Quyết tâm bảo vệ vững chắc "thành trì" chống dịch
Chúng tôi bước vào đợt dịch này với tâm thế không chủ quan, nhưng cũng hết sức bình tĩnh vì cả 3 đợt dịch trước, tỉnh Tiền Giang được xem là “vùng xanh an toàn” do chưa có ca nhiễm Covid-19 lây lan trong cộng đồng.
LẬP BÀN THỜ VIẾNG MẸ TẠI ĐƠN VỊ
Sáng ngày 3-5-2021, trong buổi chủ trì chào cờ đầu tháng, Thủ trưởng đơn vị đã chỉ đạo Đội Tham mưu soạn thảo gấp văn bản thông báo cán bộ, chiến sĩ thường trực tại đơn vị 100% để chủ động hơn và đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Cũng như những lần bùng phát dịch bệnh trước, từ lãnh đạo, chỉ huy đến cán bộ, chiến sĩ đơn vị đều lạc quan, động viên nhau chắc chỉ trực vài tuần rồi dịch sẽ ổn, chúng ta lại được về thăm gia đình.
Lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ Trại giam Phước Hòa viếng thân nhân cán bộ, chiến sĩ mất (tại bàn thờ vọng). |
Thế rồi 1 tuần, 2 tuần trôi qua, không khí đơn vị bắt đầu trầm lắng. Lúc đầu tỉnh Tiền Giang chỉ xuất hiện vài ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, sau đó xuất hiện các ổ dịch, cho đến lúc này chúng tôi biết rằng cuộc chiến đã bắt đầu cam go.
Sau 1 tháng, tình hình tư tưởng cán bộ, chiến sĩ đã ổn định và quyết tâm chiến đấu với “giặc dữ” Covid-19. Lúc này, chiếc điện thoại là cầu nối duy nhất giữa cán bộ, chiến sĩ với người thân, gia đình, đặc biệt là các smartphone phát huy hiệu quả hơn bao giờ hết. Các hoạt động giao lưu thể dục thể thao bắt đầu được tổ chức nhằm giúp cho cán bộ, chiến sĩ thư giãn, nâng cao sức khỏe và lấy lại năng lượng tích cực sau những giờ làm việc căng thẳng...
Có những thời điểm đơn vị gặp khó khăn do việc cung ứng thực phẩm ở chợ Mỹ Phước Tây (TX. Cai Lậy) bị phong tỏa (nơi đây là nguồn cung ứng thực phẩm, nhu yếu phẩm chủ yếu cho cán bộ, chiến sĩ và phạm nhân). Trước tình hình trên, Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị đã kịp thời chỉ đạo tăng cường trồng các loại rau màu, chăn nuôi… để đảm bảo tự túc nguồn thực phẩm phục vụ lâu dài cho cán bộ, chiến sĩ và phạm nhân trong thời gian chống dịch.
Ngoài một số trường hợp đặc biệt được Giám thị xem xét giải quyết cho cán bộ, chiến sĩ về gia đình như: Thân nhân đau ốm nặng hoặc mất (sau khi lên đơn vị phải cách ly theo dõi riêng 21 ngày), một số đồng chí khác cũng có hoàn cảnh khó khăn được xem xét, giải quyết nhưng không thể về nhà. Điển hình như trường hợp binh nhất Tạ Phú Thịnh (sinh năm 1995, xã Mỹ Lợi A, huyện Cái Bè) nhập ngũ tháng 3-2021.
Ngày 15-8-2021, Thịnh hay tin cha mẹ ruột bị nhiễm Covid-19 phải điều trị tại bệnh viện, chị ruột thuộc đối tượng F1 đang cách ly tại nhà. Ban Chỉ huy Phân trại gặp gỡ giải thích về tình hình dịch bệnh và động viên Thịnh an tâm công tác.
Đến ngày 21-8-2021, mẹ Thịnh mất. Lãnh đạo cho phép lập bàn thờ vọng tại trụ sở đơn vị để Thịnh tưởng nhớ vong linh mẹ; đồng thời, làm nơi để lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đến phúng viếng và chia buồn.
