Chung tay từng bước xóa bỏ bạo lực gia đình
Hiện nay, đất nước ta đang hướng đến xây dựng xã hội văn minh tiến bộ, gia đình hạnh phúc nhưng tình trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức. Do đó, cộng đồng xã hội cần chung tay đấu tranh để hạn chế và từng bước xóa bỏ BLGĐ trong đời sống xã hội.
CÁC DẠNG BLGĐ VÀ NGUYÊN NHÂN
BLGĐ là một dạng thức của bạo lực xã hội, là “hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình” (theo Điều 1, Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2007).
Có thể chia BLGĐ thành 4 nhóm chủ yếu gồm: Bạo lực về thể chất; bạo lực về tinh thần; bạo lực về kinh tế và bạo lực về tình dục. Các dạng bạo lực trong gia đình gồm bạo lực giữa vợ, chồng. Trong đó, bạo lực giữa người chồng đối với người vợ là dạng bạo lực phổ biến nhất trong gia đình (chiếm 70%). Ngược lại cũng có hiện tượng người vợ sử dụng bạo lực đối với chồng. Việc này thường gây ra những tổn thương về thể chất hoặc tính mạng của người chồng.
Bạo lực giữa cha mẹ và con cái xuất phát từ quan niệm “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, cần phải nghiêm khắc với con. Bạo lực gia đình từ người con đối với cha mẹ, đây là hành vi bất hiếu, đi ngược lại đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Bạo lực giữa các thành viên khác trong gia đình như anh em, chú cháu đánh nhau vì xích mích, mâu thuẫn trong cuộc sống, vì tranh chấp tài sản, chị em mắng chửi, nói xấu nhau….
Hậu quả của mỗi hành vi BLGĐ trực tiếp hay gián tiếp đều tác động và ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình cũng như trật tự xã hội; làm tổn thương về tinh thần đối với những người bị bạo hành; gây thương tích thân thể, thậm chí gây tử vong. BLGĐ dẫn đến vợ chồng ly hôn, gia đình tan vỡ, gây nhiều hậu quả xấu và vấn nạn xã hội phải giải quyết.
Nguyên nhân dẫn đến BLGĐ do các tệ nạn xã hội mà người chồng hoặc vợ mắc phải (chiếm 63,7%) như: Nghiện rượu, sa vào cờ bạc, kinh tế khó khăn, người chồng có tính gia trưởng, con cái vi phạm pháp luật… Sự thiếu hiểu biết pháp luật của cả vợ, chồng và các con, do trình độ học vấn thấp dẫn đến bất bình đẳng giới, định kiến giới làm cho BLGĐ phát sinh.
Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật trong phòng, chống BLGĐ hiệu quả chưa cao. Những nạn nhân của BLGĐ (chủ yếu là người phụ nữ - người vợ) có thái độ cam chịu, không muốn đấu tranh, tố cáo làm cho vấn nạn BLGĐ vẫn tồn tại. Hiện nay, hình phạt đối với các hành vi vi phạm BLGĐ còn quá nhẹ, không tương xứng với hậu quả mà nó gây ra, tính phòng ngừa, răn đe còn hạn chế.
GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG BLGĐ
Việc phòng, chống BLGĐ, bảo vệ người phụ nữ không phải là chuyện một sớm một chiều có thể giải quyết ngay được. Điều này đòi hỏi phải có thời gian, mà điều tiên quyết là phải nâng cao dân trí, tích cực tuyên truyền đi đôi với thực hiện bình đẳng giới, thi hành luật và các chế tài nghiêm minh.
Phòng, chống BLGĐ không phải là việc của một cá nhân hay một tổ chức độc lập, mà là công việc chung, cần có sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị, toàn xã hội vào cuộc mới mang lại hiệu quả thiết thực nhằm xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ, gia đình hạnh phúc bền vững. Do đó, cần có giải pháp cụ thể hóa các chỉ tiêu, mục tiêu về phòng, chống BLGĐ, phòng, chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình.
Thứ nhất, tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức, tiến tới chuyển đổi hành vi của các tầng lớp nhân dân về BLGĐ. Giáo dục bình đẳng giới phải được thực hiện ngay từ trong gia đình đến nhà trường và xã hội. Phải nâng cao nhận thức của cả hai giới về quyền và nghĩa vụ của họ trong mối quan hệ với các thành viên trong gia đình.
Thứ hai, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình, vai trò của họ hàng. Duy trì sự ổn định, đoàn kết và êm ấm trong gia đình; làm tốt công tác hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình. Ngăn chặn kịp thời và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân của BLGĐ; cần trang bị cho nạn nhân BLGĐ sự hiểu biết để tự bảo vệ…
Thứ ba, đẩy mạnh thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh; quan tâm xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa trong đó đưa tiêu chí không có BLGĐ, không lạm dụng rượu bia, không có tệ nạn cờ bạc, ma túy để công nhận gia đình văn hóa.
Thứ tư, phải xử lý nghiêm người có hành vi BLGĐ theo đúng quy định của pháp luật về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ.
Thứ năm, thực hiện việc lồng ghép chương trình phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới trong chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành.
LOAN KIỀU