.

Hợp sức bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Cập nhật: 16:16, 18/06/2021 (GMT+7)
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025” (gọi tắt là chương trình bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng). Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một chương trình cấp quốc gia riêng về bảo vệ trẻ em trên mạng.

Bước tiến mới để bảo vệ trẻ 

Một ngày cuối tháng 5, chị Tr.G., một phụ huynh ở TPHCM, bàng hoàng phát hiện cô con gái đang học lớp 9 của mình bị đe dọa tung ảnh nóng lên mạng. Từ ngày giãn cách vì dịch Covid-19, cô bé xinh xắn hay lên mạng, được nhiều người hỏi thăm làm quen, trong đó có một người xưng là sinh viên đại học năm cuối luôn tỏ ra quan tâm, nói lời thương yêu và đề nghị cô bé chụp hình gửi cho để thỏa nỗi nhớ mong. Khi những yêu cầu của “người yêu” ngày càng quá đáng, cô bé muốn dừng lại liền bị đe dọa đăng những tấm ảnh trước đây lên mạng. Rất may, khi gia đình phát hiện và can thiệp thì thanh niên kia đã dừng lại. 

Câu chuyện của gia đình chị G. không phải hiếm gặp trong xã hội hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến trẻ em dành nhiều thời gian hơn trên internet. Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) đánh giá, trẻ em đang dành nhiều thời gian trực tuyến hơn bao giờ hết. Độ tuổi trẻ em bắt đầu lên mạng ngày càng nhỏ.

Theo tổ chức này, khi được sử dụng đúng cách, internet có tiềm năng mở rộng tầm nhìn và khơi dậy sự sáng tạo trên toàn thế giới. Song cơ hội lớn cũng đi kèm với rủi ro nghiêm trọng. Bởi các hành vi bắt nạt trên mạng, tin nhắn, hình ảnh có nội dung bạo lực, kích động tự làm hại bản thân… chưa bao giờ xuất hiện nhiều và dễ dàng như hiện nay. Trong đó, đáng báo động nhất là nguy cơ lạm dụng tình dục trực tuyến, với các nội dung do trẻ tự tạo ra, như trường hợp con gái chị Tr.G. kể trên.

Từ những phân tích cụ thể, UNICEF khẳng định, mọi trẻ em phải được bảo vệ khỏi bạo lực, bóc lột và lạm dụng trên internet. Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng lần đầu tiên được phê duyệt ở Việt Nam được đánh giá là một bước đi tiến bộ, đặt những nền móng ban đầu về pháp lý, cơ chế để bảo vệ trẻ em tốt hơn. 

Đại diện Hội Bảo vệ quyền lợi trẻ em TPHCM đánh giá cao khi chương trình này yêu cầu trách nhiệm phối hợp của nhiều cơ quan, trong đó giao đầu mối chủ trì cụ thể là Bộ TT-TT. Theo hội, Bộ TT-TT là cơ quan có đủ điều kiện và cơ sở pháp lý để can thiệp, xử lý kịp thời khi xuất hiện các thông tin xấu, độc hoặc hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em trên mạng.

Thiết bị công nghệ kết hợp với không gian internet giúp mở rộng tầm nhìn, khơi dậy sự sáng tạo. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Thiết bị công nghệ kết hợp với không gian internet giúp mở rộng tầm nhìn, khơi dậy sự sáng tạo. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Kịp thời can thiệp 

Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng nhấn mạnh trách nhiệm của ngành giáo dục trong đào tạo “bộ kỹ năng số” cho trẻ em theo độ tuổi; trách nhiệm của ngành LĐTB-XH trong việc thiết lập các kênh tư vấn, tập huấn kỹ năng bảo vệ cho trẻ em; trách nhiệm của ngành công an, tòa án, kiểm sát… Trong khi đó, Bộ TT-TT là cơ quan chủ trì thực hiện chương trình, với trách nhiệm rà soát, bổ sung hành lang pháp lý, thành lập tổ chức hoạt động mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng có địa chỉ https://bvte.vncert.vn/. Đến thời điểm hiện tại, website đang chạy thử nghiệm và đã có đăng tải một số tài liệu liên quan đến giáo dục giới tính ở trẻ em, cách bảo vệ tài khoản cá nhân trên mạng xã hội.

Ông Hoàng Minh Tiến, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT, cho biết, công việc chính của mạng lưới là thu thập, tiếp nhận và điều tra các thông tin xấu, độc đối với trẻ em trên không gian mạng. Tiếp đó sẽ tổng hợp, điều phối xử lý các hành vi xâm hại đối với trẻ. Hiện có 2 kênh tiếp nhận thông tin chính là qua Tổng đài điện thoại quốc gia Bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) và website https://bvte.vncert.vn/. Dự kiến, hoạt động đầu tiên mà mạng lưới này tổ chức là cuộc thi trực tuyến “Học sinh với an toàn thông tin”, diễn ra từ giữa tháng 6 này. 

Mới đây, xuất hiện một số kênh livestream với nội dung chửi bới, hướng dẫn trẻ em các hành vi mê tín dị đoan… khiến nhiều phụ huynh quan ngại. Một vài kênh đã bị xử phạt, đóng kênh, nhưng đó chỉ là một phần nhỏ trong “tảng băng chìm”.

Ở góc độ tâm lý, TS xã hội học Phạm Thị Thúy phân tích, những nội dung xấu, độc, lời nói, hành vi tiêu cực có thể “thấm” dần vào đầu óc người xem, nhất là với trẻ em. Theo TS Phạm Thị Thúy, phụ huynh có thể kiểm tra lịch sử truy cập để kịp thời điều chỉnh. Đồng thời, cha mẹ cần hướng con đến những hoạt động thể chất, tinh thần lành mạnh như đọc sách, luyện tập thể thao… tránh việc trẻ em phụ thuộc vào thiết bị số.

Phản ánh thông tin đến Tổng đài 111 và website https://bvte.vncert.vn

Ngày 27-5, Sở TT-TT TPHCM quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng chủ kênh YouTube Timmy TV, yêu cầu đóng kênh trước ngày 28-5. Kênh này được xác định vi phạm quy định về cung cấp thông tin trên môi trường mạng, gây ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em - do phụ huynh và trẻ em phản ánh. 

Theo UNICEF, có tới 70% trẻ em chưa có kỹ năng tìm kiếm sự trợ giúp khi bị xâm hại trên mạng. Tại Việt Nam, 3 tháng đầu năm 2021, Tổng đài 111 tiếp nhận 77.920 cuộc gọi, trong đó 2.476 cuộc gọi tư vấn chuyên sâu liên quan đến xâm hại trẻ em, quan hệ ứng xử, sức khỏe tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản; 280 ca hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại tình dục, bạo lực, bóc lột, mua bán và vi phạm quyền trẻ em.

Với Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng, ngoài Tổng đài 111, phụ huynh, trẻ em và người liên quan có thêm kênh phản ánh là website https://bvte.vncert.vn.

(Theo www.sggp.org.vn)

.
.
.