Thứ Hai, 23/08/2021, 09:44 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Tăng cường phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em

Trong thời gian qua, tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trên địa bàn tỉnh Tiền Giang có dấu hiệu gia tăng. Tính chất vụ việc phức tạp và nghiêm trọng, bởi đối tượng xâm hại tình dục trẻ em đa phần là những người quen của trẻ, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

THỰC TRẠNG

Theo số liệu của cơ quan điều tra Công an tỉnh Tiền Giang và các huyện, thành phố, thị xã, từ năm 2015 đến năm 2019 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xảy ra 201 trẻ bị xâm hại; cụ thể, bạo lực trẻ em: 10 em; các hình thức gây tổn hại khác cho trẻ em: 10 em; xâm hại tình dục trẻ em: 181 em (51 vụ hiếp dâm trẻ em, 115 vụ giao cấu trẻ em, 13 vụ dâm ô trẻ em, 2 vụ cưỡng dâm trẻ em). Riêng năm 2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 trẻ em bị xâm hại tình dục.

Theo nhận định của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang, thực tế, số liệu trẻ em bị xâm hại, bạo lực nêu trên có thể chỉ là bề nổi. Với nhiều lý do tác động về văn hóa, lối sống và nhận thức về vấn đề xâm hại trẻ em, hoặc bị mua chuộc, bị đe dọa dẫn đến người thân, gia đình trẻ không tố giác đối tượng xâm hại, nhiều vụ việc xảy ra trong một thời gian dài mới phát hiện.

Trẻ em cần được quan tâm, chăm lo, bảo vệ tiến đến chấm dứt bạo lực (ảnh chụp khi dịch Covid-19 chưa bùng phát).
Trẻ em cần được quan tâm, chăm lo, bảo vệ tiến đến chấm dứt bạo lực (ảnh chụp khi dịch Covid-19 chưa bùng phát).

Nguyên nhân chính của các vụ bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em ngày càng nghiêm trọng, phức tạp là do nhận thức của người dân về chấp hành pháp luật còn hạn chế. Về mặt khách quan, sự tác động từ các phương tiện truyền thông khiến việc tiếp xúc với những trang mạng khiêu dâm, tệ nạn ma túy ngày càng khó kiểm soát, bạo lực dễ dàng, việc kinh doanh phòng trọ, nhà nghỉ, quán cà phê, karaoke biến tướng... tạo điều kiện cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội.

Sự biến chất về lối sống của một bộ phận người lớn đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách trẻ em, làm gia tăng tội phạm, trong đó có tội phạm xâm hại trẻ em. Vai trò, trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em của gia đình, nhà trường và cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức nên thiếu sự phối hợp, hỗ trợ hiệu quả trong việc quản lý, giáo dục và giúp đỡ trẻ em. Nhiều cha mẹ ít dành thời gian chăm sóc, giáo dục con cái, đặc biệt ở các vùng nông thôn.

Hậu quả của hành vi xâm hại trẻ em thường làm cho trẻ cảm thấy tội lỗi, hổ thẹn, mất lòng tin, suy nghĩ lệch lạc...; đồng thời, là nỗi ám ảnh, đeo đuổi trẻ lâu dài, khó lấy lại sự cân bằng tâm lý và cuộc sống của trẻ.

CHỦ ĐỘNG BẢO VỆ TRẺ

UBND tỉnh Tiền Giang đã xây dựng Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2025. Kế hoạch này hướng đến mục tiêu tăng cường vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng, chống bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em. Nâng cao ý thức thực thi pháp luật của cộng đồng đối với công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em; tăng cường trang bị kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ, đặc biệt là trẻ ở độ tuổi từ 5 đến dưới 16 tuổi.

Phát huy vai trò chủ động của trẻ trong ứng phó với các nguy cơ bị xâm hại, kỹ năng tự bảo vệ mình và tham gia giải quyết có hiệu quả một số vấn đề xã hội liên quan đến trẻ em. Thúc đẩy hoàn thiện hệ thống bảo vệ trẻ em thông qua tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục và tư pháp, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực xâm hại quyền, lợi ích của trẻ em. Thực hiện đầy đủ hơn về quyền trẻ em, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em. 

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, Tiền Giang sẽ tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và vận động xã hội về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em. Trong đó, vận động gia đình, nhà trường và xã hội thay đổi nhận thức, tuân thủ các chuẩn mực xã hội, thay đổi tập quán ứng xử với trẻ em thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và truyền thông xã hội nhằm nâng cao hiểu biết về nguyên nhân, tác hại và nhận diện các đối tượng, hành vi xâm hại trẻ em, phổ biến các quy định về bảo vệ trẻ em theo Luật Trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và các văn bản pháp luật có liên quan.

Hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, kỹ năng làm cha mẹ nhằm cải thiện giao tiếp giữa cha mẹ, người chăm sóc trẻ với trẻ em, thay đổi thái độ, hành vi, quan niệm trong việc bảo vệ trẻ em.

Cùng với truyền thông là các hoạt động phòng ngừa bạo lực học đường; hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục trong các cơ sở giáo dục. Cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực của cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em. Tiếp nhận khám, chữa bệnh, phòng ngừa và hỗ trợ, can thiệp của ngành Y tế đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục. Tăng cường công tác điều tra thân thiện đối với trẻ em.

Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành và hình thành mạng lưới xã hội về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em giữa các cơ quan, tổ chức liên quan, có sự tham gia của nhân viên bưu điện, bưu tá xã và các đoàn viên, hội viên của các đoàn thể và các tổ chức xã hội. Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ trẻ em; giám sát việc thực thi pháp luật về quyền trẻ em.

Mục tiêu của Tiền Giang là phấn đấu 100% gia đình có trẻ em được cung cấp kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em bằng các hình thức khác nhau; 100% học sinh được hướng dẫn, giáo dục kiến thức, kỹ năng sống và kỹ năng tự bảo vệ trước các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục với nội dung phù hợp lứa tuổi; 100% cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em các cấp, cộng tác viên, tình nguyện viên được nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em; 100% cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức, năng lực, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm về phòng ngừa bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em đến toàn thể cán bộ quản lý, thầy cô giáo, nhân viên trong cơ sở giáo dục và người học.

Thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp kịp thời khi phát hiện trẻ em bị bạo lực học đường, bị xâm hại tình dục; 100% cơ sở y tế cấp xã, cấp huyện được tăng cường năng lực y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em…

MAI HÀ

.
.
Liên kết hữu ích
.