.
TRƯỜNG KHUYẾT TẬT NHÂN ÁI:

Cho các em tự tin bước vào đời

Cập nhật: 09:16, 19/04/2021 (GMT+7)

17 năm qua, ngôi trường đặc biệt mang tên Trường Khuyết tật Nhân Ái (TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã lặng thầm nuôi dưỡng ước mơ và niềm tin cho trẻ kém may mắn. Bởi lẽ, mỗi em đến đây là một cảnh đời, bị một căn bệnh và biểu hiện khác nhau.

Có những lớp học có phấn trắng, bảng đen nhưng chẳng nghe tiếng thầy cô giảng bài mà thay vào đó là những nét chữ được viết to hơn bình thường, những cử chỉ, động tác diễn tả thay lời nói, cố gắng để các em nhìn, học theo và tiếp thu bài một cách tốt nhất. Ngôi trường đặc biệt này đã giúp những “vành trăng khuyết” sáng lên, tự tin bước vào đời.

NHƯ TỜ GIẤY TRẮNG

Trường Khuyết tật Nhân Ái là nơi giáo dục, nuôi dạy trẻ khiếm thính bậc dự bị và bậc tiểu học, với các phương pháp dạy và học qua khẩu hình miệng, qua ngôn ngữ ký hiệu, ngôn ngữ viết. Song song với dạy văn hóa, trường còn hướng nghiệp cho các em lớp 4, lớp 5. Trong năm học 2020 - 2021, trường có 12 lớp, với 150 học sinh, trong đó có 7 lớp từ lớp 1 đến lớp 5; 3 lớp dự bị dành cho trẻ khiếm thính chuẩn bị vào lớp 1; 2 lớp đặc biệt dành cho trẻ nhiều khuyết tật.

Những lớp học đặc biệt chỉ có hành động và cấu âm.
Những lớp học đặc biệt chỉ có hành động và cấu âm.

Nữ tu Elisabeth Nguyễn Thị Sương, Hiệu trưởng Trường Khuyết tật Nhân Ái cho biết: “Những em học sinh đang theo học tại trường bị khuyết tật nhiều dạng nhưng chủ yếu là câm điếc bẩm sinh. Nhiều em có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, mồ côi cha mẹ hay có em gia đình không trọn vẹn… Do hoàn cảnh mỗi em khác nhau nên trường tổ chức dạy học theo hình thức bán trú và nội trú, nhằm tạo điều kiện cho các em được đến trường, nhất là các em ở vùng sâu, vùng xa, mong sao bù đắp thiệt thòi cho các em”.

Trẻ khiếm thính đến trường gần như là một tờ giấy trắng, bởi các em không nghe được và không nói được. Vì thế, phương pháp dạy học ở ngôi trường đặc biệt này hoàn toàn khác với những ngôi trường bình thường. Cô giáo Nguyễn Lê Ngân Giang chia sẻ: “Trẻ được ba mẹ hoặc người thân đưa đến trường hầu như là chưa biết gì, không nghe, không nói được.

Vì thế, các thầy cô giáo phải dạy các em từ những việc đơn giản như chào hỏi, vệ sinh cá nhân, tự chăm sóc bản thân đến việc tập đọc, tập viết… chủ yếu dạy bằng khẩu hình miệng, cử chỉ, hành động để các em cảm nhận dần. Có những em vâng lời nhưng cũng có nhiều em thường xuyên la hét, đập phá, không chịu hợp tác với bất cứ ai. Vì vậy, giáo viên không chỉ biết phương pháp giáo dục còn phải nắm bắt tâm lý, yêu thương và kiên nhẫn mới có thể dạy dỗ các em”.

DẠY HỌC TRÒ BẰNG TRÁI TIM

Đối với dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi người giáo viên phải kiên trì, nhẫn nại và sự cảm thông, chia sẻ. Theo đó, giáo viên dạy trẻ khuyết tật không đơn thuần là dạy chữ mà còn là người cha, người mẹ, người bạn đồng hành cùng trẻ. Nhìn thì đơn giản nhưng để dạy dỗ các em biết vâng lời học tập là điều không dễ dàng.

Giờ dạy và học của cô trò Trường Khuyết tật Nhân Ái.

Điều thú vị là trong kế hoạch bài giảng của giáo viên không có khái niệm thời gian hoàn thành nội dung dạy và học, thậm chí một nội dung bài học có thể kéo dài vài tháng. Điều thuận lợi nhất khi giảng dạy cho những học sinh đặc biệt này là các em luôn yêu quý thầy cô, bạn học và biết nghe lời. Các em rất ngây thơ, vô tư, trong sáng nên lời nói của giáo viên luôn được các em lắng nghe, đáp ứng và lặp lại.

Tuy nhiên, khó khăn trong nghề cũng không ít, đó là đa số các em chưa được quan tâm để can thiệp sớm, nên dù ở lứa tuổi nào khi đến lớp các em vẫn rất ngây ngô, kỹ năng học tập cũng như giao tiếp hạn chế. Cô giáo Nguyễn Thị Dung cho biết: “Dù dạy trẻ khuyết tật vất vả nhưng bù lại không gì vui sướng bằng đối với giáo viên chúng tôi là khi chứng kiến các em xóa đi mặc cảm khuyết tật để tự tin giao tiếp, tự tin nói lên suy nghĩ, cảm xúc và thể hiện bản thân”.

Cô trò Trường Khuyết tật Nhân Ái cùng dạy và học.

