Thứ Sáu, 11/06/2021, 10:11 (GMT+7)
.

Huyện Cai Lậy: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả công việc

Thời gian qua, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong xử lý công việc, nâng cao sự hài lòng trong nhân dân.

ĐẦU TƯ HẠ TẦNG KỸ THUẬT

Để nâng cao hiệu quả công việc, tháo gỡ những hạn chế trong xử lý, giải quyết hồ sơ cho nhân dân và doanh nghiệp, thời gian qua, UBND huyện Cai Lậy đã đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng CNTT vào các hoạt động của đơn vị. Đến nay, huyện đã xây dựng được cơ sở hạ tầng CNTT đủ mạnh để phục vụ ứng dụng CNTT.

Theo đó, đến năm 2020, có 100% cán bộ, công chức (CBCC) được trang bị máy tính kết nối Internet; các phòng, ban chuyên môn có mạng nội bộ (LAN)… Lãnh đạo huyện và CBCC huyện tham gia xử lý, điều hành công việc trực tiếp trên các phần mềm.

Công chức UBND huyện Cai Lậy ứng dụng tốt các phần mềm, nâng cao hiệu quả công việc.
Công chức UBND huyện Cai Lậy ứng dụng tốt các phần mềm, nâng cao hiệu quả công việc.

Cùng với đó, công tác an toàn an ninh mạng được đảm bảo với việc đầu tư hệ thống chống sét lan truyền bảo vệ hệ thống mạng; có hệ thống tường lửa/giám sát truy cập trái phép bảo vệ mạng LAN. Có 100% máy tính được trang bị các phần mềm phòng, chống virus, mã độc; kịp thời xử lý hoặc phối hợp xử lý các sự cố về an toàn, an ninh thông tin theo quy định, quy chế cơ quan.

Quy trình xử lý văn bản đi, đến được thực hiện theo quy định của cấp trên. Năm 2020, có 100% văn bản đi được số hóa, 100% văn bản đi số hóa tại các phòng, ban chuyên môn, 100% văn bản đến được lãnh đạo phê duyệt và chuyển thực hiện xử lý trên phần mềm. Bên cạnh đó, huyện đã triển khai hiệu quả các phần mềm chuyên ngành như: Phần mềm Quản lý CBCC, viên chức; phần mềm Quản lý tài chính - kế toán, Quản lý tài sản; phần mềm Quản lý thanh tra, khiếu nại, tố cáo; phần mềm Báo cáo chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, huyện còn trang bị và ứng dụng các phần mềm chuyên ngành khác, như: Hệ thống bắt số xếp hàng tự động tại Bộ phận một cửa, phần mềm Kê khai thuế, phần mềm Bảo hiểm xã hội, phần mềm Kế toán hành chính - sự nghiệp (IMAS), AutoCad… Đối với CBCC ứng dụng tốt Văn phòng điện tử giải quyết công việc, đảm bảo kịp thời, nhanh chóng, chính xác. Văn bản được quản lý chặt chẽ, đầy đủ, tra cứu dễ dàng, phục vụ tốt cho giải quyết công việc hằng ngày.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG PHỤC VỤ

Chuyên viên Văn phòng HĐND - UBND huyện Cai Lậy Trần Minh Hiếu, phụ trách CNTT, cho biết: “Việc ứng dụng CNTT đã nâng cao hiệu quả công việc rõ rệt. Hiệu quả đầu tiên là giảm phiền hà cho người dân, người dân không phải mất thời gian đi lại nhiều lần khi đến giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Người dân có thể kiểm tra hồ sơ qua tin nhắn điện thoại, tra cứu thông tin trên Internet để biết tiến độ giải quyết hồ sơ, thủ tục của mình và nhận kết quả tại nhà.

CBCC làm việc khoa học, hiệu quả hơn, tình trạng hồ sơ bị sai sót, trùng lắp đã được khắc phục. Đặc biệt là lãnh đạo giám sát được hoạt động của từng bộ phận, xem công việc đến đâu, vướng mắc chỗ nào để có chỉ đạo giải quyết kịp thời, tránh việc trễ hạn giao trả kết quả hồ sơ, gây phiền hà cho người dân và tổ chức, doanh nghiệp”.

Thật vậy, thời gian qua, thông qua các biện pháp như: Cải cách TTHC gắn với thực hiện cơ chế “một cửa”, cơ chế “một cửa liên thông”, công khai hóa, minh bạch hóa các quy định về TTHC đã tạo mối quan hệ tích cực giữa chính quyền địa phương với người dân trên địa bàn. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện được trang bị thiết bị khá hiện đại, đồng bộ về cơ sở vật chất nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân và doanh nghiệp khi đến giao dịch.

Theo đó, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện được bố trí diện tích 1.330 m2 trong tổng thể diện tích Khu trung tâm hành chính của huyện là 27.580 m2, với 3 bộ phận, gồm: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện (gồm các cơ quan chuyên môn cấp huyện), Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) và Bộ phận thu thuế trước bạ và thu khác (Chi cục Thuế khu vực Cai Lậy), với 12 quầy giao dịch để tiếp nhận hồ sơ, với hệ thống trang thiết bị hiện đại...

Toàn bộ khu vực này đều được lắp đặt hệ thống camera giám sát. Hệ thống này được kết nối đến Tổ trưởng Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện để theo dõi, giám sát CBCC thực hiện, đảm bảo tính công khai, minh bạch khi giải quyết TTHC.

Bên cạnh đó, huyện đã bố trí một nơi cho người dân, doanh nghiệp tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ và hướng dẫn ứng dụng các tiện ích trong giải quyết TTHC. Đặc biệt, người dân sau khi thực hiện xong TTHC có thể đánh giá trực tiếp về thái độ phục vụ, quy trình giải quyết hồ sơ... của CBCC bằng máy tính bảng được đặt trước mặt. Từ đó, lãnh đạo có biện pháp chỉ đạo, xử lý kịp thời đối với những trường hợp gây khó khăn, phiền hà; từng bước đề xuất đơn giản hóa TTHC sát với thực tế hơn trong thời gian tới…

Phó Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Võ Văn Nhanh cho biết, việc ứng dụng CNTT vào công việc mang lại nhiều hiệu quả tích cực, không chỉ góp phần tăng hiệu suất xử lý công việc, nâng cao ý thức, trách nhiệm của CBCC, giúp lãnh đạo quản lý, điều hành công việc khoa học hơn, mà còn hạn chế được nhiều văn bản giấy, tiết kiệm được ngân sách. Các thông tin được trao đổi, xử lý nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả, để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Với những thành tích đạt được, huyện đã được UBND tỉnh tặng 2 Cờ thi đua trong thực hiện chuyên đề thi đua “Ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước” năm 2018 và năm 2020. Hiện nay, các phần mềm công nghệ thay đổi, nâng cấp liên tục, vì vậy huyện mong Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ, nhân viên từ huyện đến cơ sở; có thể xem xét tổ chức tập huấn cho cán bộ ấp, tạo thuận lợi cho địa phương thực hiện hiệu quả hơn nữa việc ứng dụng CNTT vào công việc trong thời gian tới.

HOÀI THU
 

.
.
Liên kết hữu ích
.