Vững vàng trên tuyến đầu chống dịch Covid-19
Với tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Tiền Giang đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng, Hải đội và Trạm kiểm soát biên phòng triển khai nhiều giải pháp quyết liệt tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn không để người và phương tiện từ nơi khác vào địa bàn tỉnh; đồng thời, chung tay cùng người dân vượt qua đại dịch.
VỮNG VÀNG THỰC HIỆN NHIỆM VỤ
Chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 cống Rạch Bùn (xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông) được bố trí ngay trên đê biển Gò Công, chỉ có 3 đồng chí thường trực làm nhiệm vụ kiểm soát tất cả người và phương tiện qua lại trên bờ lẫn từ ngoài biển vào đất liền. Trung úy chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng, cán bộ Đồn Biên phòng Tân Thành cho biết: “Ngoài lực lượng biên phòng, chúng tôi kết hợp với công an, quân sự kiểm soát 24/24 giờ tất cả người dân, phương tiện qua lại trên đường.
Ngoài ra, chốt còn kiểm soát người và các loại phương tiện đánh bắt hải sản từ biển ra vào hằng ngày. Qua kiểm soát cho thấy, hầu hết người dân cơ bản chấp hành tốt và chưa phát hiện trường hợp vi phạm nào”. Có thể nói, mặc dù thời tiết khá khắc nghiệt, nhưng cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại chốt luôn quyết tâm khắc phục mưa gió, nắng nóng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tổ công tác BĐBP kiểm tra các công nhân công trình điện gió Tân Phú Đông 2 đặt tại xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông). |
Về vần đề đảm bảo an ninh trật tự, phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn quản lý, Trung tá Phan Duy Trinh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tân Thành cho biết, đơn vị đã tiến hành các biện pháp công tác nghiệp vụ quản lý và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16. Đồng thời, Ban Chỉ huy đồn đã làm công tác tham mưu cho chính quyền địa phương trong công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ trên bộ và dưới biển đối với công nhân đang thi công các công trình điện gió của Dự án Điện gió Tân Phú Đông 2 nằm trên địa bàn xã Tân Thành.
Với Đồn Biên phòng Kiểng Phước quản lý 3 xã và 1 thị trấn, đây là một trong những địa bàn xác định khá phức tạp, lượng người, phương tiện vận chuyển hàng hóa, khai thác hải sản ra vào Cảng cá Vàm Láng rất đông. Ngoài ra, trên địa bàn còn có các bến đò chở người, hàng hóa qua lại trên 4 tuyến đến xã Lý Nhơn, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Đặc biệt, vào những ngày cao điểm, số lượng người, phương tiện tăng lên đột biến, công tác quản lý, kiểm soát dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn.
UBND huyện Gò Công Đông chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Trạm Y tế thị trấn Vàm Láng và Quân y BĐBP tỉnh tiến hành lấy mẫu xét nghiệm nhanh Covid-19 cho các ngư dân đi trên phương tiện trước khi làm thủ tục tại Trạm kiểm soát Biên phòng và cập Cảng cá Vàm Láng. Khi có kết quả âm tính mới cho phương tiện cập Cảng cá Vàm Láng để bốc dỡ hàng hóa, hải sản, sau đó thông báo cho chính quyền địa phương nơi cư trú quản lý người theo quy định. |
Ngay sau khi xuất hiện dịch bệnh, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Kiểng Phước triển khai lực lượng xuống các địa bàn, bến bãi, khu neo đậu để nắm tình hình diễn biến ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chỉ đạo Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Soài Rạp - Hiệp Phước và Vàm Láng tổ chức một tổ kiểm soát dịch bệnh Covid-19 trên biển để giám sát các phương tiện đang hoạt động trên biển; phòng ngừa và ngăn chặn một số phương tiện lén lút đưa người từ địa phương khác vào địa bàn Tiền Giang bằng đường biển mà không khai báo y tế.
Theo Trung tá Nguyễn Hữu Nhâm, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Kiểng Phước, đơn vị đã quán triệt, giao nhiệm vụ cho các đội, trạm kiểm soát và các tổ công tác trên biển tăng cường tuần tra kiểm soát, kiểm tra chặt chẽ người và phương tiện ra vào khu vực biên giới biển. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con ngư dân không để người từ ngoài địa phương vào địa bàn mà không khai báo.
