.

Đề cương tuyên truyền 60 năm Thảm họa da cam Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021)

Cập nhật: 15:29, 07/08/2021 (GMT+7)

Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam biên soạn Đề cương tuyên truyền 60 năm Thảm họa da cam Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021). Báo Ấp Bắc trân trọng giới thiệu toàn văn Đề cương.

I.THẢM HỌA DA CAM Ở VIỆT NAM

1. Chất độc da cam/dioxin.

- Chất độc da cam (Agent Orange): Là một loại chất độc hóa học không màu, không tan trong nước, tan trong dầu diezel và các dung môi hữu cơ, có tỷ trọng ở 25º C là 1,28 kg/lít. Loại chất độc này được các nhà sản xuất để trong các thùng phuy sơn một vạch màu da cam ở giữa để đánh dấu độ độc của loại hóa chất này, nên được gọi là chất độc da cam (Chất trắng được để trong các thùng phuy sơn vạch trắng, chất xanh được để trong thùng sơn vạch màu xanh...)

Chất độc da cam là tổng hợp 50/50 của hai loại thuốc diệt cỏ 2.4-D và 2,4,5-T. Mặc dù là tổng hợp của 2 loại chất diệt cỏ 2.4-D và 2,4,5-T, nhưng không thể gọi chất độc da cam là “chất diệt cỏ” hay “chất làm rụng lá” thông thường, vì trong quá trình tổng hợp 2 chất diệt cỏ nói trên, các nhà sản xuất đã tăng nhiệt lượng để rút ngắn thời gian sản xuất, làm phát sinh thêm thành phần dioxin.

- Dioxin: Là tên gọi chung của một nhóm hàng trăm các hợp chất hóa học có tên khoa học là 2-3-7-8 tetra chloro dibenzo-dioxin, gọi tắt là 2,3,7,8 – TCDD. Tùy theo số nguyên tử Clo và vị trí không gian của những nguyên tử này, dioxin có 75 đồng phân PCDD và 135 đồng phân PCDF với độc tính khác nhau.

Dioxin là chất độc mạnh nhất mà loài người biết được cho đến nay. Các nhà khoa học tổng hợp được dioxin lần đầu tiên vào năm 1957. Người ta phát hiện dioxin có thể gây ung thư, các dị tật bẩm sinh trên các phôi với liều rất nhỏ. Với liều lượng cỡ 1 picogram ( ppt - phần ngàn tỉ gram) dioxin có thể gây bệnh ung thư, tai biến sinh sản ở người; vài chục nanogram (ng- phần tỉ gram) dioxin có thể lập tức gây chết người.

- Chất độc da cam/dioxin: Là cụm từ được dùng để nhấn mạnh độc tính của chất độc da cam.

2. Một thảm họa chất độc hóa học chưa từng có trong lịch sử loài người

Từ xa xưa chất độc đã được sử dụng trong các cuộc chiến tranh. Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, chất độc hóa học đã được chế tạo và sử dụng như một loại vũ khí, được gọi là vũ khí giết người hàng loạt.

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918), quân đội đồng minh đã sử dụng các chất hóa học làm chảy nước mắt (bromure de benzyle), làm hắt hơi (các arsines), các chất gây ngạt thở (Phosgene), các chất gây bỏng (Yperites), các chất làm liệt thần kinh (axit cyanhydric, cacbon oxit ...) để làm mất sức chiến đấu của lực lượng vũ trang đối phương. Ngày 22/4/1915, quân Đức đã sử dụng chất độc Clo làm nhiễm độc và làm chết hàng nghìn quân Anh, Pháp; tháng 7/1917, quân Đức lại sử dụng chất Yperites trên chiến trường.

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-1945), quân Nhật đã sử dụng chất độc Yperite tại Trung Quốc; quân Đức đã sử dụng chất Zyklon B đầu độc các tù nhân ở các trại tập trung.

Chất độc hóa học cũng được Anh sử dụng trong chiến tranh chống quân du kích Malaysia. Các chất hóa học chủ yếu được sử dụng là một hỗn hợp các chất Na trichloro axetat (Sodium trichloro axetate STSA); 2,4-D (2,4- dichloro phenoxy acetic acid) và 2,4,5-T (2,4,5- Trichloro phenoxy acetic acid).

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ không chỉ dùng các loại bom đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả chất độc hoá học nhằm triệt hạ nguồn sinh sống của nhân dân Việt Nam, ngăn chặn bước tiến của các lực lượng vũ trang cách mạng.

Trước phong trào nổi dậy mãnh liệt của nhân dân miền Nam, năm 1961, Tổng thống Mỹ J. Kennedy chủ trương tiến hành đồng thời với cuộc chiến tranh nóng cổ điển một cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam. Các chỉ huy quân sự Anh- những người đã tiến hành rải chất độc hóa học ở Malaysia những năm 50 như: Gerald Templer, Rob Lockhart, Robert Thomson... được mời làm cố vấn cho quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Khoảng 15 loại hóa chất được sử dụng với khối lượng lớn, nồng độ cao, biến Việt Nam thành phòng thí nghiệm khổng lồ để nghiên cứu, thử nghiệm các loại chất độc. Quân đội Mỹ đã sử dụng nhiều phương tiện, chủ yếu là máy bay C-123, UH-1 để phun rải trên các cánh rừng, các tuyến đường, các vùng đất canh tác và dùng các phương tiện cơ giới trên bộ, các loại lựu đạn, mìn, các máy bơm áp lực cao để phun rải xung quanh các căn cứ, các khu vực đóng quân của quân Mỹ và đồng minh, phun vào các hầm trú ẩn, địa đạo của Quân Giải phóng...

Để che giấu dư luận, Bộ Quốc phòng Mỹ đã dùng một biệt danh là Ranch Hand (Operation Ranch Hand) và phổ biến trong quân đội Mỹ và nhân dân rằng, các chất hóa học được dùng là những chất diệt cỏ, chất làm rụng lá thông thường; mục tiêu là để phát quang các nơi trú ẩn, đóng quân của đối phương, làm giảm thương vong cho quân đội Mỹ và đồng minh; các chất này không độc hại đối với sinh vật, không tác động đáng kể đến sức khỏe con người; không tác hại gì cho con đực (nam giới), chỉ tác động vào con cái (nữ giới) và chỉ khu trú trong 2-3 tuần đầu của thời kỳ mang thai.

Thực tế chứng minh, cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.

Từ năm 1961([1]) đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành 19.905 phi vụ, phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam ([2]), chứa 366 kg dioxin xuống các cánh rừng, các thôn ấp, các khu đất trồng trọt với tổng diện tích 3,06 triệu ha, gần bằng ¼ tổng diện tích miền Nam Việt Nam, vượt gấp 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp Mỹ; trong đó có 86% diện tích bị phun rải hơn 2 lần, 11% diện tích bị phun rải hơn 10 lần. Chỉ riêng khu vực A Lưới, tỉnh Thừa Thiên – Huế, theo tài liệu được Bộ Quốc phòng Mỹ công bố, khối lượng chất da cam rải xuống đây khoảng 434.812 gallon, với một lượng dioxin khoảng 11 kg trong khoảng thời gian từ năm 1965-1970.

Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người.

Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn; chức năng giữ nước chống lụt của rừng bị suy giảm; đa dạng sinh học bị suy thoái và trở nên nghèo nàn; một số loài động vật thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng; các loài gậm nhấm và cỏ dại phát triển. Hệ thống rừng ngập mặn ở miền Nam, nhất là ở Rừng Sác, phía Đông Bắc Sài Gòn và ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau bị phá hủy nặng nề; vai trò của rừng ngập mặn trong giữ đất, lấn biển bị giảm sút.

Tại các sân bay quân sự của Mỹ trước đây dùng để lưu giữ, pha trộn, tiêu hủy chất độc hóa học, nồng độ dioxin vẫn còn cao hoặc rất cao, đặc biệt l tại các sân bay: Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát. Năm 2011, nồng độ dioxin trong khu ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa cao nhất là 963.000 tpp – TEQ; trong máu của một người dân kinh doanh và thu hoạch hải sản bị nhiễm dioxin tại đây là 2.020 tpp – TEQ (trong khi nồng độ cho phép trong máu ở một số nước công nghiệp phát triển là từ 0,4 đến 0,7 tpp – TEQ).

Chất độc da cam (CĐDC) đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm([3]), hơn 3 triệu người là nạn nhân([4]), gây nên biết bao thảm cảnh mà nhiều thế hệ người Việt Nam phải hứng chịu. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam và thế giới cho thấy, chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, tổn thương da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường; làm tổn thương hệ thống hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, nội tiết, thần kinh; có vai trò quan trọng gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Các bệnh phổ biến ở con, cháu NNCĐDC là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc, thiểu năng trí tuệ, tâm thần, ung thư, dị dạng, dị tật bẩm sinh.

Đặc biệt là CĐDC có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện cả nước có khoảng 75.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 2; 35.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3; qua khảo sát tại một số địa phương, hậu quả CĐDC đã di nhiễm sang thế hệ thứ 4.

Ở nhiều tỉnh, trong số nạn nhân, có hơn một nửa là dân thường (Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, tỉ lệ dân thường so với tổng số nạn nhân là 70,7%, 75,4%, 67,9%); 85% số hộ có 2 nạn nhân trở lên, 3% số hộ có 5 nạn nhân trở lên.

Đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nhiều thế hệ nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, bệnh thường xuyên tái phát, sinh con dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ; nhiều nạn nhân là dân thường không còn khả năng lao động sản xuất, không có nguồn thu. Đa số hộ NNCĐDC thuộc hộ nghèo (tỉ lệ hộ gia đình nạn nhân nghèo chiếm khoảng 50- 60%, ở vùng sâu vùng xa khoảng 70%). Mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh cho nạn nhân rất lớn, vượt ra ngoài khả năng thanh toán của gia đình. Có thể nói: " NNCĐDC là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ".

Không chỉ người Việt Nam mà nhiều lính Mỹ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand…từng tham chiến ở Việt Nam trước đây cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm CĐDC. Theo Đô đốc Elmo Zumwalt - nguyên Tư lệnh các lực lượng Hải quân Mỹ ở Việt Nam (1968 - 1970), có ít nhất 2.100 binh sĩ Mỹ bị phơi nhiễm CĐDC. Theo Hội Cựu chiến binh thương tật do chất da cam Hàn Quốc, có khoảng 100 nghìn/300 nghìn lượt binh sĩ Hàn Quốc tham chiến ở Việt Nam là nạn nhân, trong đó hơn 20 nghìn người đã chết.

II. CÔNG CUỘC KHẮC PHỤC HẬU QUẢ CHIẾN TRANH HÓA HỌC

1. Sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

-Tháng 10/1980, Chính phủ thành lập Ủy ban đặc biệt điều tra hậu quả chất độc hóa học (CĐHH) do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Ủy ban 10 - 80) do Giáo sư, Bác sĩ Hoàng Đình Cầu làm Chủ tịch. Kết quả điều tra của Ủy ban 10-80 đã khẳng định tác hại của chất độc da cam/dioxin là vô cùng trầm trọng, để lại hậu quả nặng nề và lâu dài đối với con người và môi trường Việt Nam.

-Ngày 16/6/1997, tại Công văn số 725-CV/VPTW, Văn phòng Trung ương Đảng thông báo ý kiến của Thường vụ Bộ Chính trị về vấn đề CĐHH do Mỹ sử dụng ở Việt Nam: “CĐHH do Mỹ dùng trong chiến tranh gây ra cho nhân dân ta những hậu quả nặng nề và lâu dài. Chúng ta cần chủ động, khẩn trương nghiên cứu, đánh giá chính xác và đầy đủ những hậu quả này và có những giải pháp cơ bản, toàn diện để khắc phục”.

-Ngày 03/4/1998, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 74/1998/QĐ-TTg tiến hành xác định nạn nhân bị hậu quả hóa chất do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam để có cơ sở cho việc đề xuất chủ trương và giải pháp cơ bản khắc phục hậu quả. Cuộc điều tra tiến hành trong hai năm 1998-1999 trên phạm vi cả nước. Đối tượng là những người từng công tác, chiến đấu, sinh sống ở những vùng bị rải hóa chất trong chiến tranh mà bản thân hoặc con đẻ của họ bị dị dạng, dị tật, mắc bệnh hiểm nghèo do hóa chất độc gây nên. Sau đó có điều tra bổ sung vào các năm 2002 và 2004.

