.

Huyện Cai Lậy: Khẩn trương khắc phục sạt lở

Cập nhật: 09:03, 30/06/2021 (GMT+7)

Những năm gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông, kinh, rạch trên địa bàn huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang ngày càng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Diện tích vườn cây ăn trái, nhà ở dần thu hẹp cùng nỗi lo khi mùa mưa bão, triều cường đến gần.

Nhiều ngày qua, tuyến đê Tây Ba Rài thuộc địa bàn ấp Xuân Quang (xã Hội Xuân) sạt lở nghiêm trọng. Đoạn sạt lở dài 20 m, lấn sâu hơn 3 m ảnh hưởng đường giao thông khiến việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa qua khu vực này hết sức khó khăn. Những năm qua, các điểm sạt lở tuyến đê bao Đông - Tây Ba Rài được UBND xã Hội Xuân kiến nghị hỗ trợ khắc phục kịp thời.

Sạt lở trên huyện lộ 54C (ấp 1, xã Cẩm Sơn).
Sạt lở trên huyện lộ 54C (ấp 1, xã Cẩm Sơn).

Tuy nhiên, điểm cũ vừa gia cố lại tiếp tục phát sinh điểm sạt lở mới, trở thành nỗi lo thường trực của các hộ gia đình sinh sống cặp bờ sông. “Thời gian trước, đoạn đê này cũng bị sạt lở nghiêm trọng và đã được gia cố bằng bờ kè kiên cố. Năm nay khu vực này tiếp tục sạt lở. Đây là tuyến giao thông liên xã, phục vụ nhu cầu mua bán, vận chuyển hàng hóa, nông sản nên người dân hết sức lo lắng” - bà Lê Thị Tuyết Mai, ấp Xuân Quang chia sẻ.

Nhiều tháng qua, gia đình bà Nguyễn Thị Bích Quyên, ấp Hội Nhơn, xã Hội Xuân cũng sống trong thấp thỏm lo âu khi tuyến đê cũng là đường giao thông trước nhà liên tục sụp lún, sạt lở, ảnh hưởng đến nhà ở và vườn cây ăn trái của gia đình. Hiện chính quyền địa phương đã gia cố tạm thời bằng cừ tràm, rọ đá, lắp biển cảnh báo khu vực sạt lở.

Bà Quyên lo lắng: “Cách đây vài tháng, phần đất bên ngoài bị lún từ từ, rồi vết nứt lan rộng vào khu vực hàng rào của gia đình tôi. Mặt đường cũng là mặt đê, chỉ sợ mưa bão hoặc những tháng đỉnh triều dâng cao, tình hình sạt lở sẽ nghiêm trọng hơn”.

Từ đầu năm 2021 đến nay, xã Hội Xuân xuất hiện 4 điểm sạt lở với tổng chiều dài hơn 240 m. Nhiều điểm sạt lở ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hóa, sản xuất, sinh hoạt của người dân. Chính quyền xã đã sử dụng nguồn nhân lực, vật lực tại chỗ khắc phục tạm thời; đồng thời, kiến nghị UBND huyện Cai Lậy khẩn trương gia cố.

Chủ tịch UBND xã Hội Xuân Dương Trần Trọng Quang cho biết: “Ngoài tuyên truyền, nâng cao ý thức chủ động đề phòng sạt lở, nhất là những hộ sống trong khu vực có nguy cơ cao, UBND xã cũng vận động người dân thực hiện mô hình kè sinh thái và gia cố bờ kinh bằng những vật liệu sẵn có tại địa phương. Tuy nhiên, đối với những điểm sạt lở lớn, nghiêm trọng thì cần có sự hỗ trợ từ ngân sách huyện, tỉnh để người dân an tâm sinh sống”.

Điểm sạt lở ở ấp Hội Nhơn, xã Hội Xuân.
Điểm sạt lở ở ấp Hội Nhơn, xã Hội Xuân.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, huyện hiện có 32 điểm sạt lở với tổng chiều dài gần 900 m, ước tính kinh phí xử lý hơn 28,5 tỷ đồng. Nhiều tuyến đê bao liên tục phát sinh các điểm sạt lở mới như tuyến Đông Tây sông Ba Rài (liên xã Cẩm Sơn - Hội Xuân), Tây sông Phú An (xã Phú An), Đông sông Trà Tân (xã Long Trung)…

Để ổn định đời sống, sinh hoạt cho người dân, huyện Cai Lậy đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi đảm bảo tiêu thoát nước, khẩn trương khắc phục các đoạn đê sạt lở bằng giải pháp công trình và phi công trình. Tại khu vực sạt lở bờ sông gần với các công trình, trụ sở hoặc có đông dân cư sinh sống, huyện triển khai xây dựng bờ kè kiên cố để giữ đất, còn những khu vực khác sẽ áp dụng giải pháp gia cố bờ bao, kè mềm hạn chế sạt lở.

Ðịa phương cũng đã đẩy mạnh công tác dự báo để người dân chủ động ứng phó, kiên quyết xử lý, ngăn chặn các công trình vi phạm, lấn chiếm lòng sông... Các xã cũng chuẩn bị phương tiện cần thiết ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra và hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, bảo vệ vườn cây ăn trái, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.