Sâu sát từng nạn nhân da cam
“Xuất thân từ quân đội, hơn 30 năm sống và làm việc trong quân ngũ, tôi hiểu và cảm thông nỗi đau của những người bị nhiễm chất độc da cam, phải chịu số phận bất hạnh khi bị dị tật, dị dạng, bại liệt, tâm thần… sống trong hoàn cảnh khó khăn. Bằng tình thương và trách nhiệm của người làm công tác Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (viết tắt là NNCĐDC), tôi luôn trăn trở với việc phải làm gì đó để giúp đỡ NNCĐDC vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống”, đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Kim Dung, Chủ tịch Hội NNCĐDC xã Bình Đức (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).
Để làm tốt vai trò của một tổ chức từ thiện - xã hội, trong những năm qua, bà Dung cùng với Hội NNCĐDC xã Bình Đức luôn sâu sát từng nạn nhân cũng như gia đình nạn nhân để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuôc sống. Bà Dung cho biết, Hội NNCĐDC xã Bình Đức hiện có 46 hội viên đang sinh hoạt ở các chi hội ấp.
Bà Dung thăm hỏi, tặng quà NNCĐDC. |
Hội luôn chú trọng gắn kết, vận động những “địa chỉ đỏ” để tạo nguồn lực chăm lo cho NNCĐDC. Với cách làm này, hằng năm, Hội NNCĐDC xã Bình Đức vận động khoảng 100 triệu đồng giúp đỡ NNCĐDC thông qua các hoạt động như: Tặng quà vào những dịp lễ, tết, đặc biệt là Ngày Thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8); tặng xe lăn, xe lắc cho những nạn nhân bị khuyết tật; trợ vốn sản xuất cải thiện đời sống; tặng “Mái ấm da cam”; tặng nhà tình thương cho hộ nghèo trong xã…
Với vai trò là Chủ tịch Hội, bà Dung đã đưa hoạt động Hội NNCĐDC xã Bình Đức trong những năm qua đi vào chiều sâu, chất lượng, được Hội cấp trên đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua của 23 hội cơ sở xã, thị trấn của huyện Châu Thành. Hội đã làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, xây dựng và kiện toàn tổ chức Hội; sâu sát, giúp đỡ kịp thời các NNCĐDC có hoàn cảnh khó khăn, tàn tật, tạo mọi điều kiện để họ tiếp cận và thụ hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước theo quy định; đồng thời, làm tốt công tác xã hội hóa việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân bằng nhiều hình thức, phù hợp với cuộc sống của mỗi gia đình nạn nhân.
Tuy nhiên, theo bà Dung, xã Bình Đức vẫn còn khoảng 165 NNCĐDC đang cần sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội, nhất là những gia đình có nhiều NNCĐDC, nạn nhân bệnh nặng, bại liệt, bị tâm thần… Theo đó, những hộ NNCĐDC đặc biệt khó khăn trong xã Bình Đức mà Hội thường xuyên quan tâm, theo dõi đời sống, bệnh tật như hộ hai chị em Nguyễn Thị Mộng Điệp và Nguyễn Thị Vân (ấp Lộ Ngang), cả hai đều bị bại liệt.
Chị Phạm Thị Mỹ Hiền (sinh năm 1975, ở ấp Tân Thuận A), một NNCĐDC bị liệt đôi chân, không nhà ở ổn định, hằng ngày mưu sinh bằng nghề bán vé số trên chiến xe lăn. Vợ chồng NNCĐDC Nguyễn Thị Ly (ở ấp Tân Thuận B) đều bị mù, đang sống trong căn nhà tình thương. Ngoài số tiền được trợ cấp từ nguồn bảo trợ xã hội hằng tháng, hai vợ chồng bà Ly còn phải làm thuê để nuôi sống bản thân và hai đứa con. Ngoài hoàn cảnh của những NNCĐDC này thì xã Bình Đức còn không ít NNCĐDC đang chịu nhiều bất hạnh rất cần sự chia sẻ, cảm thông, giúp đỡ của mọi người.
LÊ HUỲNH