-Ngày 01/3/1999, Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam ( gọi tắt là Ban Chỉ đạo 33) được thành lập theo Quyết định số 33/1999/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

-Ngày 23/2/2000, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg về một số chế độ mang tính bảo trợ xã hội đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

- Ngày 05/7/2002, Bộ Chính trị ra Thông báo số 69-TB/TW về chủ trương giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Thông báo nêu rõ: Giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin là vấn đề lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất cấp bách hiện nay…Do vậy, thời gian tới cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và có những biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết có hiệu quả vấn đề phức tạp này. Cần có chế độ, chính sách và đầu tư kinh phí phù hợp để hỗ trợ, chăm sóc, chữa trị cho các nạn nhân (là cán bộ, chiến sĩ đã tham gia kháng chiến cũng như các đối tượng khác) bị nhiễm CĐDC. Tăng cường vận động một số nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ…có khả năng hỗ trợ khắc phục hậu quả chất độc da cam, giúp đỡ các nạn nhân.

- Ngày 05/2/2004, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 16/2004/QĐ-TTg về trợ giúp đối với hộ gia đình có từ 2 người trở lên không tự phục vụ được do hậu quả CĐHH.

- Ngày 5/7/2004, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg về một số chế độ mang tính bảo trợ xã hội đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

-Ngày 27/4/2004, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động giai đoạn 2004 - 2010 khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam, ban hành theo Quyết định số 67/2004/QĐ- TTg.

-Ngày 25/06/2004, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định lấy ngày 10/8 hằng năm là Ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”.

-Ngày 29/6/2005, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11 về ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó quy định người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con đẻ của họ bị dị dạng, dị tật, suy giảm khả năng tự lực trong sinh hoạt hoặc lao động là đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Theo đó, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH được hưởng trợ cấp theo hai mức: 81% trở lên và 80% trở xuống.

-Ngày 18/12/2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông báo kết luận số 292- TB/TW về việc giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC; tổ chức hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam. Thông báo nêu rõ: "Việc giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC là vấn đề vừa lâu dài, vừa quan trọng và cấp bách hiện nay. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có những biện pháp cụ thể để giải quyết tốt nhiệm vụ này"; "Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam là một tổ chức xã hội đặc thù, thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội được Đảng, Nhà nước giao".

-Ngày 06/4/2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2010/NĐ-CP, theo đó, mức trợ cấp chính của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH gần bằng mức trợ cấp của bệnh binh.

-Ngày 01/6/2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 651/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; đề ra mục tiêu 100% người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH và con cháu của họ bị di chứng bởi CĐHH được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

-Ngày 16/7/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH-13 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Điều 26 của Pháp lệnh xác định: "Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH là người được cơ quan có thẩm quyền công nhận đã tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu từ tháng 8/1961 đến ngày 30/4/1975 tại các vùng mà quân đội Mỹ sử dụng CĐHH và do nhiễm CĐHH dẫn đến một trong các trường hợp sau đây:

a, Mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên;

b, Vô sinh;

c, Sinh con dị dạng, dị tật”.

-Ngày 9/4/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Căn cứ mức độ suy giảm khả năng lao động theo 4 mức: Từ 21% đến 40%; từ 41% đến 60%; từ 61 đến 80% và từ 81% trở lên. Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH được hưởng trợ cấp hằng tháng.

-Ngày 14/5/2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Chỉ thị nêu rõ: "Công tác khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài, là trách nhiệm của mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị".

-Ngày 24/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 701/QĐ-TTg về việc thành lập Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và CĐHH sau chiến tranh ở Việt Nam (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 701), trên cơ sở Ban Chỉ đạo nhà nước về Chương trình Hành động quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh và Ban Chỉ đạo quốc gia về khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Ban Chỉ đạo 701 do Thủ tướng Chính phủ làm trưởng ban.

-Ngày 19/7/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII ban hành Chỉ thị 14-CT/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng. Chỉ thị khẳng định “…Thực hiện chế độ, chính sách đối với người bị ảnh hưởng bởi CĐHH thế hệ thứ 3 của người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học”.

- Ngày 09/10/2018, Thủ tướng Chính phủ-Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia 701 ban hành Quyết định số 406/QĐ-BCĐKPBMHH phê duyệt Chương trình công tác giai đoạn 2018-2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và CĐHH sau chiến tranh ở Việt Nam.

-Ngày 29/8/2018, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 323/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tiếp, làm việc với Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam.

- Ngày 30/8/2018, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 329/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Ban Chỉ đạo 701.

Ngày 01/11/2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII ban hành Chỉ thị số 39-CT/TW, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật. Căn cứ Chỉ thị số 39-CT/TW, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 5/8/2020, phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030.

-Ngày 3/06/2020, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 753/QĐ-TTg, ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Kế hoạch nhằm tổ chức nghiên cứu, quán triệt sâu rộng và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TW, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, trách nhiệm, hành động của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân về công tác người khuyết tật và NNCĐDC.

2. Hoạt động nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả đối với môi trường.

2.1. Hoạt động nghiên cứu khoa học

-Trước năm 2000, hoạt động nghiên cứu khoa học-công nghệ chủ yếu được triển khai ở các bộ, ngành, địa phương. Các đề tài, nhiệm vụ khoa học, dự án...tập trung khảo sát đánh giá tác hại của CĐDC/dioxin đối với môi trường và sức khỏe con người.

-Giai đoạn 2000- 2010, có 30 đề tài cấp nhà nước (10 đề tài về y tế, 13 đề tài về môi trường, 7 đề tài về chính sách xã hội) đã được triển khai nghiên cứu. Các đề tài nghiên cứu, các dự án khảo sát điều tra đánh giá ô nhiễm CĐDC/dioxin ở các vùng bị phun rải nhiều trong chiến tranh, ở các căn cứ quân sự cũ, nơi tập kết, lưu giữ, pha chế, đổ thải chất độc hóa học của quân đội Mỹ cũng được triển khai, đạt được nhiều kết quả.

-Giai đoạn 2010-2015, có 12 đề tài (6 đề tài về chăm sóc y tế, sức khỏe; 4 đề tài về độc học, môi trường; 2 đề tài về khoa học xã hội và nhân văn) trong Chương trình khoa học, công nghệ trọng điểm cấp nhà nước đã hoàn thành mục tiêu, nội dung đề ra. Nhiều công trình nghiên cứu có giá trị góp phần khẳng định tác hại, hậu quả của CĐDC/dioxin đối với môi trường và sức khỏe con người.

-Giai đoạn 2015-2020, hoạt động nghiên cứu khoa học tập trung triển khai theo định hướng tại Quyết định 701/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn và CĐHH sau chiến tranh, trong đó đã đưa ra 23 nội dung nghiên cứu liên quan đến khắc phục hậu quả CĐHH. Các đề tài, nhiệm vụ khoa học đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, với 3 nội dung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, 9 nội dung về khắc phục, tẩy độc triệt để môi trường; đặc biệt có 11 nội dung về hợp tác khoa học, xây dựng tiềm lực và chính sách liên quan đến NNCĐDC.

Từ năm 2000 đến nay, Nhà nước đã chi hàng trăm tỷ đồng cho các đề tài nghiên cứu khoa học, triển khai các dự án chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho NNCĐDC, hỗ trợ một số vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của CĐHH.

2.2. Khắc phục hậu quả đối với môi trường

CĐDC phun rải trong chiến tranh sau hơn 40 năm về cơ bản đã bị mưa, nắng rửa trôi, hoặc đã phát tán ra môi trường. Tuy nhiên, ô nhiễm tại các khu căn cứ cũ của Mỹ và đồng minh, nơi tập trung, pha chế, đổ thải, chôn lấp, tiêu hủy CĐDC vẫn còn rất nặng nề, chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn gây tác hại đến môi trường, sinh thái và con người.

Theo nghiên cứu của Công ty Hatfield Consultants, West Vancouver Canada (2004-2009), tại miền Nam Việt nam, sau chiến tranh còn khoảng 28 "điểm nóng" có nguy cơ tiềm ẩn gây tác hại đến môi trường, sinh thái và con người; trong đó có các điểm ô nhiễm nặng đã được xác định ưu tiên xử lý là sân bay Đà Nẵng, sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), sân bay Phù Cát ( Bình Định) và sân bay A So (Thừa Thiên- Huế).

Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo hoạt động khoa học và nỗ lực hợp tác nghiên cứu tẩy độc, khắc phục ô nhiễm CĐDC/dioxin tại các "điểm nóng". Kết quả như sau:

- Tại sân bay Đà Nẵng: Tháng 8/2012 Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cùng Bộ Quốc phòng Việt Nam khởi động Dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng bằng công nghệ giải hấp nhiệt trong mố. Cơ quan chủ quản dự án là Bộ Quốc phòng Việt Nam; đối tác thực hiện là Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID); nguồn vốn 110 triệu USD từ nguồn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ và 60 tỷ đồng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam; thời gian thực hiện từ năm 2012 đến năm 2019. Kết quả, dự án đã xử lý triệt để khoảng 90.000 m3 đất, trầm tích nhiễm dioxin; cô lập, quản lý an toàn khoảng 50.000 m3 đất, trầm tích nhiễm dioxin nồng độ thấp.

USAID và Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tiến hành lấy mẫu đất, trầm tích sau xử lý để khẳng định kết quả xử lý đạt mục tiêu làm sạch là 150 phần nghìn tỷ (ppt). Đất sau xử lý Giai đoạn 1 (kết thúc cuối năm 2015) có nồng độ dioxin thấp hơn 9 ppt và Giai đoạn 2 (kết thúc cuối năm 2018) có nồng độ thấp hơn (<1 ppt), tức là vượt các mục tiêu đã đề ra của dự án. Hơn 32 ha đất sau khi xử lý được bàn giao kịp thời để thực hiện việc xây dựng mở rộng sân bay Đà Nẵng, bảo đảm an toàn sức khỏe người dân, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

- Tại sân bay Phù Cát (Bình Định): Trên cơ sở kết quả khảo sát đánh giá mức độ ô nhiễm và quy hoạch sử dụng đất trong sân bay, căn cứ vào điều kiện thực tế, năm 2012, Văn phòng Ban Chỉ đạo 33 (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Quỹ Môi trường toàn cầu Quốc tế (GEF) thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã hỗ trợ hơn 5 triệu USD cho Việt Nam sử dụng công nghệ chôn lấp cô lập hơn 7.500m3 đất ô nhiễm có nồng độ ô nhiễm trên 1.000ppt theo tiêu chuẩn quy định của Việt Nam và Cục Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (USEPA). Công trình đã xây dựng Hệ thống quan trắc nước ngầm, nước mặt và không khí, cho thấy nồng độ các chất thải ô nhiễm trong các khu vực dưới ngưỡng cho phép, không còn nguy cơ tác hại đến môi trường, sinh thái và con người.

- Tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai): Theo kết quả khảo sát và nghiên cứu khoa học, mức độ ô nhiễm chất độc hóa học tại sân bay Biên Hòa là nặng nề và phức tạp nhất. Tổng số đất, trầm tích ô nhiễm vượt ngưỡng cho phép cần phải xử lý khoảng 500.000m3, trong đó có hai khu đã được Bộ Quốc phòng xử lý bằng công nghệ chôn lấp. Năm 2013 - 2014, thông qua UNDP, Tổ chức GEF đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng công trình chống lan tỏa tạm thời dioxin trong khu vực liên quan đến khoảng 120.000 người dân đang sinh sống trong vùng có nguy cơ cao chịu tác hại của ô nhiễm.

