Thứ Ba, 20/07/2021, 16:34 (GMT+7)
.

Mưu sinh giữa mùa Covid-19

Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh làm cho đời sống của nhiều người bị ảnh hưởng. Hàng trăm lao động phải mất việc làm, nhiều người lao động tự do như: Chạy “xe ôm”, chở hàng thuê, giúp việc nhà… thì chật vật mưu sinh trong mùa dịch bệnh.

VỪA LÀM VỪA LO

Dù đường phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang trong những ngày giãn cách xã hội khá vắng vẻ nhưng mấy chú chạy “xe ôm” vẫn ngồi lặng lẽ chờ khách ở các góc đường. Hành nghề “xe ôm” hơn 20 năm, chú Nguyễn Thanh Huy, phường 5, TP. Mỹ Tho buồn lo: “Hơn tháng nay chạy xe ế ẩm vì chẳng ai ra đường đi đâu, có ngày không chạy được cuốc xe nào mà vẫn ra đây ngồi vì sợ “mất mối”. Bản thân thu nhập không có, vợ buôn bán ở chợ Thạnh Trị cũng nghỉ vì dịch bệnh; còn các con thì làm công nhân cũng không về nhà vì điều kiện đi lại khó khăn. Cuộc sống của gia đình tôi hiện gặp rất nhiều khó khăn”.

Do dịch bệnh mà nhiều người chạy “xe ôm”, xích lô chở hàng thuê ngồi hàng giờ, có khi cả ngày mà không chạy được cuốc xe nào.
Do dịch bệnh mà nhiều người chạy “xe ôm”, xích lô chở hàng thuê ngồi hàng giờ, có khi cả ngày mà không chạy được cuốc xe nào.

Anh Lê Công An, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang có chiếc xe ba gác máy để nhận chở hàng thuê mưu sinh kiếm sống thì nay cũng thất nghiệp vì dịch bệnh chẳng ai thuê chở hàng. “Trước đây mỗi ngày nhận chở hàng tôi cũng kiếm được hơn 500 ngàn đồng, nay dịch bệnh bùng phát chẳng ai thuê chở gì. Hôm bữa có người thuê chở nước tương, nước mắm xuống TX. Gò Công vừa mừng mà vừa lo dịch bệnh nhưng nghĩ đến việc kiếm được tiền nên ráng chở”.

Còn rất nhiều trường hợp, mảnh đời đang cố gắng từng ngày gồng mình mưu sinh giữa mùa Covid-19 chỉ với hy vọng dịch bệnh được đẩy lùi để cuộc sống sớm trở lại bình thường và con đường mưu sinh đỡ nhọc nhằn hơn.

“THẮT LƯNG BUỘC BỤNG”

Không phải ai cũng may mắn tìm được việc làm mới dù là chỉ tạm thời, đã có rất nhiều lao động bị mất việc làm, tiêu xài thâm hụt vào chút tiền dành dụm trước đó. Do đó, giải pháp tốt nhất lúc này của những lao động mất việc là “thắt lưng buộc bụng”.

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Minh Phú, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang làm nghề lái xe dịch vụ, trước đây còn đi làm thì thu nhập của anh khoảng 6 - 7 triệu đồng/tháng nhưng từ khi dịch bệnh bùng phát, anh thất nghiệp không có thu nhập, buộc anh phải tiết kiệm từ các khoản chi tiêu cho đến điện, nước… để ổn định cuộc sống gia đình.

Đối với nhiều lao động tự do ở TP. Mỹ Tho phải ở trọ đang có cuộc sống rất chật vật, khó khăn khi hằng tháng ngoài trang trải phí sinh hoạt, tiền ăn uống, họ còn phải trả tiền thuê trọ. Còn những lao động may mắn có việc làm thì luôn cố gắng dè sẻn chi tiêu, giảm mọi chi phí sinh hoạt hằng ngày.

Những lao động bị thất nghiệp do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động do dịch bệnh thì khó khăn càng gấp bội, nhất là những lao động sống xa gia đình phải ở trọ, bởi họ không có thu nhập mà cũng không thể trở về nhà khi dịch Covid-19 đang bùng phát như hiện nay.

Những người làm bốc vác hay đạp xích lô chở hàng thuê ở chợ Mỹ Tho cũng trăn trở không kém. Dù đeo khẩu trang nhưng trong ánh mắt của những lao động này đều lộ vẻ buồn rầu, lo lắng. “Trong những ngày dịch bệnh này có rất ít người thuê làm việc, nhưng tôi cũng như các anh em làm nghề ở đây vẫn quyết tâm bám trụ ở lại, hạn chế về quê để phòng, chống dịch” - chú Nhân làm bốc vác ở chợ Mỹ Tho chia sẻ.

Tình trạng thất nghiệp gia tăng, làm cho đời sống của nhiều gia đình gặp khó khăn. Mưu sinh chật vật, đồng tiền kiếm ra ngày càng eo hẹp trong khi mọi nhu cầu thiết yếu như: Tiền nhà trọ, tiền điện, nước, sinh hoạt ăn uống... vẫn cần đến khiến cho nhiều người lao động vốn khó khăn nay lại càng khó hơn.

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Tiền Giang Lý Văn Cẩm, Sở đã dự thảo kế hoạch, đang lấy ý kiến các ngành để trình UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết 68 ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định 23 ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Dự kiến đối tượng thụ hưởng trên 50.000 người và còn có thể nhiều hơn.

Năm 2020, tỉnh đã hỗ trợ khoảng 35.000 lao động tự do với số tiền trên 36 tỷ đồng (mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người và 1.050.000 đồng/người bán vé số lẻ).

LÊ PHƯƠNG

.
.
Liên kết hữu ích
.