của Covid-19 đem lại cho các bà nội trợ những trải nghiệm sắm Tết chưa từng có. Không phải bước chân ra khỏi nhà, chỉ với chiếc smartphone, máy tính bảng hay laptop, chúng ta có thể dạo qua các siêu thị ảo tràn ngập hàng hóa và đủ loại dịch vụ, thoải mái lựa chọn, tha hồ mua sắm, thanh toán tức thì mọi thứ cần thiết chỉ với những cú chạm hay vuốt nhẹ. Thậm chí đến cả mâm ngũ quả hay mâm cỗ cúng đêm 30 cũng có thể hiện ra trong chớp mắt kèm theo nụ cười của shipper.

Công nghệ cũng bước vào phong tục tặng quà Tết, khi thay vì phải đi mua quà và đem đến tận tay người nhận, có thể đặt mua quà và thanh toán từ xa rồi ngồi đợi món quà đến đúng tay người nhận vào đúng thời điểm mong muốn. Thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và đội ngũ shipper xanh đỏ tím vàng chính là ba trụ cột không chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất, còn cả nhu cầu tinh thần của chúng ta trong những ngày Tết đầm ấm và yêu thương.

Bên cạnh những hoạt động vui chơi giải trí truyền thống, chơi Tết Tân Sửu còn có sự góp mặt của những nhà hát số, bảo tàng số, rạp chiếu phim số, sân vận động số… Đặc biệt, công nghệ thực tế ảo (VR) không chỉ khiến trò chơi điện tử của lũ trẻ hấp dẫn hơn, thực hơn còn giúp chúng ta thực hiện những chuyến du lịch hay tham quan ảo xuyên không gian và thời gian, tạo nên nhiều câu chuyện thần thoại hiện đại. Vào một cái Tết không xa nữa chúng ta sẽ có cơ hội đắm mình trong không gian linh thiêng của một ngôi chùa ảo có cả tiếng chuông và khói trầm nhè nhẹ.  

Bản Happy New Year của nhóm nhạc ABBA huyền thoại đã vang lên đâu đó báo hiệu đến lúc gọi một chiếc Grab du xuân. Chỉ vài năm nữa thôi, đón bạn rất có thể là một chiếc xe điện Tesla không người lái.

(Theo sggp.org.vn)

.
.
.