Từ năm 1995-2016, Bộ Tư lệnh Hóa học đã thực hiện 02 dự án đánh giá mức độ tồn lưu chất độc dioxin, khoanh vùng, chống lan tỏa, xác định một số giải pháp công nghệ xử lý đất nhiễm chất độc hóa học/dioxin. Khối lượng đất nhiễm dioxin được chôn lấp, cô lập ở sân bay Biên Hòa khoảng 150.000m3 với kinh phí khoảng gần 150 tỷ đồng. Từ năm 2013-2015, cũng trong khuôn khổ dự án GEF/UNDP, Văn phòng Ban Chỉ đạo 33/Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng công trình chống lan tỏa tại khu vực Pacer Ivy (là khu vực tập kết các thùng chứa CĐDC đã và chưa sử dụng để đưa về Mỹ, hoặc các nơi khác theo Chương trình Pacer Ivy); hợp tác với Chính phủ Cộng hòa Séc xây dựng hệ thống quan trắc nước ngầm tại các khu vực chôn lấp, cô lập ở sân bay Biên Hòa nhằm quan trắc các thông số về môi trường.

Từ năm 2013-2015, Viện Khoa học và Công nghệ quân sự Bộ Quốc phòng đã phối hợp với USAID thực hiện việc đánh giá môi trường khu vực sân bay Biên Hòa nhằm xác định phạm vi, mức độ, quy mô ô nhiễm và đề xuất phương án công nghệ xử lý triệt để. Từ năm 2017-2019, Bộ Tư lệnh Phòng không- Không quân thực hiện dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và tiền xử lý chất độc hóa học tại sân bay Biên Hòa với kinh phí bảo đảm là 270 tỷ đồng. Dự án nhằm chuẩn bị cho việc xử lý tổng thể dioxin tại sân bay này, gồm các hạng mục: Cải tạo đường vận chuyển phục vụ xử lý dioxin; xây dựng công trình chống lan tỏa, cách ly khu vực bị ô nhiễm.

Ngày 17/4/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 425/QĐ-TTg ngày phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xử lý ô nhiễm dioxin ở khu vực Sân bay Biên Hòa. Ngày 6/9/2029, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ký

Quyết định số 3869/QĐ-BQP phê duyệt đầu tư dự án và giao Bộ Tư lệnh Phòng không-Không quân làm chủ đầu tư.

Ngày 5/12/2019, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) khởi công thực hiện Dự án xử lý dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa. Dự kiến thời gian thực hiện dự án là 10 năm, kinh phí là 390 triệu USD. Phía Mỹ đã cam kết chi 183 triệu USD cho Giai đoạn 1 (2020-2024).

-Tại sân bay A So ( Thừa Thiên- Huế)

Dự án xử lý đất nhiễm chất độc dioxin tại sân bay A So, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế được Bộ Quốc phòng phê duyệt tại Quyết định số 1025/QĐ-BQP ngày 30/3/2020, đồng thời giao Bộ Tư lệnh Hóa học làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 76,4 tỷ đồng (ngân sách Nhà nước chi cho sự nghiệp môi trường) ; thời gian thực hiện từ năm 2020 đến năm 2022. Tổng khối lượng đất ô nhiễm dioxin phải xử lý là 35.000 m3, trong đó khoảng 6.600 m3 đất nhiễm có nồng độ ô nhiễm trên 200ppt. Bộ Tư lệnh Hóa học giao Trung tâm Hành động quốc gia xử lý chất độc hóa học và môi trường (NACCET) là cơ quan trực tiếp chủ trì và thiết kế công nghệ cho dự án để đưa vào áp dụng xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay A So. Dự án được Bộ Tư lệnh Hóa học tổ chức khởi công ngày 2/10/2020.

3. Khắc phục hậu quả đối với sức khỏe con người và chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân CĐDC

Hàng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỉ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho NNCĐDC, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của CĐDC.

Hiện toàn quốc có hơn 320.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Các hộ gia đình có người khuyết tật, trong đó có hộ gia đình NNCĐDC được hưởng bảo hiểm y tế hoặc khám chữa bệnh miễn phí. Hàng trăm ngàn lượt người khuyết tật nặng, trong đó có nạn nhân CĐDC được chỉnh hình, phục hồi chức năng; hàng chục ngàn trẻ em tàn tật, trong đó có trẻ em bị hậu quả gián tiếp của CĐDC được đi học trong các trường hòa nhập và chuyên biệt.

Hằng năm, Hội NNCĐDC /dioxin các cấp đã vận động, huy động nguồn lực xã hội ở trong và ngoài nước trị giá hàng trăm tỷ đồng để giúp NNCĐDC làm nhà, sửa chữa nhà, xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, khám chữa bệnh, dạy nghề, nuôi dưỡng, hỗ trợ học bổng, cho vay vốn sản xuất, tặng xe lăn, xe lắc, xe đạp, tặng quà nhân dịp lễ tết, Ngày Thương binh- Liệt sĩ 27/7, Ngày Vì NNCĐDC (10/8) hằng năm..., cùng nhiều dự án xây dựng các trung tâm bảo trợ xã hội...

Cả nước hiện có 12 Làng Hòa Bình, Làng Hữu Nghị và nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, theo hình thức tập trung hoặc bán trú, nuôi dưỡng hàng nghìn nạn nhân, chủ yếu là trẻ em dị dạng, dị tật do ảnh hưởng chất độc da cam. Hội NNCĐDC/dioxin các cấp trong cả nước có 26 trung tâm bảo trợ xã hội thực hiện xông hơi giải độc, phục hồi chức năng, dạy nghề, nuôi dưỡng thường xuyên, hoặc bán trú các NNCĐDC.

Trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản di truyền tại Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh đã và đang hoạt động tích cực nhằm giảm tỉ lệ sinh con dị tật. Một số địa phương đã tiến hành điều tra tổn thương tâm lý và trợ giúp tâm lý cho NNCĐDC.

Hiện nay, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ đang phối hợp với Trung tâm Hành động quốc gia khắc phục chất độc hóa học và môi trường (NACCET), Bộ Tư lệnh Hóa học xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Dự án hỗ trợ người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng CĐHH.

4. Một số hạn chế, bất cập

- Việc quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch...của các cấp, trong đó có Thông báo Kết luận 292-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X, Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI ở một số địa phương chưa thường xuyên, kịp thời, nhất là ở cấp cơ sở.

- Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về hậu quả chất độc hóa học, về thảm họa da cam chưa thường xuyên, liên tục; chưa có nhiều hình thức phong phú; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng…chưa nhận thức đầy đủ tính chất nghiêm trọng, hậu quả nặng nề của CĐDC đối với môi trường và sức khỏe con người, nên kết quả phối hợp, triển khai thực hiện có mặt còn hạn chế.

- Việc cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước bằng các chính sách, chế độ quy định và hướng dẫn thực hiện ở các cấp, các ngành chưa đồng bộ. Một số văn bản quy định, điều chỉnh, hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với NNCĐDC chưa đồng bộ, thống nhất; việc hướng dẫn, triển khai thực hiện còn vướng mắc, nhất là khi NNCĐDC không còn giấy tờ chứng minh từng tham gia chiến đấu ở vùng bị rải CĐHH và bị phơi nhiễm CĐHH, nên không có cơ sở để được hưởng chế độ. Một số chế độ đối với người bị phơi nhiễm CĐHH chưa phù hợp.

- Chưa kịp thời bổ sung, chỉnh sửa danh mục bệnh tật, dị dạng, dị tật liên quan đến phơi nhiễm CĐHH đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm CĐHH cho phù hợp với tình hình thực tế.

-Còn nhiều người hoạt động kháng chiến trong vùng Mỹ sử dụng CĐHH, nhưng chưa được giám định, hoàn chỉnh hồ sơ để được hưởng chính sách đối với NNCĐDC. Chưa có chính sách, giải pháp hỗ trợ cho những người đã và đang công tác, sinh sống ở các vùng bị rải CĐHH trước đây bị bệnh hiểm nghèo và sinh con dị dạng, dị tật, hoặc có nguy cơ cao nhiễm CĐDC sau ngày 30/4/1975, kể cả các hộ dân đang sinh sống ở các vùng được xác định là “điểm nóng” về ô nhiễm CĐHH; chưa có chế độ trợ cấp cho thế hệ cháu (F2) của NNCĐDC.

- Việc huy động nguồn lực khắc phục hậu quả CĐHH và chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân còn gặp khó khăn; chưa xây dựng được nguồn lực mang tính lâu dài, bền vững.

- Cấp ủy, chính quyền, ban, ngành đoàn thể ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa có sự phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội NNCĐDC/dioxin hoạt động theo tinh thần Thông báo Kết luận 292-TB/TW và Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư; công tác vận động xây dựng quỹ hội ở một số nơi chưa hiệu quả, việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của hội, nhất là ở cấp quận, huyện, xã, phường chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

- Công tác tham mưu, phối hợp của các cấp hội có lúc, có việc chưa kịp thời; hoạt động của tổ chức hội ở một số nơi chưa thiết thực, chưa thu hút đông đảo hội viên và nhân dân tham gia chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Đời sống, thu nhập, việc làm của hội viên và NNCĐDC còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, rất cần sự quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.

5. Sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với công cuộc khắc phục hậu quả CĐHH ở Việt Nam

Trong công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung, chiến tranh hoá học nói riêng, nhân dân Việt Nam nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của nhân dân thế giới, bạn bè quốc tế. Ngay trong thời kỳ Mỹ đang tiến hành cuộc chiến tranh hoá học ở Việt Nam, các tổ chức và nhân dân thế giới đã phối hợp, hợp tác và giúp đỡ nhân dân Việt Nam tìm hiểu, nghiên cứu về tác hại của các loại vũ khí hoá học mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh.

Sự kiện nổi bật trong thời kỳ này là “Hội nghị các nhà khoa học quốc tế về chiến tranh hoá học ở Việt Nam” do Liên đoàn Các nhà lao động khoa học thế giới tổ chức ở Orsay, Pháp năm 1970. Nghị quyết của hội nghị đã yêu cầu Mỹ phải ngừng ngay việc sử dụng CĐHH trong chiến tranh, đồng thời kêu gọi tất cả các tổ chức nghiên cứu khoa học trên thế giới phối hợp tổ chức các hình thức nghiên cứu khoa học thích hợp để hỗ trợ nhân dân Việt Nam nghiên cứu sâu hơn về tác hại của CĐHH và các phương tiện chống lại loại vũ khí đó.

Dư luận quốc tế cũng sớm lên tiếng phản đối việc Mỹ sử dụng CĐHH trong chiến tranh và đòi phải ngừng ngay việc sử dụng loại vũ khí này. Tháng 5/1964, báo Washington Post của Mỹ đã đăng bài của Jim G. Lucas khẳng định Chiến dịch Ranch Hand của Mỹ đã huỷ hoại mùa màng ở vùng châu thổ sông Mê Công. Báo The Times của Anh ngày 28/12/1970 viết: “Theo các đánh giá còn rất thận trọng, từ năm 1962 đến nay, hơn 5 triệu acres (khoảng 2 triệu ha) tương đương với 1/8 diện tích miền Nam Việt Nam đã bị phun rải chất diệt cỏ với liều lượng trung bình cao hơn 15 lần liều lượng được Bộ Nông nghiệp Mỹ cho phép ở Mỹ”.

Sau khi chiến tranh kết thúc, cộng đồng quốc tế đã phối hợp, hợp tác với Việt Nam nghiên cứu về hậu quả CĐHH. Về lĩnh vực này, Hatfield Consutants (Hatfield), một tổ chức có trụ sở tại Vancouver, Canada, đã có sự phối hợp rất có hiệu quả với Uỷ ban 10-80 của Việt Nam từ năm 1994 xúc tiến việc nghiên cứu về mức độ nhiễm dioxin của môi trường và con người ở Việt Nam. Các công trình nghiên cứu của Hatfield bằng tài trợ của Quỹ Ford (Ford Foundation) được coi là các công trình nghiên cứu toàn diện nhất về tác động của chất độc da cam/dioxin đối với môi trường và sức khoẻ con người Việt Nam.

Cùng với việc phối hợp, hợp tác nghiên cứu, đánh giá tác hại của CĐHH do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh, chính phủ và nhân dân nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế đã tích cực ủng hộ, hỗ trợ nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh hoá học, giúp đỡ NNCĐDC.