“Riêng Trạm Vàm Láng phối hợp chặt chẽ với Cảng cá Vàm Láng và cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng quản lý tốt các đối tượng, người và phương tiện hoạt động trên biển có đầy đủ thủ tục theo quy định mới được vào bến cảng lấy hàng rồi sau đó neo đậu, không được đi lại trên địa bàn theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang”, Trung tá Nguyễn Hữu Nhâm cho biết thêm.
Ngoài ra, đơn vị còn tổ chức tuyên truyền, nhắc nhở các thuyền viên, người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, vận động người dân cảnh giác, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thông tin xấu, sai sự thật gây hoang mang trong cộng đồng.
CHIA SẺ KHÓ KHĂN
Bệnh viện Dã chiến số 3, với cơ sở 2 đặt tại Trung tâm Huấn luyện Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Tiền Giang (ấp Kim Liên, xã Long Hòa, TX. Gò Công) đi vào hoạt động từ ngày 14-7. Hằng ngày dù nắng hay mưa, cứ đến giờ là các chiến sĩ lái xe của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đưa phương tiện đến siêu thị Co.opmart Gò Công tiếp nhận những phần ăn để vận chuyển cho những bệnh nhân Covid-19 đang được chăm sóc, điều trị tại cơ sở 2 Bệnh viện Dã chiến số 3. Các phần ăn được kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm mới được tiếp nhận và phân phối cho bệnh nhân.
Lực lượng BĐBP tham gia thu hoạch rau màu cùng nông dân. |
Có thể nói xác định tính chất công việc là hiểm nguy, rủi ro cao khi đối diện trực tiếp với bệnh nhân Covid-19 tại cơ sở điều trị của Bệnh viện Dã chiến số 3, các chiến sĩ BĐBP tỉnh Tiền Giang vẫn ngày đêm nhiệt tình chăm lo từng bữa ăn để đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân vượt qua bệnh tật.
Theo Thượng úy chuyên nghiệp Lê Xuân Điền, nhân viên quản lý, kiêm nấu ăn đang phục vụ tại cơ sở 2 Bệnh viện Dã chiến số 3 cho biết: “Do bệnh nhân ở nhiều độ tuổi, thành phần khác nhau, nên việc chăm sóc ban đầu cũng khá vất vả. Cán bộ, chiến sĩ ở đây ngoài nhiệm vụ đảm bảo bữa ăn hằng ngày cho hơn 33 cán bộ, chiến sĩ và nhân viên y tế còn phải đảm nhận công việc tiếp tế cơm nước, các vật dụng cần thiết hằng ngày cho bệnh nhân; tiếp nhận đồ, hàng hóa của người nhà và trao đến tay từng bệnh nhân.
Toàn thể cán bộ, chiến sĩ và cán bộ, nhân viên y tế làm nhiệm vụ tại bệnh viện đều xác định công việc là đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao. Nhưng với vai trò, nhiệm vụ đều cố gắng phục vụ hết mình cho người bệnh, đồng thời cũng ý thức và nhắc nhở nhau tuân thủ các quy định để bảo vệ sự an toàn cho bản thân”.
Khi biết cơ sở 2 Bệnh viện Dã chiến số 3 đi vào hoạt động, một số cơ sở kinh doanh và bà con tiểu thương buôn bán tại chợ TX. Gò Công đã chung tay cùng với BĐBP tỉnh đóng góp, ủng hộ các loại nhu yếu phẩm để hỗ trợ, chăm lo cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP, cán bộ, nhân viên y tế đang thực hiện nhiệm vụ và bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện. Đơn vị đã tiếp nhận và phân phối cho bệnh nhân các loại sữa, thức ăn phù hợp theo từng lứa tuổi, nhằm tăng cường sức khỏe cho bệnh nhân cũng như động viên tinh thần họ trong quá trình điều trị bệnh.
Ngoài ra, nhằm thực hiện phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, trong những ngày qua, các đơn vị Biên phòng đã triển khai hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn cùng chung tay hỗ trợ người dân thu hoạch rau màu trong mùa dịch.
“Ngoài công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng BĐBP còn phối hợp chính quyền, đoàn thể và Đoàn Thanh niên địa phương thu hoạch nông sản, hỗ trợ vận chuyển nhu yếu phẩm cần thiết cho bà con trong quá trình phòng, chống dịch với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau”, Trung tá Phan Duy Trinh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tân Thành chia sẻ.
Những việc làm ý nghĩa của lực lượng BĐBP tỉnh Tiền Giang đã kịp thời hỗ trợ, động viên và chia sẻ với những khó khăn của người dân trong dịch bệnh, qua đó góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.
TUẤN LÂM - ĐOÀN PHÁT