Để gia đình là tổ ấm trong thời dịch bệnh
Hạnh phúc không bắt nguồn từ những điều to lớn mà ở ngay sự sẻ chia, vun vén nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày. Để ngôi nhà trở thành tổ ấm, điều chắc chắn là các thành viên trong gia đình cần chủ động chia sẻ với nhau mọi vấn đề trong cuộc sống và cùng vun vén, có trách nhiệm xây dựng hạnh phúc. Quan trọng hơn cả là người phụ nữ cần tự nhận thức được vai trò và đóng góp của mình để lôi cuốn gia đình, cộng đồng cùng thay đổi cách nhìn cũng như hành động trong xây dựng nền nếp gia đình.
Việc người chồng cùng tham gia làm việc nhà với vợ không chỉ giải phóng sức lao động cho phụ nữ mà còn là cách thắt chặt thêm mối quan hệ vợ chồng, thể hiện trách nhiệm của người chồng với gánh nặng mà người phụ nữ đang mang trên vai.
Dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng nhiều gia đình đã có cơ hội gần gũi nhau hơn (ảnh chụp trước khi dịch bùng phát). Ảnh: P.M |
Hơn một năm qua, tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã có những tác động đến hoạt động thường nhật, thói quen sinh hoạt của hàng triệu gia đình. Nhiều người phải điều chỉnh các hoạt động của bản thân, gia đình để “thích ứng” với điều kiện sinh hoạt và làm việc trong mùa dịch bệnh. Song ở một góc nhìn khác, dịch Covid-19 cũng mang đến cơ hội để mọi người “sống chậm” lại và thêm gắn kết nhiều hơn với gia đình của mình. Nhiều gia đình đã từng có khá nhiều xáo trộn khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, nhất là trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Mọi hoạt động làm việc và học tập đều chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Thời gian đầu, các thành viên trong gia đình đều có cảm giác khác lạ nhưng rồi niềm vui, tình cảm gia đình đã trở nên khăng khít khi mọi người được ở bên nhau nhiều hơn, cùng nhau nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa… Thực hiện khuyến cáo hạn chế ra ngoài để tránh nguy cơ dịch bệnh, các thành viên gia đình tranh thủ hướng dẫn con chăm sóc hoa, trồng rau xung quanh nhà… Nhờ đó, các con cũng có thêm hiểu biết và được trang bị những kỹ năng bổ ích.
Dịch bệnh Covid-19 đã cho nhiều người cơ hội để “sống chậm” và gắn bó nhiều hơn với cha mẹ, ở cùng cha mẹ, bên nhau cùng gia đình, người thân, để cảm nhận rõ hơn ý nghĩa của cuộc sống gia đình. Dành thời gian ở bên gia đình, nhiều người đã nhận ra cuộc sống không chỉ có công việc, cha mẹ không chỉ cần tiền mà quan trọng hơn đó là sự quan tâm, tình cảm của các con đối với những bậc sinh thành, nhất là khi họ đã ở tuổi xế chiều.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các trường học đều cho học sinh nghỉ học hoặc thực hiện học trực tuyến tại nhà. Nhiều cơ quan, công ty cũng tổ chức cho cán bộ, nhân viên làm việc trực tuyến tại nhà. Khách quan nhìn nhận, để thích ứng với dịch bệnh Covid-19, làm việc ở nhà có thể khiến nhiều người cảm giác bận hơn nhiều so với làm việc tại cơ quan, bởi vừa phải tập trung vào công việc, vừa lo hướng dẫn con cái học hành, làm công việc nhà, nấu nướng, quét dọn nhà cửa...
Tuy nhiên, chính khoảng thời gian này đã giúp các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau nhiều hơn, con cái hiểu thêm về công việc của cha mẹ; cha mẹ quan tâm, gần gũi con hơn; vợ chồng đặt mình vào địa vị của nhau và thông cảm, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Mỗi người dường như có trách nhiệm hơn với tổ ấm của mình.
Dù muốn hay không, chúng ta vẫn phải thừa nhận một thực tế đó là dịch Covid-19 đã gây ra những xáo trộn không nhỏ trong đời sống xã hội, làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người, nhiều gia đình. Việc phòng, chống, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 là trách nhiệm chung của mọi người, của toàn xã hội. Song ở góc nhìn khác, dịch bệnh cũng là cơ hội để nhiều người tìm về với giá trị gia đình, sưởi ấm tình cảm gia đình thiêng liêng và có thời gian gần gũi với cha mẹ, con cái... Những việc vốn bình dị nhưng trong ngày thường bận rộn, không phải ai cũng có thể làm được.
Vì vậy, chính trong dịch bệnh Covid-19, khi có nhiều thời gian dành cho gia đình thì mỗi chúng ta như có thêm cơ hội để tự nhìn nhận lại bản thân, thêm trân trọng những giá trị cốt lõi của cuộc sống, cùng sẻ chia yêu thương và gắn bó nhiều hơn với gia đình để ngôi nhà thật sự trở thành tổ ấm.
TƯỜNG LAM