Nhiều tổ chức quốc tế đã có các hình thức ủng hộ, hỗ trợ NNCĐDC Việt Nam như: Hội nghị Ban chấp hành của Hội đồng Hòa bình thế giới (WPC) họp ở Damas, Syria từ ngày 23-25/10/2009 đã quyết định lấy ngày 10/8 hằng năm là Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Hội Luật gia dân chủ quốc tế (IADJ) đã tổ chức Toà án Công luận quốc tế xét xử 37 công ty hoá chất của Mỹ đã cung cấp chất độc hoá học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. WPC và AIDJ đã phối hợp với VAVA tổ chức

nhiều diễn đàn tuyên truyền về hậu quả chất độc da cam ở Việt Nam và vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Đại hội nhiệm kỳ hoặc các hội nghị của WPC và IADJ đều có nghị quyết ủng hộ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam…

Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) đã hỗ trợ kinh phí để thực hiện dự án xử lý đất nhiễm dioxin ở sân bay Phù Cát và trang bị cho Việt Nam Phòng thí nghiệm phân tích dioxin. Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc duy trì hỗ trợ hằng năm cho nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng…Làng Hữu nghị ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội được xây dựng từ năm 1998 với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức các nước là một biểu tượng của tình đoàn kết và sự ủng hộ quốc tế đối với NNCĐDC Việt Nam.

Nhiều tổ chức và cá nhân ở Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Anh và nhiều nước khác đã có sự phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân.

Sự ủng hộ, sự hỗ trợ, giúp đỡ và hợp tác của cộng đồng quốc tế trong công cuộc khắc phục hậu quả chiến tranh hoá học ở Việt Nam có giá trị to lớn. Trước hết là giúp cho nhân dân thế giới hiểu rõ hơn hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, từ đó tích cực hành động giúp đỡ nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả do chiến tranh hoá học gây ra, yêu cầu Chính phủ Mỹ phải tích cực tham gia khắc phục các hậu quả. Sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế về vật chất còn hạn chế, nhưng có tác dụng to lớn động viên, khích lệ tinh thần của các nạn nhân chiến tranh; nhắc nhở mọi người phải quan tâm, có trách nhiệm hơn đối với đồng bào của mình đang chịu hy sinh, mất mát, bệnh tật, đau khổ vì chiến tranh.

6. Sự phối hợp, tham gia của Chính phủ Mỹ khắc phục hậu quả CĐHH ở Việt Nam

Cùng với quan hệ song phương, sự phối hợp, hợp tác của Chính phủ Mỹ với Việt Nam khắc phục hậu quả CĐDC đã có những bước tiến đáng kể.

-Tháng 3/2000, trong chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Cohen tuyên bố Mỹ sẽ hợp tác với Việt Nam nhiều hơn trong việc nghiên cứu về ảnh hưởng của chất da cam.

-Tháng 11/2000, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton, hai bên đã thỏa thuận phối hợp với nhau nghiên cứu về ảnh hưởng của CĐDC ở Việt Nam.

Sau chuyến thăm này, các nhà khoa học Mỹ chính thức được phép phối hợp với các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu về tác động của CĐHH đối với con người và môi trường của Việt Nam. Từ 2001, Cơ quan Bảo vệ môi trường của Mỹ bắt đầu tiếp nhận các nhà khoa học Việt Nam sang Hawaii đào tạo về làm sạch môi trường.

Đặc biệt, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ B. Clinton vào tháng 11/ 2000 đã dẫn đến việc thiết lập Ủy ban Tư vấn hỗn hợp (JAC) để giám sát việc phối hợp thực hiện các chương trình nghiên cứu về CĐDC ở Việt Nam. JAC có nhiệm vụ tư vấn cho chính phủ hai nước triển khai phối hợp khắc phục hậu quả CĐDC ở Việt Nam.

Các cuộc gặp cấp cao hai nước tiếp theo đó là những mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của quan hệ phối hợp giữa Mỹ và Việt Nam khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam:

+Tháng 11/2006, Tuyên bố chung Việt Nam - Hoa Kỳ sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ G.Bush, khẳng định: “Hai bên nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề nhiễm độc môi trường gần các kho chất độc chứa dioxin trước đây sẽ góp phần đáng kể vào việc tiếp tục phát triển quan hệ hai nước”.

Sau chuyến thăm của Tổng thống G. Bush, từ năm 2007 Quốc hội Mỹ bắt đầu phê duyệt ngân sách hằng năm cho Chính phủ Mỹ tham gia khắc phục hậu qủa CĐHH ở Việt Nam, trước hết là nghiên cứu tẩy độc dioxin ở 3 “điểm nóng” là các sân bay: Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát.

Ngày 9/8/2012, chính thức khởi công thực hiện Dự án "Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng".

+ Tuyên bố chung Việt Nam-Mỹ ngày 25/7/2013 sau chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đã nêu: “Tổng thống Obama tái khẳng định Hoa Kỳ cam kết tăng hỗ trợ về chăm sóc y tế và các hình thức chăm sóc, trợ giúp khác cho người khuyết tật vì bất cứ nguyên nhân nào ở Việt Nam”.

+Tháng 7/2015, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có “chuyến thăm lịch sử” tới Hoa Kỳ. Hai bên đã ra Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ trong lĩnh vực nhân đạo khắc phục hậu quả chiến tranh. Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm, nhấn mạnh: “Hợp tác nhân đạo giữa hai nước, trong đó có việc khắc phục hậu quả chiến tranh, đã và đang được triển khai ngày càng tích cực. Hợp tác trong lĩnh vực nhân đạo cần tiếp tục được đẩy mạnh để góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lòng tin, tăng cường hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Hậu quả của cuộc chiến tranh ở Việt Nam còn hết sức nặng nề. Nhiều thế hệ người dân Việt Nam vẫn đang phải tiếp tục vật lộn với những hậu quả chiến tranh khắc nghiệt”.

+ Cuộc gặp cấp cao ngày 23/5/2016 giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định, sau tẩy độc ở Đà Nẵng, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ tẩy độc ở Biên Hòa (Đồng Nai). Sau cuộc gặp cấp cao ngày 23/11/2017 giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Donald Trump, phía Mỹ tuyên bố sẽ chi 390 triệu USD cho việc tẩy độc ở sân bay Biên Hòa.

- Về kết quả thực hiện phối hợp giữa Mỹ và Việt Nam khắc phục hậu quả CĐHH: Tính đến tháng 5/2020, tổng kinh phí đã được Quốc hội Mỹ phê duyệt để Chính phủ Mỹ (cụ thể là Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ - USAID) phối hợp với phía Việt Nam khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là 328 triệu USD.

+Đã hoàn thành chương trình tẩy độc ở Sân bay Đà Nẵng ( xử lý 90.000 m³ đất nhiễm độc, chi phí 104 triệu USD); bắt đầu triển khai tẩy độc ở sân bay Biên Hòa (dự kiến xử lý 500.000 m³ đất nhiễm độc, chi phí 390 triệu USD, trong 10 năm).

+Về hỗ trợ dịch vụ y tế cho người bị nhiễm CĐHH: Tính đến tháng 4/2020, Quốc hội Mỹ đã phê duyệt hơn 80 triệu USD để Chính phủ Mỹ thực hiện các dự án hỗ trợ người khuyết tật, trong đó có NNCĐDC. Chính phủ Mỹ đang thực hiện chương trình 2016-2020 với kinh phí 21 triệu USD và đã thỏa thuận thực hiện Chương trình 2021-2025 với kinh phí 65 triệu USD cho các hoạt động trên ở 8 tỉnh bị phun rải nặng CĐHH (Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Kon Tum).

Phía Hoa Kỳ cũng đã chấp nhận phối hợp với Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam để thực hiện các chương trình hỗ trợ người khuyết tật.

III. HỘI NNCĐDC/DIOXIN VIỆT NAM (VAVA) - TỔ CHỨC DUY NHẤT ĐẠI DIỆN CHO NNCĐDC VIỆT NAM

1. Hoàn cảnh ra đời

Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam đã gây ra những tác hại rất to lớn và lâu dài đối với đất nước ta. Đặc biệt, tác hại của CĐDC đối với sức khỏe con người có thể còn kéo dài qua nhiều thế hệ.

Giải quyết hậu quả CĐDC, hàn gắn vết thương chiến tranh vừa là lương tâm, trách nhiệm, đạo lý đối với những người đã chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vừa là vấn đề xã hội nhân đạo đối với đồng bào ở những vùng bị ảnh hưởng CĐDC, vừa là vấn đề chính trị và ngoại giao tế nhị.

Đáp ứng yêu cầu đó, năm 1980, Ủy ban 10-80 ra đời và hoạt động đến năm 2000. Năm 1999, Ban Chỉ đạo 33 được thành lập. Trước đó, năm 1998, Quỹ Bảo trợ NNCĐDC thuộc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đi vào hoạt động. Tuy nhiên, thực tế đòi hỏi phải có một tổ chức đủ sức đảm đương những nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới.

Trong bối cảnh đó, ngày 10/01/2004, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam([5])chính thức ra mắt hoạt động (Hội được thành lập theo Quyết định số 84/2003/QĐ-BNV ngày 17/12/2003 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ). Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước được suy tôn làm Chủ tịch danh dự; Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam giữ chức Chủ tịch đầu tiên của Hội.

2. Những vấn đề cơ bản về Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam

Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam là tổ chức xã hội có tính chất đặc thù (Hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ), là Hội của những NNCĐDC và các cá nhân tự nguyện đóng góp công sức, trí tuệ, tiền, vật chất để giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam, khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Hội được thành lập nhằm vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài giúp đỡ NNCĐDC hòa nhập cộng đồng xã hội; tập hợp đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; giáo dục, động viên nạn nhân vượt khó vươn lên, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cuộc sống và thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi của người công dân.

Hội đại diện cho các NNCĐDC trong các mối quan hệ với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, trong đấu tranh đòi Mỹ phải chịu trách nhiệm tham gia khắc phục hậu quả CĐHH do họ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Hội được tham gia xây dựng các cơ chế, chính sách; tư vấn, phản biện và giám định xã hội các cơ chế, chính sách đối với NNCĐDC.

Hội hoạt động trong phạm vi cả nước; có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Hội có mối quan hệ, hợp tác với hơn 60 tổ chức nhà nước, tổ chức phi chính phủ của các nước trên thế giới.

Đến nay, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã trải qua 4 kỳ Đại hội:

- Lễ ra mắt Ban Chấp hành Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam tại Lễ công bố Quyết định thành lập Hội, được tổ chức ngày 10/01/2004 tại Hà Nội. Ban Chấp hành Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam gồm 16 ủy viên. Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam được Ban Chấp hành Trung ương Hội bầu là Chủ tịch Hội. Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được suy tôn làm Chủ tịch danh dự.

Các Phó Chủ tịch, gồm: Thiếu tướng, PGS, TS Trần Xuân Thu, nguyên Tổng Giám đốc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng (Phó Chủ tịch- Tổng thư ký); Thiếu tướng Đỗ Xuân Diễn, Anh hùng Lao động, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 12, Bộ Quốc phòng (Phó Chủ tịch thứ nhất); GS, TS, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Trọng Nhân, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (Phó Chủ tịch phụ trách đối ngoại).

Từ tháng 4 đến đầu tháng 12/2008, Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Đỗ Xuân Diễn làm Quyền Chủ tịch Hội.

-Đại hội lần thứ II (nhiệm kỳ 2008 -2013) diễn ra trong hai ngày 3 và 4/12/2008 tại Hà Nội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 87 ủy viên và tiếp tục suy tôn bà Nguyễn Thị Bình làm Chủ tịch Danh dự của Hội. Ban Chấp hành đã bầu Ban Thường vụ gồm 19 ủy viên. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, được bầu làm Chủ tịch Hội. Các Phó Chủ tịch, gồm: Thiếu tướng Trần Xuân Thu (Phó Chủ tịch-Tổng thư ký); Thiếu tướng, Anh hùng Lao động Đỗ Xuân Diễn; GS, BS, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội; GS, TS, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Trọng Nhân. Tháng 12/2010, Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ được bầu bổ sung Phó Chủ tịch Trung ương Hội. Tháng 12/2011, Trung tướng Nguyễn Thế Lực, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng được bầu bổ sung Phó Chủ tịch-Giám đốc Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

- Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 2013-2018) diễn ra trong hai ngày 23 và 24/12/2013 tại Hà Nội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 101 ủy viên và tiếp tục suy tôn bà Nguyễn Thị Bình làm Chủ tịch Danh dự của Hội. Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ gồm 14 ủy viên. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh được Ban Chấp hành bầu tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội. Các Phó Chủ tịch gồm: Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Thế Lực, Phó Chủ tịch- Tổng thư ký, Giám đốc Quỹ; GS, BS, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Phó Chủ tịch trực phía Nam); Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ (kiêm Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin TP Hồ Chí Minh).

