Hướng dẫn trả lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian ngừng việc do liên quan dịch Covid-19
Nhằm giúp các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (gọi chung là doanh nghiệp) có sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thực hiện đúng quy định trả lương ngừng việc cho người lao động (NLĐ) trong thời gian ngừng việc do liên quan dịch bệnh Covid-19, ngày 21-7-2021 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Tiền Giang ban hành Công văn 1464 hướng dẫn chi tiết về nguyên tắc, điều kiện để trả lương ngừng việc cho NLĐ theo tinh thần Công văn 264 ngày 15-6-2021 của Cục Quan hệ lao động và Tiền lương, Bộ LĐ-TB&XH.
Theo đó, Công văn hướng dẫn cụ thể 4 nội dung DN cần quan tâm thực hiện:
- Thứ nhất: DN xác định việc trả lương ngừng việc phải căn cứ vào quy định tại Điều 99, Bộ luật Lao động 2019 để xem xét các trường hợp gây ra ngừng việc (do lỗi của người sử dụng lao động (NSDLĐ) hay NLĐ hay do nguyên nhân khách quan) để xác định trả lương ngừng việc cho NLĐ.
- Thứ hai: 4 trường hợp NLĐ phải ngừng việc do tác động trực tiếp của dịch Covid-19 được trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 3, Điều 99, Bộ luật Lao động 2019: NLĐ phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; NLĐ phải ngừng việc do nơi làm việc hoặc nơi cư trú bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; NLĐ phải ngừng việc do DN hoặc bộ phận DN phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, kể cả các trường hợp NLĐ phải ngừng việc khi DN xây dựng, thực hiện phương án “3 tại chỗ” theo chủ trương của UBND tỉnh; NLĐ phải ngừng việc do DN hoặc bộ phận DN không hoạt động được vì DN hoặc những NLĐ khác cùng DN, bộ phận DN đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa quay trở lại DN làm việc.
Về chế độ tiền lương ngừng việc trong các trường hợp trên do DN và NLĐ thỏa thuận, nhưng phải đảm bảo:
- Nếu thời gian ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống (không tính ngày nghỉ hằng tuần; ngày nghỉ lễ, tết được hưởng lương) thì tiền lương ngừng việc hai bên thỏa thuận nhưng không được trả thấp hơn mức lương tối thiểu vùng (có thể trả bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiếu vùng).
- Nếu thời gian ngừng việc trên 14 ngày làm việc (không tính ngày nghỉ hằng tuần; ngày nghỉ lễ, tết được hưởng lương) thì:
+ Tiền lương ngừng việc của 14 ngày đầu tiên hai bên thỏa thuận nhưng không được trả thấp hơn mức lương tối thiểu vùng (có thể trả bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng);
+ Tiền lương ngừng việc của những ngày tiếp theo hai bên thỏa thuận (có thể trả thấp hơn, bằng hoặc cao hơn mức lương tối thiểu vùng).
Trong thời gian NLĐ ngừng việc và hưởng tiền lương ngừng việc như nêu trên thì DN và NLĐ được thực hiện đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc theo mức tiền lương NLĐ được hưởng trong thời gian ngừng việc theo quy định. Tuy nhiên, DN và NLĐ vẫn có thể đóng BHXH bắt buộc theo mức tiền lương hợp đồng lao động (HĐLĐ) của NLĐ mà không cần báo giảm mức đóng.
- Thứ ba: Trường hợp DN phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền kéo dài ảnh hưởng đến khả năng chi trả (lương ngừng việc) của DN, thì DN có thể làm thủ tục vay vốn để trả lương ngừng việc theo điểm 11, mục II, Nghị quyết 68 của Chính phủ hoặc lấy ý kiến Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở để thống nhất thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ với NLĐ theo quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 30, Bộ luật Lao động 2019. Việc tạm hoãn thực hiện HĐLĐ phải được thỏa thuận với từng NLĐ, thời gian tạm hoãn do DN và NLĐ thỏa thuận, phải lập văn bản thỏa thuận tạm hoãn thực hiện HĐLĐ và được DN, NLĐ cùng ký kết.
* Lưu ý: NLĐ đang nghỉ hưởng các chế độ BHXH: Thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... không thuộc đối tượng tạm hoãn thực hiện HĐLĐ cho đến khi hết thời gian nghỉ hưởng chế độ BHXH.
Người lao động ký tạm hoãn hợp đồng lao động tại Khu công nghiệp Tân Hương, huyện Châu Thành. |
- Thứ tư: Đối với các trường hợp NLĐ ngừng việc do phải cách ly y tế hoặc trong khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (ngoài việc DN có trách nhiệm trả lương ngừng việc cho NLĐ theo hướng dẫn trên; NLĐ tạm hoãn HĐLĐ do DN tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thấm quyền, DN liên hệ Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành, thị để được hướng dẫn lập thủ tục đề nghị hỗ trợ NLĐ theo điểm 4, điểm 5, mục II, Nghị quyết 68 của Chính phủ.
Trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang nghiêm túc quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, Quyết định 23/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy định, hướng dẫn có liên quan, nhằm bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, tạo mọi điều kiện để NLĐ, DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất trong đại dịch Covid-19, Sở LĐ-TB&XH đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo Phòng LĐTB&XH phối hợp Liên đoàn Lao động, BHXH, Ban Quản lý các Khu công nghiệp hướng dẫn, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện trả lương ngừng việc cho NLĐ đối với các DN trong và ngoài khu, cụm công nghiệp.
NGUYỄN VĂN THANH