Thứ Sáu, 24/09/2021, 18:00 (GMT+7)
.

Bạo lực gia đình không là chuyện của riêng ai

Theo thống kê của các ngành chức năng, những năm qua, tại Tiền Giang, tuy số vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) giảm nhưng mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng. BLGĐ không còn là chuyện riêng của mỗi gia đình mà trở thành vấn đề quan tâm chung của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp làm gia tăng áp lực trong cuộc sống của mỗi người.

Do đó, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác Hội và phong trào phụ nữ. Những năm qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trong tỉnh Tiền Giang luôn quan tâm triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống BLGĐ hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện.

MỨC ĐỘ BẠO LỰC NGÀY CÀNG TĂNG

Tại Tiền Giang, theo báo cáo kết quả 10 năm (2008 - 2018) thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ của Hội LHPN tỉnh Tiền Giang, toàn tỉnh ghi nhận 3.840 vụ BLGĐ được góp ý tại cộng đồng dân cư và ổn định sau góp ý là 2.993 vụ. Có 2.834 vụ BLGĐ được hòa giải tại cơ sở; số nạn nhân BLGĐ được tư vấn, giúp đỡ là 1.843 nạn nhân, được đưa đến cơ sở hỗ trợ là 543 người. Có 1 vụ BLGĐ phải áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc; xử phạt vi phạm hành chính 219 vụ.

Ngày hội  Gia đình  tiêu biểu  các tỉnh,  thành phố Tây Nam bộ năm 2020 được tổ chức tại Tiền Giang.
Ngày hội Gia đình tiêu biểu các tỉnh, thành phố Tây Nam bộ năm 2020 được tổ chức tại Tiền Giang.

Trong 3 năm (2018 - 2020), thì có 2 năm ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cấp Hội LHPN đã tìm hiểu hoàn cảnh, nắm bắt sự việc, tư vấn, giúp đỡ 495 vụ hôn nhân gia đình và BLGĐ có chuyển biến tốt; kịp thời phát hiện, hỗ trợ, can thiệp, đề nghị ngành chức năng giải quyết trên 54 vụ việc xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Theo Hội LHPN tỉnh Tiền Giang, những vụ bạo lực với tính chất rất nghiêm trọng xảy ra một phần do nhận thức pháp luật, trong đó có pháp luật về BLGĐ còn hạn chế, một phần lớn là do những người trong cuộc sa vào tệ nạn xã hội như nghiện ma túy, nghiện rượu, ngoại tình...

Những vụ việc BLGĐ với tính chất nghiêm trọng để lại hậu quả vô cùng nặng nề và lâu dài, như: Cha mẹ ly dị, con cái lớn lên trong sự bơ vơ, thiếu vắng cha mẹ; hoặc nạn nhân phải sống với thương tích do những vụ bạo lực gây ra suốt cả phần đời còn lại...

Trước đây, người phụ nữ vẫn còn tư tưởng “xấu chàng hổ ai” nên không dám nói ra những vấn đề của nhà mình, chấp nhận bị bạo lực và bạo lực diễn ra âm thầm, ít có sự lên tiếng từ người trong cuộc. Hiện nay, nhận thức của phụ nữ từ thành thị tới nông thôn ngày càng nâng cao, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các phương tiện truyền thông lên tiếng nên những vụ BLGĐ không còn là chuyện riêng của mỗi gia đình, mỗi cá nhân, thậm chí có những vụ việc đã bị cả xã hội lên án, qua đó góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em.

CẦN SỰ CHỦ ĐỘNG CỦA MỖI CÁ NHÂN

Hằng năm, Hội LHPN tỉnh Tiền Giang đều chủ động phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động giúp hội viên, phụ nữ hiểu được giá trị của hạnh phúc gia đình. Trong đó, đáng chú ý là các hội thi tuyên truyền viên giỏi liên quan đến Đề án “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững”; Ngày hội Gia đình, hội nghị giao lưu, biểu dương gia đình hạnh phúc tiêu biểu, người con hiếu thảo, tôn vinh mẹ, vợ liệt sĩ tiêu biểu; hội thi nấu ăn; nói chuyện chuyên đề về bữa cơm gia đình...

Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh cũng thiết kế, in ấn các tài liệu truyền thông liên quan đến lĩnh vực gia đình; phòng, chống BLGĐ như: Sổ tay Phụ nữ Tiền Giang thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; cẩm nang kiến thức và kỹ năng cha mẹ bảo vệ an toàn cho con; hỏi đáp pháp luật về phòng, chống BLGĐ...

Bên cạnh các hoạt động cấp tỉnh, để tạo điều kiện cho cán bộ Hội các cấp, nhất là ở cơ sở và hội viên nòng cốt được tiếp cận với các kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc, Hội LHPN cấp huyện và cơ sở đã chủ động tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về hôn nhân - gia đình; chăm sóc sức khỏe sinh sản; những điều cần biết trước khi kết hôn; Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân gia đình và các văn bản hướng dẫn có liên quan…

Ngoài ra, công tác gia đình cũng được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang tăng cường thực hiện với những hoạt động thiết thực, việc tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ được thực hiện thường xuyên. Kết quả đạt được cho thấy, số vụ BLGĐ tại các địa phương đã từng bước giảm, người dân có quan điểm, cách nhìn khác hơn về BLGĐ.

Theo lãnh đạo của các ngành, đoàn thể để có một gia đình hạnh phúc, đẩy lùi bạo lực, ngoài sự can thiệp, hỗ trợ của các cấp, các ngành, thì điều quan trọng là cần có sự chủ động từ mỗi cá nhân trong gia đình. Người đàn ông cần nâng cao trách nhiệm làm chủ gia đình, trách nhiệm của người chồng, người cha. Trên thực tế, phần lớn những vụ BLGĐ nghiêm trọng xảy ra thường do người chồng mắc vào các tệ nạn xã hội. Vì vậy, việc người đàn ông phải có ý thức tránh xa các tệ nạn xã hội là điều vô cùng quan trọng trong hành trình “đàn ông xây nhà” của mình.

Là một trong những hội viên phụ nữ nòng cốt, cô N.T.N. (xã Tân Hòa Thành, huyện Tân Phước) cho biết, nhờ tham gia các hoạt động của Hội LHPN mà cô có thêm kiến thức, kỹ năng để xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc. Theo cô N., trong mối quan hệ vợ chồng, cả hai phải luôn tôn trọng, bình đẳng ở mọi vấn đề. Với con cái, vợ chồng cô N. luôn đóng vai trò đồng hành, định hướng để các con tự lựa chọn con đường đi của mình... Nhờ vậy, hơn 20 năm hôn nhân, thành quả mà cô N. nhận được là một gia đình hạnh phúc với các thành viên luôn biết yêu thương, chia sẻ, các con ngoan ngoãn, học giỏi và tự lập.

LÊ PHƯƠNG

 

.
.
Liên kết hữu ích
.