Trung tướng Hoàng Châu Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tổng tham mưu được bầu bổ sung Phó Chủ tịch (tháng 12/2014) và Phó Chủ tịch-Giám đốc Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam ( 1/2015-12/2017). Từ tháng 12/2017, ông Nguyễn Văn Khanh được bầu bổ sung Phó Chủ tịch-Giám đốc Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

- Đại hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 2018-2023) diễn ra trong hai ngày 4 và 5/12/2018 tại Hà Nội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội gồm 96 ủy viên, đồng thời tiếp tục suy tôn bà Nguyễn Thị Bình làm Chủ tịch Danh dự của Hội. Ban Chấp hành bầu Ban Thường vụ Trung ương Hội gồm 17 ủy viên. Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh được bầu tiếp tục giữ chức Chủ tịch Hội. Các Phó chủ tịch gồm: Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Thế Lực (Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký); GS, BS, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Phó Chủ tịch trực phía Nam); Trung tướng, PGS, TS Đặng Nam Điền (từ tháng 8/2020, Trung tướng, PGS,TS Đặng Nam Điền đảm nhận Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký); Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ (kiêm Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin TP Hồ Chí Minh); ông Nguyễn Văn Khanh (Phó Chủ tịch-Giám đốc Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam).

b
Chăm sóc nạn nhân chất độc da cam ở tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Lê Huỳnh.

3. Một số kết quả nổi bật trong hoạt động của Hội

Trải qua 17 năm hoạt động và phát triển (10/1/2004-10/1/2021), được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội; sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân các địa phương; với tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã triển khai toàn diện các mặt công tác và đạt nhiều kết quả quan trọng.

3.1. Công tác tuyên truyền

Công tác tuyên truyền luôn được các cấp Hội coi trọng và đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; động viên các tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam; qua đó nâng cao vị thế, uy tín, ảnh hưởng của Hội, cả ở trong nước và quốc tế.

Tổ chức hội các cấp phối hợp chặt chẽ với cơ quan tuyên giáo, cơ quan báo chí Trung ương và địa phương tiến hành công tác tuyên truyền trong nước và tuyên truyền đối ngoại bằng nhiều hình thức, giúp cho nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế ngày càng hiểu rõ hơn về cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam, đã gây nên thảm họa da cam lớn nhất trong lịch sử nhân loại. “Nỗi đau của NNCĐDC là nỗi đau của dân tộc Việt Nam và cũng là nỗi đau của nhân dân tiến bộ trên thế giới”. “NNCĐDC là những người nghèo nhất trong những người nghèo, người đau khổ nhất trong những người đau khổ” và họ đang rất cần sự cảm thông, sẻ chia, động viên, chăm sóc, giúp đỡ của nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với NNCĐDC; về thảm họa da cam và công cuộc khắc phục thảm họa da cam ở Việt Nam; về cuộc đấu tranh đòi công lý của NNCĐDC; về hoạt động của các cấp hội, nhất là công tác huy động nguồn lực xã hội để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân; những điển hình tiên tiến là cán bộ hội, nhà tài trợ, nhà hảo tâm, nạn nhân vượt khó vươn lên; về tình cảm của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế đối với NNCĐDC.

Hình thức, biện pháp tuyên truyền ngày càng đa dạng, phong phú, phù hợp. Các hình thức tuyên truyền phổ biến, như: Tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng; họp báo, gặp mặt, trả lời phỏng vấn; tiếp khách trong nước và quốc tế; tuyên truyền qua bản tin da cam, trang web, thư ngỏ, lời kêu gọi, tuyên bố…; trang trí trụ sở hội, treo pano, khẩu hiệu nơi công cộng; chiếu phim, biểu diễn văn nghệ, hoạt động thể thao; tổ chức và tham gia các diễn đàn, hội thảo ở trong và ngoài nước, mít tinh, diễu hành, đồng hành, lấy chữ ký; trưng bày ảnh, hiện vật tại bảo tàng, triển lãm lưu động; xuất bản sách, văn hóa phẩm giới thiệu gương nạn nhân, hoàn cảnh nạn nhân với báo chí, nhà tài trợ; tổ chức sáng tác về chủ đề da cam; phát hành sách, phim, tập san, sách ảnh, tờ gấp…

Tạp chí Da cam Việt Nam, thuộc Trung ương Hội, gồm: Tạp chí in và Tạp chí Điện tử. Tạp chí in xuất bản định kỳ hằng tháng; từ tháng 1/2016 đến nay đã xuất bản hơn 40 vạn cuốn; phục vụ đối tượng là lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền, sở, ban ngành, địa phương, các cấp hội cơ sở, hội viên và bạn đọc trong cả nước. Tạp chí Điện tử xuất bản từ tháng 5/2019, hiện có phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh; thường xuyên có độc giả ở hơn 70 quốc gia truy cập. Việc khai thác, sử dụng tin, bài, ảnh từng bước đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc tìm hiểu về thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả CĐHH ở Việt Nam.

Tạp chí Da cam Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được giao, nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam và là diễn đàn của NNCĐDC Việt Nam. Hướng tới kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, Tạp chí tham mưu cho Trung ương Hội phát động Cuộc thi viết về đề tài “Thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam” lần thứ nhất (2020-2021).

Hoạt động tuyên truyền của các cấp Hội đã phát huy hiệu quả tích cực, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần khuyến khích các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước ủng hộ, giúp đỡ NNCĐDC trong cuộc sống và trong đấu tranh đòi công lý; cổ vũ, động viên các nạn nhân vươn lên hòa nhập cộng đồng. Điển hình, năm 2004 và đầu năm 2005, phong trào ký tên ủng hộ VAVA và các nạn nhân kiện các công ty hóa chất Hoa Kỳ đã thu thập được hơn 12,5 triệu chữ ký và hơn 700.000 người đăng ký ký tên trên mạng internet.

3.2. Công tác xây dựng, phát triển tổ chức hội

Tổ chức Hội NNCĐDC/dioxin đã được thành lập ở 63/63 tỉnh, thành phố, 612 huyện, quận, 6.722 xã, phường, thị trấn với hơn 400.000 hội viên. Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin đã được thành lập ở Trung ương, tại 40/63 tỉnh, thành phố; ở 108 quận, huyện và 539 xã, phường. Thời gian qua, thực hiện chủ trương tinh giản tổ chức, có 7 tỉnh Hội đã sáp nhập Hội NNCĐDC/dioxin vào các hội quần chúng có chức năng, nhiệm vụ tương đồng.

Từ khi thành lập đến nay, hệ thống tổ chức hội được xây dựng và phát triển. Vượt qua khó khăn nhiều mặt, nhất là về kinh phí hoạt động và điều kiện làm việc, các cấp hội đã nỗ lực hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao, góp phần tích cực vào việc chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi của NNCĐDC, vì vậy vị thế, uy tín của Hội ngày càng được khẳng định và nâng cao.

Đội ngũ cán bộ hội hầu hết được tôi luyện và trưởng thành qua kháng chiến, có uy tín xã hội. Nhiều cán bộ hội giàu nhiệt tình, tâm huyết, luôn tìm tòi sáng tạo, đổi mới phong cách làm việc, giữ mối quan hệ tốt với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, các tổ chức cá nhân, nhà hảo tâm..., góp phần quan trọng vào sự phát triển và nâng cao vị thế, hiệu quả hoạt động của tổ chức hội.

Hội đã kịp thời phát hiện những bất cập trong thực hiện chế độ, chính sách đối với NNCĐDC, tích cực đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi chế độ, chính sách phù hợp cho các đối tượng nạn nhân.

Hội đã ký Chương trình phối hợp hoạt động với Bộ LĐ-TB&XH, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; phối hợp hoạt động trong nhiều lĩnh vực cụ thể với nhiều tổ chức khác.

3.3. Công tác tham mưu đề xuất, tư vấn, phản biện

Hội đã chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành của Trung ương tham mưu phục vụ Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương về giải quyết hậu quả CĐHH, các chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm CĐHH; kịp thời phát hiện những bất cập trong thực hiện chế độ, chính sách đối với NNCĐDC, tích cực đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi chế độ, chính sách phù hợp với thực tế và điều kiện cho phép. Hội đã tham gia nhiều ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước ban hành các văn bản về chế độ, chính sách đối với những người làm công tác hội.

Các cơ quan Đảng, Nhà nước đánh giá cao những đề xuất, đóng góp của Hội trong các văn bản về giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC; tổ chức hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam.

3.4. Công tác vận động nguồn lực và chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.

3.4.1 Công tác vận động nguồn lực

Vận động nguồn lực để chăm sóc nạn nhân là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của Hội NNCĐDC/dioxin. Các cấp hội đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hình thức vận động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở trong và ngoài nước để ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân.

Từ khi thành lập Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam (tháng 1-2004) đến tháng 12/2020, số tiền vận động Quỹ NNCĐDC đạt hơn 2.663 tỷ đồng, trong đó, các tổ chức, cá nhân trong nước là gần 1.745 tỷ đồng; các tổ chức, cá nhân ngoài nước gần 134 tỷ 597 triệu đồng; ủng hộ trực tiếp bằng tiền và hiện vật quy ra tiền gần 784 tỷ 182 triệu đồng.

3.4.2 Công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân

Chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, gia đình nạn nhân là trách nhiệm, nghĩa tình của tổ chức hội các cấp. Hình thức chăm sóc, giúp đỡ ngày càng đa dạng, mang tính bền vững. Các hình thức được áp dụng rộng rãi gồm: Thăm hỏi, tặng quà; trợ cấp thường xuyên, đột xuất; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; tặng các phương tiện sinh hoạt; hỗ trợ làm kinh tế, cho vay vốn sản xuất và hỗ trợ học bổng, học nghề; giúp tìm việc làm; giúp làm nhà, sửa nhà; xây dựng cơ sở bán trú, phục hồi chức năng; các cơ sở xông hơi giải độc, phục hồi sức khỏe; nuôi dưỡng thường xuyên…

Cùng với bị mắc các bệnh hiểm nghèo, mạn tính, bị dị dạng, dị tật, nạn nhân CĐDC và gia đình nạn nhân đều thuộc diện rất nghèo, trình độ học vấn hạn chế, nên việc giúp đỡ để nạn nhân có thu nhập, vượt qua đói nghèo, ổn định đời sống, vươn lên hòa nhập với cộng đồng là mục tiêu phân đấu của các cấp hội.

Từ khi thành lập Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam (tháng 1-2004) đến tháng 12/2020, các cấp hội đã chi giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân tổng số tiền hơn 2.536 tỷ đồng, trong đó chi xây dựng cơ sở bán trú tại 26 địa phương (hơn 168 tỷ đồng), chi xây dựng gần 6.750 căn nhà tình nghĩa (tổng trị giá hơn 280 tỷ 159 triệu đồng), trợ cấp gần 11.900 suất học bổng; trợ cấp khó khăn, lễ tết, khám chữa bệnh, vốn sản xuất…hơn 3.860.250 suất ( tổng trị giá hơn 548 tỷ đồng); hỗ trợ trực tiếp bằng tiền và hiện vật quy ra tiền 539.095 suất (tổng trị giá hơn 537 tỷ đồng).

Ngoài trợ giúp bằng tiền, các cấp Hội đã tư vấn, hỗ trợ các gia đình nạn nhân phát triền kinh tế gia đình; thông qua các nhóm hộ cùng chia sẻ kinh nghiệm để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Các hoạt động và công tác vận động giúp đỡ NNCĐDC nhân “Ngày Vì nạn nhân CĐDC /dioxin Việt Nam” 10/8 hằng năm và “Tết vì NNCĐDC” với cách thức tổ chức và phương pháp phù hợp, ngày càng lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội, khơi dậy và phát huy tình cảm và trách nhiệm của cả cộng đồng.