MỖI CHIẾN SĨ LÀ MỘT CHIẾN BINH DŨNG CẢM
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 5-7-2021, đơn vị đã vận động cán bộ, chiến sĩ tự nguyện đăng ký tham gia tăng cường cho đơn vị bạn. Có gần 50 cán bộ, chiến sĩ hăng hái xung phong tham gia. Trước mắt, đơn vị chọn và phân công 5 cán bộ, chiến sĩ tham gia tăng cường công tác tại Trại tạm giam Chí Hòa (theo số lượng của Cục C10 giao).
Test nhanh SARS-CoV -2 cho phạm nhân chấp hành xong hình phạt tù. |
Không phụ lòng mong mỏi và tin tưởng của lãnh đạo đơn vị, 5 cán bộ, chiến sĩ trên đã nêu cao tinh thần trách nhiệm và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có 2 đồng chí thể hiện được bản lĩnh, ý chí vững vàng và tinh thần vượt khó.
Cụ thể, Trung úy Phùng Văn Âu (sinh năm 1993, cảnh sát Quản giáo Phân trại số 1) được phân công vào làm công tác Quản giáo quản lý buồng giam bên trong Trại tạm giam Chí Hòa. Trong quá trình tiếp xúc, làm việc, Trung úy Âu đã bị nhiễm SARS-CoV-2. Hiện tại, sức khỏe Trung úy Âu đã hồi phục. Trung úy Âu tâm sự, sau khi hết thời gian cách ly, Âu tiếp tục xin nhận nhiệm vụ tăng cường tại Trại tạm giam Chí Hòa cho đến khi nào hết thời gian điều động của cấp trên.
Còn Đại úy Phạm Phi Vũ (sinh năm 1984, cảnh sát Quản giáo Phân trại số 1) được phân công trinh sát Trại tạm giam Chí Hòa. Trước thời gian Đại úy Vũ tham gia tăng cường, cha vợ Đại úy Vũ đã lâm bệnh nặng và sau đó không qua khỏi. Gia đình bên vợ Đại úy Vũ rất đơn chiếc: Mẹ vợ mất cách nay 2 năm, vợ là con lớn trong gia đình nhưng cũng thường xuyên đau yếu.
Mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều do Đại úy Vũ thu xếp. Nhưng mấy tháng qua, do thực hiện nhiệm vụ nên không thể về nhà chăm lo cho gia đình, đến khi hay tin cha vợ mất, Đại úy Vũ càng thêm lo lắng, băn khoăn. Cuối cùng, Đại úy Vũ quyết định xin ý kiến lãnh đạo, chỉ huy cho được về nhà vái lạy từ xa (không tiếp xúc gia đình) rồi sau đó quay về đơn vị tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Với tinh thần trách nhiệm (mặc dù nhiệm vụ tăng cường) nhưng nhận thức và hành động ấy đã làm chúng tôi càng thêm cảm mến và tin tưởng về người cán bộ mà đơn vị đã lựa chọn để thực hiện nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, với phương châm: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”, bằng mệnh lệnh của con tim và trách nhiệm với nhân dân, những đóng góp của tập thể cán bộ, chiến sĩ đơn vị Trại giam Phước Hòa thật bình dị biết bao. Nhưng chính từ những đóng góp bình dị và tinh thần chiến đấu ấy đã tạo thêm động lực, góp thêm sức mạnh cùng với toàn dân, toàn quân quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, giành thắng lợi hoàn toàn trên mặt trận không tiếng súng.
Khi viết bài này, đơn vị chúng tôi đã thường trực 100% quân số hơn 100 ngày qua. Mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị vẫn luôn là một chiến binh dũng cảm, kiên cường cùng nhau đoàn kết bảo vệ vững chắc “thành trì”, quyết tâm không để dịch Covid-19 lây lan trong cán bộ, chiến sĩ và phạm nhân. Từ lãnh đạo, chỉ huy đến từng cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên của đơn vị không còn quan niệm về thời gian bao lâu thì mình sẽ được về thăm gia đình, mà chúng tôi chỉ mong sao đại dịch sớm qua đi, để cuộc sống của người dân trở lại bình thường mới.
CAO THẾ LONG