.
KỶ NIỆM 60 NĂM THẢM HOẠ DA CAM Ở VIỆT NAM (10-8-1961 - 10-8-2021)

Thảm họa da cam - nỗi đau còn mãi

Cập nhật: 15:03, 09/08/2021 (GMT+7)

(ABO) Chiến tranh đã lùi xa nhưng “nỗi đau da cam” vẫn dai dẳng, nhức nhối. Hàng trăm ngàn nạn nhân đã chết, hàng triệu người bị mắc các bệnh hiểm nghèo, bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật, trong đó có cả thế hệ thứ 3 và thứ 4. Nhiều phụ nữ không có được thiên chức làm mẹ, làm vợ... Đó là nỗi đau chung của dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ.

Máy bay Mỹ rải chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam.
Máy bay Mỹ rải chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh Việt Nam.

LỊCH SỬ VÀ HẬU QUẢ KINH HOÀNG

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân đội Mỹ đã không chỉ dùng các loại vũ khí tối tân mà còn dùng cả chất độc hóa học hủy diệt quân và dân ta, việc làm này đã để lại hậu quả hết sức nặng nề. Ngày 10-8-1961, chiếc máy bay trực thăng H34 của không lực Hoa Kỳ thực hiện chuyến bay rải chất hóa học đầu tiên dọc theo Quốc lộ 14 từ Kon Tum lên Đắc Tô.

Suốt trong 10 năm từ (1961-1971), quân đội Mỹ đã rải xuống nước ta hơn 80 triệu lít chất độc hóa học, phần lớn là chất độc da cam, trong đó có khoảng 366 kg dioxin. Dioxin là chất hữu cơ cực độc, không tan trong nước và rất khó phân hủy trong môi trường tự nhiên. Cho đến nay, ước tính có khoảng 28 địa điểm vẫn còn khả năng nhiễm dioxin, gây nguy hại đến nguồn cung cấp thực phẩm của Việt Nam và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Hai bé gái đang đi qua khu rừng đước bị chất độc da cam hủy hoại.
Hai bé gái đang đi qua khu rừng đước bị chất độc da cam/dioxin hủy hoại.

Tổ chức Y tế thế giới đã phân loại dioxin là một chất gây ung thư ở người, có thể phá hỏng các hệ thống như nội tiết, miễn dịch và thần kinh trong cơ thể. Chỉ cần một liều lượng nhỏ 80g dioxin cho vào hệ thống cấp nước là đủ để tiêu diệt toàn bộ dân số một thành phố lớn khoảng 6 đến 7 triệu dân. Nhiều công trình nghiên cứu trên động vật và trên người đã khẳng định dioxin gây nên nhiều bệnh tật nguy hiểm như: ung thư, thần kinh, u não, dị tật bẩm sinh, các bệnh do rối loạn chuyển hóa, các bệnh do rối loạn sinh sản ở nữ giới như thai chết lưu, đẻ non, sảy thai…

“NNCĐDC là những người nghèo nhất trong những người nghèo, những người đau khổ nhất trong những người đau khổ. Đến với NNCĐDC là đến với nỗi đau khổ tột cùng của con người…” - Cố Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Chủ tịch Hội NNCĐDC Việt Nam.

Bộ Y tế nước ta đã xác định 17 loại bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ước tính có tới 3 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng về sức khỏe do phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin, trong số đó, ít nhất có 150 ngàn trẻ em bị khuyết tật bẩm sinh và ít nhất có 1 triệu người đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ chất độc da cam.

Nạn nhân chất độc da cam.
Một trong những rất nhiều nạn nhân chất độc da cam.

Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), có hơn 4,8 triệu người Việt Nam đã tiếp xúc với chất độc da cam trong chiến tranh và hơn 3 triệu người đã nhiễm loại chất hóa học chết người này. Tác động lâu dài của chất độc da cam không chỉ dừng lại ở 4,8 triệu người mà có thể còn nhiều hơn nữa.