Không đơn thuần chỉ là dạy học, các sơ, giáo viên của Trường Khuyết tật Nhân Ái còn quan tâm việc nuôi dưỡng, chăm sóc các em học bán trú và nội trú cũng khá vất vả. Do thể trạng mỗi em học sinh khác nhau nên thực đơn áp dụng cũng đa dạng, bổ sung dưỡng chất thiết yếu giúp các em vừa phát triển trí tuệ vừa đảm bảo thể chất khỏe mạnh. Đối với những trường hợp các em có hành vi mất kiểm soát đòi hỏi người giáo viên phải ứng xử mềm dẻo thì các em sẽ nghe lời. Đối với các em ở nội trú, hằng đêm đều được các sơ, giáo viên theo dõi việc học bài, ôn bài và nền nếp sinh hoạt tập thể.

VỮNG BƯỚC VÀO ĐỜI

Bằng tình yêu thương và sự kiên nhẫn, thầy cô giáo Trường Khuyết tật Nhân Ái hằ̀ng ngày dốc lòng chăm sóc các em từ những bài học văn hóa, kỹ năng sống, hòa nhập cộng đồng cho đến từng bữa ăn, giấc ngủ… Nhiều em khỏe mạnh còn biết phụ giúp các sơ, cô giáo chăm sóc những em nhỏ. Ngoài học chữ, học sinh của ngôi trường đặc biệt này còn được học nghề theo năng khiếu hay sở thích, như: Cưa lọng dành cho các học sinh nam; thêu tay, thêu máy, đan, móc dành cho học sinh nữ và học vi tính dành cả học sinh nam lẫn nữ.

Thời gian rảnh các em phụ các sơ, cô giáo cắt lá cau kiểng bán cho các shop hoa.
Thời gian rảnh các em phụ các sơ, cô giáo cắt lá cau kiểng bán cho các shop hoa.

Bên cạnh đó, học sinh của trường còn được giáo dục về nhiều mặt như đạo đức, lao động, hướng nghiệp, các hoạt động ngoại khóa, thể thao…, nhờ đó các em phát triển về mọi mặt. Nữ tu Elisabeth Nguyễn Thị Sương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Sau khi học tại trường, những em nào gia đình có điều kiện và có khả năng học tiếp, nhà trường sẽ tạo điều kiện và giới thiệu các em tiếp tục học tại  Trung tâm Giáo dục trẻ khuyết tật Thuận An, tỉnh Bình Dương. Đồng thời, nhà trường còn phối hợp các cơ sở kinh doanh đào tạo nghề cho các em và đã có nhiều em tìm được việc làm ổn định tại các tiệm vàng hay may gia công tại nhà…”.

Dù không may mắn, nhưng với tinh thần đầy nghị lực, các em học sinh Trường Khuyết tật Nhân Ái đã vượt qua khó khăn để hòa nhập với cuộc sống, với cộng đồng. 21 tuổi đời và hơn 10 năm gắn bó với Trường Khuyết tật Nhân Ái, nhờ sự tận tâm dạy bảo, chăm sóc của các sơ, giáo viên mà em Nguyễn Minh Thành đã vượt lên số phận, từ một học sinh rụt rè, sợ giao tiếp, Thành đã có kết quả học tập và rèn luyện kỹ năng tốt, có thể tự chăm sóc bản thân.

Với giọng nói không rõ ràng nhưng các cô giáo đều cảm nhận được tình cảm của Thành muốn chia sẻ: “Nhờ sự yêu thương, tận tình dạy dỗ của quý sơ, quý thầy cô, đến nay đã 10 năm em học ở trường và đã biết được rất nhiều điều, biết nói (dù không rõ ràng), biết giao tiếp khi ra ngoài xã hội. Nguyện vọng của em sau khi học xong ở trường là tiếp tục học lên cao hơn để có thêm kiến thức và học thêm vi tính. Em rất biết ơn quý sơ, quý thầy cô, những người đã dạy dỗ, dìu dắt, giúp đỡ em ăn học và hiểu biết như ngày hôm nay”.

Cô giáo Lê Thúy Quỳnh đang dạy lớp dự bị 2, một lớp học không có lời nói mà thay vào đó là cử chỉ bằng tay và những hình ảnh cụ thể. Được biết, cô Quỳnh bị câm điếc bẩm sinh và trước đây là học sinh của Trường Khuyết tật Nhân Ái. Sau khi học xong ở trường, cô Quỳnh tiếp tục theo học tại Trường Cao đẳng Sư phạm dành cho người khuyết tật ở tỉnh Đồng Nai. Khi ra trường, cô Quỳnh trở về xin giảng dạy và làm bảo mẫu tại Trường Khuyết tật Nhân Ái. Hay như trường hợp của chị Phạm Thị Ngọc Trâm (nhà ở TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang) không nghe, không nói được, sau khi học xong chương trình tiểu học ở Trường Khuyết tật Nhân Ái đã tình nguyện ở lại trường phụ giúp các sơ, các cô giáo chăm sóc trẻ khuyết tật.

Với tình cảm yêu thương và trách nhiệm của các sơ, thầy cô giáo, Trường Khuyết tật Nhân Ái thật sự trở thành “Mái ấm tình thương” - nơi đùm bọc, chăm sóc, dạy dỗ những hoàn cảnh đặc biệt là trẻ khuyết tật trưởng thành, vững bước vào đời.

LÊ PHƯƠNG

.
.
.