Thứ Hai, 26/04/2021, 16:24 (GMT+7)
.

Lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ mới đạt 24,5%

Theo Báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm chủ yếu; lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, mới đạt 24,5% năm 2020, cơ cấu lao động đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

a
 

 “Phát triển thị trường lao động nhằm thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế ở Việt Nam” là chủ đề cuộc hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cùng với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức sáng nay 26-4.

Nhóm nghiên cứu CIEM nhận định, một trong những nội dung quan trọng nhất của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam là chuyển dần từ tăng trưởng dựa trên tăng số lượng các yếu tố đầu vào sản xuất sang tăng trưởng dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Để làm được như vậy, Việt Nam cần thay đổi cơ chế phân bổ nguồn lực theo hướng thúc đẩy chuyển dịch tích cực các nguồn lực sản xuất sang các ngành, lĩnh vực có năng lực cạnh tranh hơn, năng suất lao động cao hơn và đóng góp tốt hơn vào quá trình phát triển kinh tế Việt Nam, trong đó có nguồn lực lao động.

Những năm vừa qua, thị trường lao động Việt Nam đã có những cải thiện nhất định về khung pháp lý để phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho người lao động. Đã có sự chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ; từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức, từ những công việc không ổn định, bấp bênh (lao động tự làm, lao động gia đình không được hưởng lương) sang những công việc mang tính ổn định, bền vững và đảm bảo hơn; từ những ngành nghề đơn giản sang những ngành nghề đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật cao; từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất lao động cao hơn. Nhận thức của người lao động về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp đã có sự cải thiện rõ rệt, tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp tự nguyện đã tăng nhiều so với trước.

Tuy nhiên, thị trường lao động Việt Nam nhìn chung vẫn là một thị trường dư thừa lao động; chất lượng việc làm chưa cao; phát triển không đồng đều, mất cân đối nghiêm trọng về cung-cầu lao động giữa các vùng, khu vực, ngành nghề kinh tế.

Theo báo cáo, lao động phi chính thức, lao động phổ thông vẫn chiếm chủ yếu; lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp còn thấp, mới đạt 24,5% năm 2020, cơ cấu lao động đã qua đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Các định chế trung gian, chính sách an sinh và bảo hiểm của thị trường lao động còn yếu, độ bao phủ thấp, chưa đạt hiệu quả cao.

Giai đoạn tới, bối cảnh kinh tế quốc tế có nhiều thay đổi và biến động khó lường, cộng với sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0 và biến đổi khí hậu, Việt Nam cần chú trọng hoàn thiện thể chế, chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, về tạo dựng và giải quyết việc làm cho người lao động – nhóm nghiên cứu đề xuất.

Bên cạnh đó, chính sách tiền lương cho người lao động cần được xem xét điều chỉnh đồng thời với phát triển các định chế trung gian, các cơ chế an sinh, bảo hiểm xã hội cho người lao động để thúc đẩy thị trường phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả và hội nhập với thị trường lao động khu vực và thế giới, hướng tới mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
.