Dù chiến tranh qua đi nhưng hàng triệu người Việt Nam và những thế hệ sau vẫn đang phải gánh chịu hậu quả của chất độc da cam. Hình ảnh những trẻ em dị tật, bị mù, câm, điếc, tâm thần hoặc có hình hài dị dạng tại các vùng bị nhiễm chất độc da cam và trong các gia đình cựu chiến binh đang trở thành nỗi đau và gánh nặng to lớn.

KHẮC PHỤC HẬU QUẢ - HƯỚNG TỚI TƯƠNG LAI

Khi chiến tranh còn đang diễn ra và ngay sau khi kết thúc, Đảng, Nhà nước, Quân đội và các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương đã dự báo được nguy cơ, hậu quả của chất độc hóa học do quân đội Mỹ cùng đồng minh gây ra đối với môi trường, con người và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Một số tổ chức, đơn vị đã được thành lập, bổ sung thêm nhiệm vụ để tiến hành đánh giá, xây dựng kế hoạch, tổ chức xử lý, khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin, thể hiện rõ quyết tâm, sự chủ động, tích cực của Việt Nam nhằm khắc phục hậu quả, hướng tới tương lai.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm hỏi và tặng quà NNCĐDC tỉnh Tiền Giang vào dịp Tết Nguyên đán năm 2019. Ảnh: Thu Hoài
Nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm hỏi và tặng quà NNCĐDC tỉnh Tiền Giang vào dịp Tết Nguyên đán năm 2019. Ảnh: Thu Hoài

Ngày 10-1-2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (viết tắt là NNCĐDC) Việt Nam chính thức được thành lập nhằm giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi cho những NNCĐDC, góp phần khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Ngày 25-6-2004, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quyết định lấy ngày 10-8 hằng năm là Ngày “Vì NNCĐDC Việt Nam”.

Với những nỗ lực không ngừng của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ ngành Trung ương và địa phương cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, các tổ chức, cộng đồng quốc tế, nhiều hoạt động điều tra, xử lý, khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin đối với môi trường cũng như con người ở Việt Nam đã và đang được tiến hành.

Một gia đình ở ấp Long Bình A, xã Long Hưng, huyện Châu Thành có 3 người con trai bị di chứng của chất độc da cam. Ảnh: Duy Sơn
Một gia đình ở ấp Long Bình A, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang có 3 người con trai đều bị di chứng của chất độc da cam. Ảnh: Duy Sơn

Hiện toàn quốc có hơn 320.000 người tham gia kháng chiến và con của họ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Các hộ gia đình có người khuyết tật, trong đó có hộ gia đình NNCĐDC được hưởng bảo hiểm y tế hoặc khám, chữa bệnh miễn phí. Hàng trăm ngàn lượt người khuyết tật nặng, trong đó có NNCĐDC được chỉnh hình, phục hồi chức năng; hàng chục ngàn trẻ em tàn tật, trong đó có trẻ em bị hậu quả gián tiếp của chất độc da cam được đi học trong các trường hòa nhập và chuyên biệt.

Hằng năm, Nhà nước ta đã dành khoản ngân sách hơn 10 ngàn tỷ đồng để trợ cấp hằng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho NNCĐDC, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc hóa học. Đặc biệt, Trung ương Hội NNCĐDC Việt Nam và các cấp Hội trong cả nước đã vận động, huy động các nguồn lực để giúp đỡ các NNCĐDC và gia đình nạn nhân, bao gồm xây dựng các cơ sở bán trú, xây dựng nhà tình nghĩa, trợ cấp học bổng, trợ cấp khó khăn, lễ, tết, khám, chữa bệnh, vốn sản xuất...

Kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam, 17 năm Ngày “Vì NNCĐDC Việt Nam” đã thực sự trở thành những ngày hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, ngày hội “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”. Tinh thần ấy cần được cổ vũ, lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân, khơi dậy lương tâm và trách nhiệm của mỗi người đối với NNCĐDC, tiếp thêm cho họ niềm tin và tình yêu cuộc sống, khát vọng và ý chí vươn lên hòa nhập cộng đồng.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

.
.
.