Nhiều cơ sở nuôi dưỡng bán trú cho NNCĐDC được xây dựng và đi vào hoạt động có hiệu quả, luân phiên nuôi dưỡng, khám chữa bệnh, phục hồi chức năng cho hàng nghìn lượt người. Trung tâm Bảo trợ xã hội NNCĐDC của Trung ương Hội và của các tỉnh Hội: Thái Bình, Gia Lai… từ khi thành lập đến nay đã tổ chức khám bệnh, nuôi dưỡng, tẩy độc, phục hồi chức năng… cho hàng ngàn lượt người. Trung tâm Bảo trợ NNCĐDC thuộc các tỉnh, thành Hội: Đà Nẵng, Đồng Nai, Quảng Ngãi… thường xuyên nuôi dưỡng bán trú, phục hồi chức năng, dạy nghề và tạo việc làm cho hơn 400 nạn nhân; luân phiên nuôi dưỡng, khám chữa bệnh cho hàng trăm lượt người.

3.5. Hoạt động đối ngoại và cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC.

3.5.1 Hoạt động đối ngoại

Ngay từ khi thành lập, Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã xác định hoạt động đối ngoại là một nhiệm vụ của Hội, là một bộ phận của hoạt động đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Hội đã tích cực tổ chức và đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại với hai nội dung: Một là, vận động các nguồn lực để chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC; Hai là, đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC.

Từ khi thành lập đến nay, quan hệ đối ngoại của Hội không ngừng mở rộng, ngày càng đi vào chiều sâu. Ngoài việc duy trì quan hệ với bạn bè truyền thống ở các nước: Mỹ, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản..., Hội đã mở rộng quan hệ với nhiều cá nhân và tổ chức nước ngoài ở khắp các châu lục như: Đức, Ba Lan, Italy, Cộng hòa Séc, Argentina, Costa Rica, Mexico, Sri-Lanka, Ấn Độ, Singapore, Malaysia...; Hội Nạn

nhân Hóa học Halabja của Irắc, Hội Hỗ trợ Nạn nhân Vũ khí hóa học ở Iran, Nhóm đoàn kết ủng hộ nạn nhân Bhopal vì công lý ở Ấn Độ, Hội đồng Hòa bình Thế giới (WPC)...

Hằng năm, Trung ương Hội và các hội địa phương đã tiếp hàng trăm đoàn khách quốc tế và hàng trăm cá nhân đến từ 5 châu lục. Hội duy trì liên lạc thường xuyên với khoảng 30 tổ chức quốc tế ở nhiều nước trên thế giới; Tổ chức cho hơn 30 đoàn lãnh đạo Hội và nạn nhân đi nước ngoài hoạt động ở Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Panama, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ba Lan, Séc, Campuchia, Lào…; đón và tổ chức cho gần 100 đoàn khách quốc tế vào làm việc với Trung ương Hội và thăm nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Hoạt động đối ngoại đã góp phần vận động được khoảng 10% số tiền ủng hộ nạn nhân CĐDC của toàn Hội, góp phần vận động các nghị sĩ Mỹ trình Quốc hội Mỹ 5 dự luật ủng hộ NNCĐDC Việt Nam, thúc đẩy các vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ ở Mỹ và ở Pháp. Hoạt động đối ngoại của Hội góp phần nâng cao uy tín của Hội cả ở trong và ngoài nước; góp phần quan trọng đưa vấn đề da cam thành một chủ đề được quan tâm trong dư luận quốc tế; tranh thủ được sự ủng hộ về tinh thần cũng như vật chất của một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ để khắc phục hậu quả CĐDC.

3.5.2 Cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC

Hội NNCĐDC dioxin Việt Nam là lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC.

Cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam được tiến hành nhằm hai mục tiêu:

- Một là, yêu cầu Chính phủ Mỹ phải tham gia vào công cuộc khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng ở Việt Nam.

- Hai là, đòi các công ty hóa chất đã cung cấp CĐHH cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh phải bồi thường thiệt hại do CĐDC gây ra cho các nạn nhân.

* Về yêu cầu Chính phủ Mỹ tham gia khắc phục hậu quả CĐDC do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam

Ngay sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Nhà nước ta đã nêu ra vấn đề này với Chính phủ Mỹ, yêu cầu Mỹ phối hợp giải quyết hậu quả chiến tranh hóa học cùng với việc giải quyết những hậu quả chiến tranh khác như: Tù nhân chiến tranh (POW), người mất tích trong chiến tranh (MIA), bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh. Chính phủ Mỹ đã từng bước đáp ứng yêu cầu của ta trong vấn đề này như: Đã thỏa thuận phối hợp tẩy độc dioxin ỏ các “điểm nóng” tại các sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát và thỏa thuận tham gia hỗ trợ “người khuyết tật do bất kể nguyên nhân gì”.

Đến nay, Chính phủ Mỹ đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức của Việt Nam hoàn thành việc tẩy độc dioxin ở sân bay Đà Nẵng, bắt đầu xúc tiến thực hiện dự án tẩy độc dioxin ở sân bay Biên Hòa và đang triển khai dự án 21 triệu USD (giai đoạn 2016-2020) hỗ trợ người khuyết tật ở 6 tỉnh bị phun rải nặng chất độc hóa học, đồng thời đã ký thỏa thuận triển khai dự án trị giá 65 triệu USD cho giai đoạn 2021-2025 hỗ trợ người khuyết tật ở 8 tỉnh bị phun rải nặng CĐDC, bao gồm 6 tỉnh của giai đoạn 2016-2020 và hai tỉnh Quảng Trị, Kon Tum.

* Về việc đòi các công ty hóa chất Mỹ đã cung cấp CĐHH cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam phải bồi thường cho nạn nhân CĐDC:

- Vụ kiện 37 công ty hóa chất Mỹ:

Ngay sau khi thành lập (ngày 10/1/2004) Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam (VAVA) và một số nguyên đơn đã gửi đơn đến Toà án quận Brooklyn, New York, Hoa Kỳ kiện 37 công ty hoá chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp CĐHH cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Đây là vụ kiện tập thể, được tiến hành tại Mỹ, theo luật pháp Mỹ và do Toà án Mỹ xét xử, là vụ kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử ngành tư pháp Mỹ.

Vụ kiện kéo dài hơn 5 năm, qua các cấp sơ thẩm, phúc thẩm; đến ngày 2/3/2009, Toà án Tối cao liên bang Mỹ tuyên bố không thụ lý đơn kiện của các nguyên đơn.

Mặc dù Toà án Mỹ từ chối thụ lý vụ kiện của NNCĐDC Việt Nam, nhưng vụ kiện đã giành được thắng lợi quan trọng về nhiều mặt:

Trước hết, VAVA đã vượt qua được mọi thủ đoạn ngăn cản của các công ty hoá chất đối với nội dung kiện và tư cách của VAVA đưa vụ kiện ra Tòa án Mỹ.

Hai là, vụ kiện đã vạch trần trước dư luận thế giới tội ác của Mỹ trong việc tiến hành chiến tranh hoá học dưới chiêu bài “chỉ dùng chất diệt cỏ để khai quang”.

Ba là, làm cho nhân dân trong nước và thế giới hiểu rõ hơn về thảm hoạ da cam ở Việt Nam; thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước, dư luận quốc tế và dư luận Mỹ, hình thành phong trào mang tính quốc tế đấu tranh chống chiến tranh hoá học, ủng hộ Việt Nam đòi Mỹ bồi thường thiệt hại cho nhân dân Việt Nam.

Bốn là, việc Toà án Mỹ từ chối thụ lý đơn kiện kiện không ngăn chặn được khả năng nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tiếp tục tiến hành các vụ kiện khác tại Mỹ. Thời hiệu khởi kiện không bị triệt tiêu. Tư cách pháp lý của nguyên đơn Việt Nam đã được Toà án Mỹ thừa nhận. Lý do khởi kiện không bị bác bỏ. Đây là những tiền lệ tư pháp để các nguyên đơn Việt Nam có thể tiến hành đấu tranh pháp lý đến cùng tại Mỹ đề đòi công lý.

- Tòa án Lương tâm nhân dân quốc tế xét xử 37 công ty hóa chất Mỹ:

Sau khi Toà án Hoa Kỳ từ chối thụ lý vụ kiện của NNCĐDC Việt Nam, theo sáng kiến của Hội Luật gia dân chủ quốc tế, Toà án Lương tâm Nhân dân Quốc tế về chất da cam đã được tổ chức tại Paris (Thủ đô Cộng hoà Pháp) từ ngày 16 - 17/5/2009. Dựa trên các điều luật quốc tế, Tòa khẳng định: Việc sử dụng dioxin là một tội ác chiến tranh chống loài người. Tòa phán quyết: Chính phủ Mỹ là thủ phạm sử dụng chất dioxin mà hậu quả của nó đối với môi trường Việt Nam có thể coi là “hủy diệt môi trường”; các công ty hóa chất Mỹ là tòng phạm trong các hành động của Chính phủ Mỹ. Chính phủ Mỹ và các công ty hoá chất cung cấp CĐDC phải bồi thường toàn bộ cho NNCĐDC và gia đình họ, phải có trách nhiệm làm sạch môi trường, tẩy sạch CĐDC khỏi các vùng đất và nước bị nhiễm độc ở Việt Nam, đặc biệt là tại các “điểm nóng” xung quanh các căn cứ quân sự trước đây của quân đội Mỹ.

- Vụ kiện của bà Trần Tố Nga- NNCĐDC.

Bà Trần Tố Nga sinh ở tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam; năm 1954 theo gia đình tập kết ra miền Bắc; năm 1965, sau khi tốt nghiệp đại học, bà trở lại miền Nam làm phóng viên Thông tấn xã Giải phóng. Trong thời gian công tác bà đã bị phơi nhiễm trực tiếp CĐHH do quân đội Mỹ phun rải, sau đó đã mắc nhiều căn bệnh, một con của bà đã chết lúc 17 tháng tuổi, một con khác bị bệnh thiếu máu do huyết tán (Thelassemia).

Ngày 14/5/2014, bà Trần Tố Nga (đang sinh sống tại Pháp) đã đệ đơn kiện 26 công ty hóa chất của Mỹ đã gây hại cho bà và gia đình bà. Bà đệ đơn kiện với tư cách là công dân Pháp, nhưng bà là NNCĐDC bị gây hại trong thời kỳ bà ở Việt Nam, vì vậy VAVA ủng hộ vụ kiện của bà.

Ngày 13/6/2014, VAVA ra Tuyên bố kêu gọi Tòa án Evry nhanh chóng hoàn tất hồ sơ, thủ tục để xét xử vụ án, bênh vực quyền lợi cho NNCĐDC Trần Tố Nga.

Ngày 09/4/2015, VAVA tổ chức họp báo giới thiệu vụ kiện, công bố Thư ngỏ gửi Tòa án Thành phố Evry, các Luật sư tham gia vụ kiện, Hội Luật gia Dân chủ Quốc tế, Hội đồng Hòa bình Thế giới, các lực lượng yêu chuộng hòa bình, công lý và dư luận quốc tế ủng hộ vụ kiện của bà Trần Tố Nga, đòi các công ty hóa chất Hoa Kỳ bồi thường thiệt hại cho bà Nga và NNCĐDC Việt Nam. Tiếp đó, các tỉnh, thành phố trong cả nước đã có nhiều hoạt động, như tổ chức gặp mặt báo chí, quyên góp tiền, ký tên ủng hộ bà Trần Tố Nga, tiêu biểu là các địa phương: Sóc Trăng, Hòa Bình, Tp Hồ Chí Minh…

Ngày 16/4/2015, Tòa Đại hình Thành phố Evry triệu tập phiên đầu tiên để các luật sư bào chữa cho các công ty hóa chất Mỹ nộp kết luận của mình về đơn kiện của bà Trần Tố Nga. Từ đó đến nay, đã diễn ra nhiều phiên giải quyết thủ tục để xem xét vụ kiện. Luật sư của các công ty hóa chất Mỹ bị kiện đã dùng nhiều thủ đoạn để trì hoãn việc xét xử, tuy nhiên Tòa án thành phố Evry đã quyết định ngày 25/01/2021 là ngày xét xử vụ kiện.

* Cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam được nhân dân thế giới tích cực ủng hộ:

Cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam đã được các tầng lớp nhân dân thế giới tích cực ủng hộ. Hạ nghị sĩ, Trưởng Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương của Hạ viện Mỹ đã 3 lần tổ chức điều trần về vấn đề CĐDC ở Việt Nam. Hai Hạ nghị sĩ Bob Filner và Barbara Lee của Mỹ đã trình Quốc hội Mỹ 5 dự luật yêu cầu Chính phủ Mỹ phải tham gia khắc phục hậu quả CĐDC ở Việt Nam. Nhiều nghị sĩ quốc hội của Anh, Bỉ, New Zealand… đã đưa ra các kiến nghị đòi Chính phủ Mỹ phải bồi thường thiệt hại cho NNCĐDC Việt Nam. Ông Len Aldis, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Anh-Việt đã viết thư yêu cầu tòa án Mỹ phải xét xử công bằng vụ kiện của NNCĐDC Việt Nam và yêu cầu Chính phủ Mỹ phải bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân. Hội Luật gia Dân chủ quốc tế đã tổ chức nhiều diễn đàn yêu cầu Chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm về thảm họa da cam ở Việt Nam. Tòa án xét xử Monsanto ở La Haye (năm 2016) khẳng định, việc Mỹ sử dụng CĐHH trong chiến tranh ở Việt Nam là một hành động tội ác.

3.6. Hoạt động khoa học

Hội đã phối hợp với các cơ sở nghiên cứu và các tỉnh, thành Hội tiến hành điều tra, thống kê, lập hàng ngàn hồ sơ nạn nhân thuộc nhiều đối tượng, nhiều thế hệ và hồ sơ gia đình nạn nhân đặc biệt khó khăn, nhất là các nạn nhân thế hệ thứ 3,thứ 4. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội điều tra, khảo sát tình trạng sức khỏe và việc thực hiện chế độ chính sách đối với người bị phơi nhiễm dioxin là cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng và người thân của họ có liên quan đến phơi nhiễm CĐDC/dioxin.

Một trong các nhiệm vụ trọng tâm hoạt động khoa học của Hội là thu thập cơ sở dữ liệu, bằng chứng khoa học, làm cơ sở để tham mưu, tư vấn phản biện các hoạt động của Hội và hợp tác khoa học.

Hội đã hoàn thành cơ bản quy trình xông hơi giải độc ổn định tại hơn 10 cơ sở ở trong nước (trên cơ sở nhận chuyển giao công nghệ từ tổ chức ABLE tại Thái Bình, năm 2010). Đến nay, các cơ sở đã tổ chức xông hơi, giải độc, tăng cường sức khỏe cho hơn 10.000 lượt người đạt kết quả tốt, không xảy ra tai biến y tế.

Các hoạt động khoa học được tăng cường, phong phú tại các hội thảo, hội nghị và hợp tác quốc tế. Hội đã phối hợp với các nhà khoa học của các nước : Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Liên bang Nga...thành lập gần 20 đoàn khảo sát, tham quan, tặng quà các nạn nhân và cung cấp tư liệu tin cậy cho hàng chục ấn phẩm khoa học về các hoạt động của Hội.

Thông qua Hội đồng Tư vấn về khoa học, Hội thường xuyên có quan hệ hợp tác với 15 cơ sở nghiên cứu trong lĩnh vực CĐDC/dioxin trong cả nước. Đặc biệt, Hội đã xây dựng được phương án, bảng câu hỏi điều tra phù hợp với điều kiện cụ thể ở các tỉnh, thành phố, phục vụ công tác điều tra xã hội học liên quan đến nạn nhân, làm cơ sở tư vấn chính sách ở các địa phương và quốc gia (đã triển khai ở hơn 10, tỉnh thành phố).

Từ tháng 8/2012, Hội đã chủ trì triển khai Đề tài khoa học cấp nhà nước "Nghiên cứu đánh giá hiệu quả của chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam/dioxin; đề xuất phương hướng, giải pháp chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện", mã số KHCN-33.9/11-15. Đề tài gồm 34 chuyên đề, nêu 6 nội dung, 7 giải pháp và 12 kiến nghị cụ thể về bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện chính sách đối với NNCĐDC. Tháng 1/2016, Đề tài đã được nghiệm thu ở cấp nhà nước. Hội đồng nghiệm thu đánh giá Đề tài đạt loại khá.

Từ năm 2016 đến nay, Viện Nghiên cứu da cam thuộc Trung ương Hội đã chủ trì nghiên cứu đề tài độc lập cấp Nhà nước, mã số: ĐTĐL. CN.16/17. Mục tiêu của Đề tài nhằm xây dựng cơ sở lý luận và thực tiễn của Đề án đối thoại nhân đạo về hậu quả CĐDC/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Những kết quả của hoạt động khoa học đã được sử dụng vào các mục đích: Chọn nguyên đơn đứng tên đại diện trong các vụ kiện đòi công lý cho NNCĐDC; chọn nạn nhân tiêu biểu tham gia các diễn đàn, giao lưu, hội nghị trong nước và quốc tế; làm căn cứ kiến nghị với Đảng, Nhà nước hoàn thiện chế độ chính sách đối với NNCĐDC; giới thiệu nạn nhân, gia đình nạn nhân để các nhà tài trợ, báo chí giúp đỡ, biểu dương…

3.7. Công tác thi đua - khen thưởng

Phong trào thi đua được tổ chức thường xuyên, có chất lượng ở các cấp Hội; thực hiện đúng quy chế thi đua. Hằng năm, Trung ương Hội cụ thể hóa các mục tiêu thi đua bằng các chỉ tiêu cụ thể, trên cơ sở đó, các hội thành viên đề ra chỉ tiêu thi đua phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, khả năng, bảo đảm tính khả thi.

Phong trào thi đua “Vì NNCĐDC Việt Nam”, do Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam phát động ngày 12-2-2007 gồm 5 mục tiêu, được các cấp Hội hưởng ứng, triển khai thực hiện sâu rộng, đúng hướng, đạt hiệu quả thiết thực, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo gương Bác Hồ vĩ đại, với phong trào thi đua trong toàn Hội và các phong trào, các cuộc vận động trong toàn quốc và của các địa phương, là nòng cốt của phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.

Từ phong trào thi đua “Vì NNCĐDC Việt Nam” đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến thuộc nhiều đối tượng: Tổ chức hội, cán bộ, hội viên, nạn nhân vượt khó, người chăm sóc nạn nhân; các nhà tài trợ, các cơ quan, đơn vị; cán bộ cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể…

Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đã 3 lần tổ chức thành công Đại hội điển hình tiên tiến vì nạn nhân CĐDC vào các năm 2007, 2011, 2016. Năm 2021, nhân kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam, Trung ương Hội tổ chức Đại hội điển hình tiên tiến vì NNCĐDC lần thứ IV.

Công tác khen thưởng được thực hiện kịp thời, gắn với kết quả các phong trào thi đua và các sự kiện, chú trọng phát hiện, tôn vinh, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Thành tích xuất sắc của các tập thể, cá nhân trong những năm qua đã được các cấp ghi nhận, tặng nhiều phần thưởng cao quý:

Ngày 20/4/2011, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 11-QĐ/TW tặng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam bức trướng “Đoàn kết- Nghĩa tình- Trách nhiệm- Vì NNCĐDC”.

Ngày 31/5/2011, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 835/QĐ-CTN tặng thưởng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam Huân chương Lao động hạng Nhì vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động, chăm sóc và quyên góp, ủng hộ, giúp đỡ NNCĐDC Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 6/7/2016, Chủ tịch nước ký Quyết định số 1383/QĐ-CTN tặng thưởng Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam Huân chương Lao động hạng Nhất. Hội còn vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của các tổ chức quốc tế, các ban, bộ ngành, địa phương trong cả nước.

Đến hết tháng 12/2020, Chủ tịch nước đã tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Thành hội Hải Phòng và tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho các tỉnh, thành hội: Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa- Vũng Tàu, Thái Bình, Quảng Ngãi, Tiền Giang, Bến Tre, Tây Ninh, Thanh Hóa, Quảng Nam, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định.

4 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, gồm: Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Thành hội Đà Nẵng; ông Nguyễn Hữu Ý, Chủ tịch Thành hội Hải Phòng; ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Tỉnh hội Thái Bình; ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch Tỉnh hội Bà Rịa - Vũng Tàu.

Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Hữu nghị cho bà Masako Sakata (quốc tịch Nhật Bản), Đạo diễn, sản xuất phim và là người sáng lập Dự án “Hạt giống hy vọng”.

4 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ "Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua", gồm: Thành hội Đà Nẵng, Tỉnh hội Bình Phước, Tỉnh hội Đồng Nai, Tỉnh hội Quảng Ninh.

Hơn 30 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, gồm các tỉnh, thành hội: Thái Bình, Đà Nẵng, Tây Ninh, Quảng Ngãi, Hải Phòng (2 lần), Bà Rịa - Vũng Tàu (2 lần), Thanh Hóa, Bắc Giang, Bến Tre, Hà Tĩnh, Đồng Nai (2 lần), Ninh Bình (2 lần), Nam Định (2 lần), Quảng Ninh, Tiền Giang, Quảng Nam, Gia Lai, Vĩnh Long, Hà Giang, Hà Nam, Cà Mau (2 lần), Quảng Bình, Bắc Giang (2 lần), Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hà Nội, Bình Thuận, Bạc Liêu; Tập đoàn Viễn thông Quân đội (nay là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội); Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế ANCO.

Hơn 30 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, gồm: Hai đồng chí Phó Chủ tịch Trung ương Hội: GS, BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng và Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ; các đồng chí chủ tịch tỉnh, thành hội: Đại tá Nguyễn Đức Hạnh (Thái Bình), bà Nguyễn Thị Hiền (Đà Nẵng, 2 lần), Đại tá Nguyễn Hữu Ý (Hải Phòng), Bác sĩ Nguyễn Văn Nhân (Bà Rịa - Vũng Tàu), ông Đồng Khánh Vinh (Bắc Giang), Đại tá Quách Thanh Miện (Ninh Bình), ông Triệu Đức Thanh (Hà Giang), bà H'Ngia (Gia Lai), bà Võ Thị Hảo (Bến Tre), Đại tá Hồ Bé (Tiền Giang), Đại tá Nguyễn Đình Lộc (Hà Tĩnh), Đại tá Nguyễn Văn Hệ (Hà Tĩnh), Đại tá Phan Thanh Long (Quảng Ngãi),; bà Lê Thị Thanh Vân (Bến Tre), bà Võ Thị Đẹp (Tây Ninh), ông Dương Đình Khải (Thanh Hóa), ông Nguyễn Anh Cả (Quảng Nam); Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ Hoàng Đức (Thái Nguyên), bà Trần Liên Kiều (Cần Thơ), ông Nguyễn Minh An (Quảng Ninh), ông Tạ Quang Chính (Ninh Bình), ông Vũ Viết Vân (Đắk Nông), bà Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu), ông Phan Thanh Rạng (Vĩnh Long); ông Võ Văn Long (Phó Chủ tịch Tỉnh hội Vĩnh Long); các cá nhân đã có nhiều đóng góp trong Phong trào Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam: Bác sĩ Nguyễn Ngọc Điểu (Tỉnh hội Vĩnh Long); bà Lê Thị Thanh Thủy (Bà Rịa - Vũng Tàu); bà Trương Thị Nở và Lương y Nguyễn Văn Thiệu (Thái Bình), ông Dương Văn Đê (Ba Vì, Hà Nội), ông Hồ Sĩ Hải, Giám đốc Trung tâm BTXH Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam; Đại đức Thích Thiện Sanh (thế danh Huỳnh Văn Ngọn, Trụ trì Chùa An Phước, Bến Tre).

