.

Trân quý nghị lực của một người phụ nữ

Cập nhật: 14:15, 07/04/2021 (GMT+7)

Từng có lúc chị phải nằm một chỗ, không đi lại được ròng rã hơn 2 năm, nhưng chị Trần Thúy Hương (sinh năm 1978) ở xã Trung An, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã vượt qua sự bất hạnh của cuộc đời để vươn lên trong cuộc sống.

Chị Hương sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Vì hoàn cảnh khó khăn nên năm 20 tuổi, chị Hương rời gia đình sang tỉnh Tiền Giang thuê trọ đi làm công nhân cho một công ty tại Cụm công nghiệp Trung An (TP. Mỹ Tho).

Chị Hương cho biết, chị đi làm tích góp gửi tiền về phụ giúp gia đình, đến năm 2006 lập gia đình và sinh được 2 đứa con. Lúc này, vợ chồng chị ở trọ, đi làm để chăm lo cho 2 con. Có lẽ do cuộc sống khó khăn nên có lúc vợ chồng chị “cơm không lành, canh không ngọt” dẫn đến ly thân. Năm 2013, trong một lần đi giao hàng, chị bị tai nạn giao thông, nằm một chỗ vì bị giập tủy dẫn đến liệt 2 chân, lúc đó đứa con gái lớn của chị mới học lớp 1 và đứa con trai nhỏ học lớp chồi. “Lúc đó, đến bệnh viện các bác sĩ đều nói trường hợp của tôi khó phục hồi, phải nằm một chỗ suốt đời nhưng nghĩ đến các con, tôi đã cố gắng vượt qua khó khăn” - chị Hương chia sẻ.

Hằng ngày, chị Hương đi bán vé số để lo cho 2 con ăn học.
Hằng ngày, chị Hương đi bán vé số để lo cho 2 con ăn học.

Sau 2 năm nằm một chỗ, chị Hương cố gắng tập ngồi, cử động tay, chân và để có nguồn thu nhập nuôi sống bản thân cũng như chăm lo cho các con, chị bắt đầu bán hàng qua mạng. Tất cả sự cố gắng và nghị lực của bản thân cùng sự giúp đỡ của các tổ chức, nhà hảo tâm, chính quyền địa phương đã hỗ trợ xây cho chị căn nhà tình thương. 

Hiện tại, hằng ngày, chị Hương di chuyển bằng xe máy ba bánh dành cho người khuyết tật để đưa đón các con đi học và đi bán vé số. Chị Hương kể: “Mỗi ngày, chị bán 150 tờ vé số và tranh thủ khoảng 10 giờ là đến bếp ăn từ thiện của Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh để nhận cơm từ thiện cho cả 3 mẹ con. Đến chiều, chị lại đưa 2 con đi học, trong lúc chờ đón 2 con, chị tiếp tục bán vé số và tranh thủ vào bệnh viện tập vật lý trị liệu; hơn 19 giờ cả 3 mẹ con cùng về nhà”.

Dù kém may mắn nhưng chị Hương vẫn luôn cố gắng vươn lên để chăm lo bản thân và 2 con mà không phải phụ thuộc hay là gánh nặng của gia đình, xã hội. Chị Hương chỉ mong muốn bản thân luôn có sức khỏe và có công việc làm với thu nhập ổn định để chăm lo 2 con học hành đến nơi, đến chốn.

Gian nan là vậy nhưng với nghị lực bản thân, chị Hương đã cố gắng vượt qua, chiến thắng bệnh tật, cần mẫn làm việc mỗi ngày để cuộc sống gia đình được tốt đẹp hơn.

P. MAI

 

.
.
.