Thứ Năm, 01/07/2021, 09:17 (GMT+7)
.

Mượn hồ sơ tư pháp của người khác để xin việc làm là vi phạm pháp luật

Vì nhiều lý do khác nhau, tình trạng người lao động (NLĐ) mượn hồ sơ tư pháp của người khác để xin vào làm việc tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng như ở tỉnh khác xảy ra hiện nay khá phổ biến.

Khi vào làm việc, NLĐ mượn hồ sơ có tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với thông tin cá nhân của người cho mượn hồ sơ. Từ đó, phát sinh nhiều hệ lụy liên quan đến các vấn đề như NLĐ mượn hồ sơ đưa thẻ BHYT với thông tin cá nhân của người cho mượn hồ sơ để đi khám, chữa bệnh, sinh con... nhằm hưởng quyền lợi về BHYT cũng như các chế độ về BHXH ốm đau, thai sản… Để ngăn chặn tình trạng này, đồng thời đảm bảo NLĐ không có hành vi vi phạm pháp luật về lao động, BHXH, BHYT, BHTN, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang vừa ban hành Công văn 1259 ngày 23-6-2021 yêu cầu các DN trên địa bàn tỉnh thực hiện 3 nội dung sau:

Theo đó, khi tuyển dụng lao động, DN yêu cầu NLĐ phải cung cấp và khai báo trung thực các thông tin cá nhân theo quy định tại khoản 2, điều 16, Bộ luật Lao động năm 2019. Trường hợp phát hiện NLĐ cung cấp và khai báo thông tin cá nhân không đúng sự thật (do NLĐ mượn hồ sơ của người khác để tìm việc làm) thì DN có quyền không tuyển dụng NLĐ này.

Đồng thời, tuyên truyền cho NLĐ biết, trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu phát hiện NLĐ cung cấp và khai báo không trung thực các thông tin cá nhân (do NLĐ mượn hồ sơ của người khác), DN có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại điểm g, khoản 1, điều 36, Bộ luật Lao động năm 2019.

Thông báo cho NLĐ đang làm việc biết, nếu có NLĐ nào đang mượn hồ sơ của người khác thì phải kịp thời bổ sung, điều chỉnh lại hồ sơ cho đúng theo thông tin cá nhân của NLĐ. Trường hợp này, bộ phận nhân sự hoặc bộ phận phụ trách BHXH của DN liên hệ cơ quan BHXH nơi đang đóng BHXH để được hướng dẫn trình tự, thủ tục điều chỉnh. Đối với trường hợp mà NLĐ đang cho người khác mượn hồ sơ của mình để làm việc tại tỉnh/thành khác, thì yêu cầu NLĐ liên hệ người mượn hồ sơ bổ sung, điều chỉnh lại thông tin cá nhân cho đúng của người đó tại DN đang làm việc.

Hội nghị tư vấn đối thoại với các DN trong tỉnh Tiền Giang do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội - BHXH Việt Nam phối hợp tổ chức tháng 7/2020.
Hội nghị Tư vấn đối thoại với các DN trong tỉnh Tiền Giang do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp BHXH Việt Nam tổ chức vào tháng 7-2020.

Tại điểm a, khoản 1, điều 39, Nghị định 28/2020 ngày 1-3-2020 của Chính phủ có quy định: “Kê khai không đúng sự thật hoặc sửa chữa, tẩy xóa làm sai sự thật những nội dung có liên quan đến việc hưởng BHXH, BHTN mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”. Vì vậy, khi NLĐ mượn hồ sơ tư pháp của người khác để làm việc và tham gia BHXH, BHYT, BHTN với thông tin cá nhân của người cho mượn hồ sơ là hành vi vi phạm, hành vi này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.

Công văn 1259 cũng nhấn mạnh, khi NLĐ mượn hồ sơ của người khác điều chỉnh thông tin cá nhân về đúng thông tin cá nhân của mình thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, với mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng và sau khi đóng phạt mới được điều chỉnh thông tin cá nhân.

Ngoài ra, theo hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 214 về tội “Gian lận BHXH, BHTN”; Điều 215 về tội “Gian lận BHYT” theo Nghị quyết 05/2019 ngày 15-8-2019 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao quy định hành vi trên là hành vi: “Lập hồ sơ giả quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 214 Bộ luật Hình sự là hành vi lập hồ sơ BHXH, BHTN, trong đó có giấy tờ, tài liệu giả (ví dụ: Giấy tờ, tài liệu không có thật, không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc cấp không đúng quy định, không đúng thẩm quyền, không đúng thời hạn…) để thanh toán các chế độ ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất; trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng để duy trì việc làm cho NLĐ và chế độ khác theo quy định của pháp luật”; giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 215 Bộ luật hình sự là hành vi lập, sử dụng hồ sơ, thẻ BHYT không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT của người khác để hưởng chế độ BHYT trái quy định...”.

Thời gian qua, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là cầu nối để đưa pháp luật tới NLĐ tại các DN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được các đoàn thể, sở, ngành như: Liên đoàn Lao động, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh chủ động phối hợp xây dựng kế hoạch phổ biến pháp luật với nhiều hình thức giúp NLĐ dễ dàng tiếp cận, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong đời sống xã hội.

Tuy nhiên, do đặc thù công việc, thời gian làm việc, trình độ nhận thức của NLĐ còn những hạn chế nhất định nên hiệu quả tuyên truyền chưa cao, NLĐ chưa thực sự quan tâm đến việc học tập, tìm hiểu về pháp luật; một số đơn vị sử dụng lao động chưa thực sự tạo điều kiện cho NLĐ được tham gia các lớp tuyên truyền phổ biến pháp luật.

Trong thời gian tới, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên công tác tuyên truyền cần thay đổi linh hoạt phù hợp với tình hình mới. Theo đó, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, bản tin, website, fanpage, mạng xã hội Zalo, Facebook... sẽ mang lại hiệu quả vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, vừa mang lại kiến thức bổ ích về pháp luật cho NLĐ.

  
     NGUYỄN VĂN THANH

.
.
.