Nỗ lực vượt qua khuyết tật
Có nhiều người không may mắn, khi sinh ra cơ thể đã bị khuyết tật, nhưng họ không đầu hàng số phận mà luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội và là tấm gương về nghị lực sống.
Anh Huỳnh Thanh Khiết: Vững vàng trên đôi chân tật nguyền
Sinh ra và lớn lên ở xã Nhị Quý, TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Gian, anh Huỳnh Thanh Khiết (sinh năm 1979) có số phận kém may mắn. Khi mới 3 tuổi, anh bị sốt bại liệt, tay trái và chân phải ngày càng teo tóp. Dù bị khuyết tật nhưng anh Khiết vẫn được gia đình cho đến trường học tập. Học hết lớp 9 vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, đi lại gặp nhiều trở ngại nên anh đành nghỉ học, phụ giúp cha mẹ trông nom nhà cửa.
Tuy nhiên, nghĩ đến tương lai, năm 17 tuổi anh Khiết quyết tâm đi học nghề, nhưng không ai nhận vì cho rằng anh “chân tay yếu làm sao mà học!”. Không nản chí, anh Khiết đã tìm đến cơ sở nhôm để học nghề, được một thời gian do công việc khá nặng nhọc nên đành nghỉ. Quyết không là gánh nặng của gia đình, anh Khiết tìm đến các cơ sở mộc xin học nghề thổi PU (một công đoạn đánh bóng, thổi màu cho các sản phẩm gỗ). Với quyết tâm, anh Khiết chăm chỉ học nghề và trở thành thợ làm công cho một cơ sở mộc trên địa bàn.
Vừa làm, vừa học hỏi thêm nên anh Khiết ngày càng nâng cao tay nghề và được nhiều người biết đến. Ngoài việc đến cơ sở mộc để làm, anh Khiết còn nhận gia công thổi PU các mặt hàng đồ gỗ tại nhà. Làm có lời, anh Khiết tích góp đầu tư thêm dụng cụ máy móc để tăng năng suất công việc. Mọi người càng khâm phục hơn khi biết chính sự cần cù, chịu khó mà anh Khiết lấy được vợ. Vợ anh là người phụ nữ khá xinh đẹp, chị ở nhà vừa chăm sóc gia đình vừa may gia công túi xách. Hiện tại, vợ chồng anh Khiết có 2 người con, cuộc sống rất hạnh phúc.
Chị Trần Thị Lan: Vượt qua nỗi đau da cam
Ở xã Mỹ Phước Tây, TX. Cai Lậy, mọi người đều biết đến chị Lan (54 tuổi) là một phụ nữ đáng thương khi mang trong mình những di chứng của chất độc màu da cam/dioxin làm cho đôi chân chị co quắp, thân hình nhỏ bé. Ngay từ khi sinh ra, chịu nhiều thiệt thòi nhưng chị chưa bao giờ đầu hàng số phận, sống dựa vào gia đình mà luôn có ý thức, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Lúc nhỏ dù bị khuyết tật nhưng chị Lan vẫn được gia đình cho đến trường. Nhưng vì sức khỏe yếu, thân hình bé nhỏ hay bị bạn bè trêu chọc nên chị nghỉ học. Lớn lên, chị Lan đi học may. Chị Lan chia sẻ: “Có được cuộc sống ổn định như ngày hôm nay, tôi đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn từ vật chất cho đến sự tự ti, mặc cảm với những khiếm khuyết trên cơ thể...”.
Sau nhiều đêm trăn trở, chị Lan quyết định vay vốn phát triển kinh tế của Hội Liên hiệp Phụ nữ để học may gia công túi xách. Tích góp được một số vốn, chị mạnh dạn đầu tư mua thêm máy may, máy lập trình, máy đánh quay… Từ đó, không chỉ tạo việc làm ổn định cho bản thân mà còn giúp cho nhiều chị em trong xóm có việc làm, tăng thêm thu nhập.
LÊ PHƯƠNG