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng Cờ thi đua cho hai tập thể: Tỉnh hội Đồng Nai, Thành hội Hải Phòng; tặng Bằng khen tập thể cho 6 tập thể: Trung ương Hội (2 lần), Tỉnh hội Vĩnh Phúc, Tỉnh hội Hậu Giang, Tỉnh hội Vĩnh Long, Tỉnh hội Ninh Bình, Tỉnh hội Hậu Giang (2 lần); tặng Bằng khen cho 8 cá nhân: ông Nguyễn Trọng Giao, Chủ tịch Tỉnh hội Hà Nam; ông Đỗ Văn Long, Chủ tịch Tỉnh hội Vĩnh Phúc; ông Phạm Văn Ngôn, Chủ tịch Tỉnh hội Hậu Giang; ông Tạ Quang Chính, Chủ tịch Tỉnh hội Ninh Bình; bà Tạ Thị Thịnh, Đại diện Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm dioxin Cộng hòa Pháp (VNED) tại miền Bắc Việt Nam; bà Trần Thị Hiền, phường An Dương, quận Lê Chân, Tp Hải Phòng; bà Khổng Thị Thúy, Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Phú Quý; bà Trần Thị Oanh Oanh, ở khu phố 5, phường Thới An, quận 12, Tp Hồ Chí Minh

Trung ương Hội tặng 55 Cờ thi đua và hơn 1.000 Bằng khen cho các tập thể, cá nhân của hơn 250 lượt tỉnh, thành hội.

274 tổ chức, cá nhân, trong đó có 57 tổ chức, cá nhân nước ngoài, được Trung ương Hội trao Bằng Tri ân tấm lòng vàng vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Hàng nghìn cá nhân được Trung ương Hội tặng Kỷ niệm chương "Vì nạn nhân chất độc da cam".

Hàng nghìn lượt tập thể, cá nhân được Uỷ ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh, thành phố, huyện, quận tặng Cờ thi đua, Bằng khen, Giấy khen.

Nhân kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, Trung ương Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam đề nghị Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng các phần thưởng cao qúy cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc...

IV. XOA DỊU NỖI ĐAU DA CAM - LƯƠNG TÂM VÀ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI

Hơn nửa thể kỷ qua, nhân dân Việt Nam phải gánh chịu hậu quả thảm khốc của cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ gây ra. Khắc phục hậu quả CĐHH là một vấn đề có ý nghĩa to lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và khoa học. Đó không chỉ là vấn đề đối nội, mà còn là vấn đề đối ngoại tế nhị. Không chỉ xử lý một “món nợ” trong lịch sử quan hệ Việt-Mỹ, mà còn tạo ra một nhân tố tích cực cho sự phát triển quan hệ hai nước. Không chỉ giải quyết hậu quả chiến tranh hóa học, mà còn góp phần ngăn chặn nguy cơ xảy ra chiến tranh hóa học, bảo vệ hòa bình thế giới.

Nỗi đau da cam không là nỗi đau của riêng ai. Đó là nỗi đau của cả dân tộc, của nhân loại tiến bộ. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam không chỉ là vấn đề từ thiện, nhân đạo, mà trước hết là hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” đối với những người có công với nước, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, nêu cao truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc, là lương tâm và trách nhiệm của mỗi người Việt Nam; không chỉ góp phần vào phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, mà còn đóng góp vào sự ổn định chính trị, tạo đồng thuận xã hội, tăng cường “thế trận lòng dân”, nâng cao sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Ngày 18/12/2009 Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X ra Thông báo số 292-TB/TW, nêu rõ:“Việc giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC là vấn đề vừa lâu dài, vừa quan trọng và cấp bách hiện nay. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và có những biện pháp tiến hành cụ thể để giải quyết tốt nhiệm vụ này”.

Ngày 14-5-2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI ban hành Chỉ thị số 43-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Chỉ thị nêu rõ: “Công tác khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của mỗi cấp ủy đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị…” và “Các cấp ủy đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam các cấp đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.

Thông báo số 292-TB/TW và Chỉ thị số 43-CT/TW là những văn bản rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với NNCĐDC và đề ra phương hướng, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam trong công cuộc khắc phục hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Chuyển biến rõ nét sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW là, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã nhận thức sâu sắc, quan tâm hơn đến việc giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC. Chính phủ, các bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã kịp thời cụ thể hóa thành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chỉ thị. Công tác quản lý nhà nước được tăng cường, hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo được ban hành kịp thời, tương đối đồng bộ, tạo hành lang pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức thực hiện. Nhiều chế độ, chính sách đối với nạn nhân và con đẻ của nạn nhân bị di chứng CĐDC được bổ sung, sửa đổi kịp thời.

Thông qua thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW, công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh, qua đó, các tầng lớp nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức và bạn bè quốc tế… hiểu rõ hơn thảm họa da cam/dioxin do Mỹ gây ra ở Việt Nam. Cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam được thực hiện kiên trì, kiên quyết với những hình thức và bước đi phù hợp với đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, Nhà nước; phối hợp hành động giữa đấu tranh tại Tòa và vận động, đấu tranh ngoài Tòa. Cấp ủy, chính quyền và Hội NNCĐDC/dioxin các cấp đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả vận động các nguồn lực giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC.

Phát huy tinh thần “Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam”, các cấp Hội đặt lên hàng đầu công tác vận động nguồn lực xã hội, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân, coi đó là thước đo chủ yếu đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội. Các cấp hội đã vận động quỹ (gồm tiền và vật chất) tổng trị giá hàng nghìn tỷ đồng, sử dụng hiệu quả để đầu tư xây dựng các trung tâm nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, dạy nghề; hỗ trợ vốn sản xuất, xây nhà tình nghĩa, sửa chữa nhà, tặng xe lăn; khám, chữa bệnh, thăm hỏi, tặng quà NNCĐDC. Hiện nay, VAVA đang thực hiện 25 dự án ở trong nước và với bạn bè quốc tế để giúp đỡ NNCĐDC.

Phong trào “Hành động vì NNCĐDC Việt Nam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động ngày 10/6/2011 tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội trong nước, quốc tế chung tay chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và xoa dịu nỗi đau da cam. Nhờ các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự chung tay góp sức của cộng đồng, đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho nhiều nạn nhân và gia đình có thêm động lực phấn đấu vượt qua khó khăn, bệnh tật, ổn định cuộc sống, hòa nhập xã hội.

V. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG, XÂY DỰNG TỔ CHỨC HỘI VỮNG MẠNH, HOÀN THÀNH XUẤT SẮC NHIỆM VỤ TRONG GIAI ĐOẠN MỚI

Nhiệm vụ chính trị trước mắt và lâu dài của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam rất vẻ vang, nhưng cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Những năm gần đây, Nhà nước đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế, điều chỉnh, tổ chức lại hội quần chúng; các cấp hội còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí và cơ sở vật chất cho hoạt động. Đời sống, sức khỏe, hoàn cảnh gia đình của hầu hết NNCĐDC còn rất nhiều khó khăn. Tình hình kinh tế-xã hội của đất nước cơ bản ổn định và có bước phát triển, nhưng trong năm 2020 bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19.

Cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC là một hành trình lâu dài, nhiều gian khó, cần tiếp tục kiên trì thực hiện bằng nhiều hình thức, phương pháp phù hợp với đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Thực tế trên đòi hỏi bản lĩnh, tinh thần năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ hội các cấp, nhằm thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị của Hội là chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân và đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC Việt Nam.

Phát huy truyền thống, thành tích đạt được, thời gian tới, các cấp Hội cần tiếp tục quan tâm củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, làm tốt công tác tham mưu, tư vấn, phản biện xã hội, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới:

1. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, gắn với đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tổng kết Phong trào thi đua giai đoạn 2015-2020, phát động phong trào thi đua giai đoạn 2020-2025.

2. Phối hợp tham mưu, nghiên cứu đề xuất hoàn thiện chính sách đối với nạn nhân CĐDC/dioxin; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nạn nhân CĐDC; tích cực thực hiện hiệu quả các hoạt động đối ngoại, khoa học…

3. Quan tâm củng cố, kiện toàn, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao, theo tinh thần Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

4. Tiếp tục cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam phù hợp với đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước, tạo sức lan tỏa ở trong và ngoài nước, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong cuộc đấu tranh đòi công lý cho cho NNCĐDC Việt Nam.

5. Đẩy mạnh xã hội hóa, vận động nguồn lực trong nước và quốc tế khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả Phong trào “Hành động vì NNCĐDC”, Phong trào thi đua “Vì NNCĐDC”; tôn vinh, biểu dương những tấm gương nạn nhân vượt khó vươn lên, các thân nhân tiêu biểu trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân; các tập thể, cá nhân có thành tích ủng hộ, giúp đỡ NNCĐDC và cán bộ hội tiêu biểu trong phong trào thi đua “Vì NNCĐDC”.

VI. TỔ CHỨC KỶ NIỆM 60 NĂM THẢM HỌA DA CAM Ở VIỆT NAM TRANG TRỌNG, THIẾT THỰC, HIỆU QUẢ

Kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam, các cấp hội chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, quan điểm, đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; về kết quả thực hiện chế độ chính sách của Nhà nước đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐHH, gắn với sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam.

Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền đối ngoại để bạn bè quốc tế, trong đó có Chính phủ và nhân dân Mỹ thấy rõ hậu quả nặng nề của CĐHH do Quân đội Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam; từ đó quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ về tinh thần và vật chất trong khắc phục hậu quả về môi trường và sức khỏe con người ở Việt Nam, về hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Vì NNCĐDC”; chú trọng tôn vinh, biểu dương những tấm gương hội viên tiêu biểu, gương nạn nhân vượt khó vươn lên; những người mẹ, người vợ tiêu biểu trong chăm sóc nạn nhân; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm…đã quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân và có nhiều đóng góp cho công tác xây dựng Hội.

Trong dịp kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam, các cấp hội phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, tổ chức chính trị- xã hội cùng cấp tổ chức thăm hỏi, tặng quà nạn nhân; chú trọng quan tâm chăm lo tới nạn nhân nặng, gia đình có nhiều nạn nhân và nạn nhân không có nơi nương tựa…. Tích cực vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ quỹ, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, nhà đồng đội… giúp đỡ nạn nhân và gia đình nạn nhân gặp khó khăn, hoạn nạn…

Tổ chức Hội thường xuyên bám sát sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức hội các cấp; trên cơ sở đó đề xuất các biện pháp xây dựng tổ chức hội theo đúng nội dung Thông báo kết luận số 158-TB/KL ngày 2/01/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 102 của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội quần chúng, tạo thuận lợi để Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao trong tình hình mới.

Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 60 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể; là một trong những trọng tâm công tác hội năm 2021; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về vấn đề da cam, để tăng cường vận động nguồn lực xã hội chăm sóc, giúp đỡ NNCĐDC. Đây cũng là dịp để các cấp hội thể hiện năng lực làm tham mưu và chủ trì, phối hợp tổ chức các hoạt động liên ngành, qua đó khẳng định và nâng cao vị thế, uy tín của tổ chức hội.

VII. KHẨU HIỆU

1. Nhiệt liệt hưởng ứng Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”

2. Tích cực tham gia hoạt động kỷ niệm 60 năm Thảm hoạ da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021)

3. Nỗi đau da cam - Nỗi đau dân tộc, nỗi đau nhân loại!

4. Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam!

5. Ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam!

6. Đoàn kết - Nghĩa tình - Trách nhiệm - Vì nạn nhân chất độc da cam!

([1]) Chuyến bay đầu tiên phun rải chất độc hóa học dọc theo quốc lộ 14 từ thị xã Kom Tum lên Đắk Tô do máy bay trực thăng H34 thực hiện ngày 10/8/1961.

([2]) Ngoài chất da cam (Agent Orange), Mỹ còn sử dụng chất trắng (Agent White), chất xanh (Agent Blue), chất tím (Agent Purple), chất hồng (Agent Pink), chất xanh mạ (Agent Green), chất CS, chất Malation và nhiều chất khác nữa.

([3]) Người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin là người tiếp xúc và bị chất độc này xâm nhập vào trong cơ thể; có thể bị phơi nhiễm do phun rải trực tiếp trong thời kỳ chiến tranh, hoặc ở vùng có tồn lưu dioxin cao trong môi trường do bị lan tỏa, ô nhiễm tại các điểm tập kết, lưu trữ chất độc hóa học.

([4])NNCĐDC là những người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, bị bệnh tật, suy giảm khả năng lao động, hoặc vô sinh, hoặc có con cháu dị dạng, dị tật và con, cháu, chắt của họ chịu hậu quả sinh học của sự phơi nhiễm đó, bị suy giảm khả năng lao động, dị dạng, dị tật.

([5]) Tên giao dịch quốc tế của Hội là: “Vietnam Association for Victims of Agent Orange/Dioxin”, viết tắt là VAVA.

 

 

.
.
.