Thứ Năm, 18/02/2021, 09:18 (GMT+7)
.

Tiền Giang đưa Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị đi vào đời sống xã hội

Ngày 22-11-2012, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 21 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2012 - 2020” (viết  tắt Nghị quyết 21).

TRIỂN KHAI SÂU RỘNG

Tại tỉnh Tiền Giang, công tác triển khai, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Nghị quyết 21 đã được các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể nghiêm túc triển khai đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách, quy định của Trung ương, của tỉnh về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc tham gia BHXH, BHYT, góp phần chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh; thường xuyên đăng tải tin, bài tuyên truyền về BHXH, BHYT trên Bản tin “Thông báo nội bộ” làm tài liệu sinh hoạt chi bộ hằng tháng.

Qua tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết 21, nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân có sự chuyển biến tích cực, cơ bản hiểu đúng và đầy đủ quan điểm của Đảng, Nhà nước về BHXH, BHYT; ý thức được việc thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và của mỗi người dân.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Mười phát biểu tại Hội nghị  triển khai nhiệm vụ ngành BHXH Tiền Giang năm 2021.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Mười phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành BHXH Tiền Giang năm 2021.

NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT

Qua 8 năm thực hiện, số người tham gia trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, cụ thể: Số người tham gia BHXH tăng bình quân 9,5%/năm. Năm 2013 có 133.391 người tham gia BHXH, chiếm 13,4% lực lượng lao động trong độ tuổi (127.390 người tham gia BHXH bắt buộc và trên 6.000 người tham gia BHXH tự nguyện); đến năm 2017 có 165.326 người tham gia, chiếm 86% lực lượng lao động tại doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ gần 16% lực lượng lao động trong độ tuổi; năm 2020, tính đến ngày 31-12-2020 có 209.497 người tham gia BHXH, trong đó BHXH bắt buộc 190.681 người, BHXH tự nguyện 18.816 người, tăng 61,44% (11.561 người so với năm 2019).

Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 179.429. Số người tham gia BHYT (thẻ BHYT do BHXH tỉnh phát hành là 1.510.729 người). Tổng số người dân Tiền Giang có thẻ BHYT là 1.644.884 (trong đó số người tham gia BHYT có hộ khẩu tại tỉnh Tiền Giang do BHXH tỉnh phát hành là 1.469.760 người, cộng số người hộ khẩu Tiền Giang làm việc ngoài tỉnh có thẻ BHYT là 162.037 người và 13.087 người có thẻ do BHXH Bộ Quốc phòng phát hành). Như vậy, so với dân số tỉnh, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92,61%, vượt 2,61% chỉ tiêu Chính phủ giao.

Nhìn chung, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự điều hành và tổ chức thực hiện của ngành BHXH, cùng với sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành liên quan, công tác BHXH, BHYT, BHTN đã đạt được những kết quả quan trọng như: Việc tổ chức thực hiện thông tin, tuyên truyền đã làm chuyển biến nhận thức cả trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của BHXH, BHYT, BHTN. Công tác cải cách hành chính được triển khai theo đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra; tác phong, thái độ ứng xử đối với doanh nghiệp, người tham gia BHXH, BHYT, BHTN được cải thiện.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý được đặc biệt quan tâm, từng bước hiện đại hóa; hệ thống thông tin giám định, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT được vận hành theo đúng quy định; dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT được đồng bộ, góp phần hình thành cơ sở dữ liệu tập trung về BHXH, BHYT. Các chính sách, chế độ BHXH, BHYT, BHTN được triển khai đầy đủ, kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người dân. Việc mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN luôn vượt chỉ tiêu giao, đặc biệt là về lĩnh vực BHYT.

Quỹ BHXH ngày càng tăng; quỹ KCB BHYT được quản lý chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia. Công tác kiểm tra, giám sát luôn được xem trọng; hằng năm có tiến hành kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 21, các chỉ thị của Trung ương và của Tỉnh ủy về công tác BHXH, BHYT, BHTN; qua đó, xác định giải pháp phù hợp để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN. Mặt khác, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ KCB BHYT, bảo đảm quyền lợi và đáp ứng nhu cầu KCB của người tham gia BHYT; công tác giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, BHTN được thực hiện đúng quy định, đã góp phần đảm bảo an toàn xã hội trên lĩnh vực an sinh xã hội.

     TRẦN VĂN LUẬN

.
.
.