Mảnh ghép mùa dịch - BÀI CUỐI: Lan tỏa cái đẹp
Mảnh ghép mùa dịch - BÀI 1: Những dòng tin nhắn vội
Mảnh ghép mùa dịch - BÀI 2: "Trận đánh" lớn
Cuộc chiến với dịch Covid-19 vẫn còn rất dài, với nhiều cam go, vất vả. Hàng ngàn người con Việt Nam vẫn phải ngày ngày bước ra mặt trận ấy, bất chấp khó khăn và cả hy sinh.
"Chuyến xe 0 đồng" được cấp tập cải hoán để góp sức phòng, chống dịch. |
Những chuyến xe tình nguyện, lời cảm ơn viết vội hay những bức vẽ ngộ nghĩnh là nghĩa cử đẹp trước biết bao bộn bề lo toan sau những đợt càn quét của SARS-CoV-2.
1. Trong bộn bề những khó khăn, bên cạnh những người trực tiếp tham gia tuyến đầu, bằng nhiều cách thể hiện khác nhau, cái đẹp luôn được lan tỏa. Điều này góp phần cổ vũ, động viên và cả góp sức để sớm đưa quê hương trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Những ngày dịch giã lan tràn vừa qua, Vinh, một bác sĩ trẻ, nhắn với chúng tôi mấy dòng: Tình hình dịch bệnh diễn tiến ngày càng phức tạp, mình không biết nói gì hơn ngoài việc đóng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc chống dịch. Các bạn hoặc gia đình các bạn nếu gặp các vấn đề về sức khỏe cần được tư vấn, hỗ trợ từ xa qua zalo, messenger, di động... xin cứ tự nhiên liên hệ với mình qua số điện thoại 0918… Đừng e ngại nhé các bạn!.
Vậy là, trải dài nhiều tháng trong mùa dịch vừa qua, Vinh trở thành cầu nối tư vấn cho rất nhiều gia đình, đặc biệt có rất nhiều gia đình có F0 được Bác sĩ Vinh tư vấn, hỗ trợ và vượt qua khó khăn.
Mới đây, khi dịch diễn biến phức tạp hơn, Vinh nhắn: Để chắc ăn lúc này các bạn có thể mua dự phòng một ít thuốc theo từng nhóm như… Nhớ có một số thuốc trước khi dùng phải tư vấn bác sĩ như nhóm kháng sinh, kháng viêm, dạ dày... ngoại trừ nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, vitamin các loại là thuốc không kê đơn...
Bức tranh được Ngọc Quỳnh vẽ gửi tặng y, bác sĩ. |
Mỗi người có cách thể hiện riêng, nhưng ý nghĩa và sức lan tỏa đều được trân quý. Chúng tôi cố tình đọc đi đọc lại bức thư của em Đào Anh Thư, lớp 8A2, tác giả đã đoạt giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 50 (2021) tại Việt Nam.
Đó có thể chính là những lời tự sự về cuộc sống của gia đình mình, nhưng hơn hết đó còn là những gì ẩn sau gọi là khu cách ly đặc biệt - nơi dành riêng để điều trị các ca bệnh Covid-19.
Bức thư em viết: “Bế em trên tay là một bác sĩ trong bộ bảo hộ y tế màu xanh, khẩu trang kín mít, chỉ còn hở đôi mắt ánh lên nét rạng ngời... Tiếng khóc chào đời của em đã thắp thêm niềm hy vọng, niềm tin chiến thắng đại dịch cho những chiến sĩ áo trắng nơi đây... Bên trong tấm biển “khu vực cách ly đặc biệt” kia không phải là những điều đáng sợ như người ta vẫn tưởng, mà là cả một thế giới của sự ân cần chăm sóc, của những tấm lòng ấm áp yêu thương...”.
Có thể chúng ta đang nhìn nhận sau khu cách ly đặc biệt với nhiều suy nghĩ khác nhau. Đó có thể là nơi rất nguy hiểm, đó cũng có thể là một thế giới khác hoàn toàn tách biệt. Nhưng dưới góc nhìn của một học sinh lớp 8, đó lại là một thế giới đầy nghĩa tình. Điều này cũng một lần nữa nhắc nhớ rằng, phía sau những dòng chữ “khu cách ly đặc biệt” đã và đang được dựng lên sẽ là cuộc sống của biết bao con người đang phải từng ngày, từng giờ tìm lại cuộc sống bình an cho nhiều gia đình.
Những ngày dịch giã lan tràn, mọi nỗ lực dồn sức để căng mình chống dịch, trong hàng ngàn trạng thái được chia sẻ trên mạng xã hội cũng hàm chứa rất nhiều thông tin đẹp, thậm chí là rất đẹp. Nói đâu xa, trải qua hơn 3 tháng kể từ ngày dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 vào ngày 27-4 đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng có rất nhiều những hình ảnh đẹp. Đó là mớ rau của người dân huyện Châu Thành, khóm, khoai được chuyển từ huyện Tân Phước; trái cây, thịt cá từ khắp các địa bàn được chuyển đến các khu vực cách ly hay bị phong tỏa. Của ít lòng nhiều, mỗi người đóng góp một ít. Chút tình lúc khó khăn là thế. Chưa hết, người dân các tỉnh miền Tây nói riêng, cả nước nói chung cũng góp từng mớ rau, con cá, đòn bánh tét… để hướng về TP. Hồ Chí Minh. Những dòng xe yêu thương chở nặng nghĩa tình của người dân cứ xuôi ngược những ngày qua khi thành phố lớn nhất nước đang bị “tổn thương” do dịch bệnh. |
Chỉ cần một hành động đẹp sẽ có sức lan tỏa lớn, trở thành động lực quan trọng, nhất là trong lúc đất nước gặp muôn vàn khó khăn.
Bức ảnh “chuyến xe 0 đồng” chở hàng chục phần quà, dù không quá quý giá về vật chất, nhưng chứa đầy tình yêu thương, bởi nó có điều khác lạ. Chúng tôi cũng thừa hiểu rằng, “chuyến xe” được cấp tập cải hoán từ một xe kéo, ra đời ngay chính một vùng quê nghèo, thậm chí là một trong những địa phương được xem là khó khăn nhất của huyện Chợ Gạo.
Chúng tôi cố tìm thêm những thông tin trong chuỗi hành trình góp sức chống dịch của những bạn trẻ ở đây và đọc được dòng trạng thái: Hôm nay, thực hiện đúng nghĩa ngày chủ nhật xanh, xanh vì màu áo thanh niên chủ đạo chúng ta mang trên người, xanh vì tình đồng đội. Chúng ta dành cho nhau ngay trong thời điểm dịch Covid-19 đang rất nhạy cảm như thế này, mà mọi người vẫn cố gắng hỗ trợ nhau để chống dịch. 23 giờ, công tác vận chuyển và chuẩn bị những phần quà nho nhỏ gửi đến cho bà con khó khăn trên địa bàn xã vẫn còn đang diễn ra…
2. Dù cuộc chiến với dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn ra rất căng thẳng và đích đến cũng chưa được xác định. Và dù có khó khăn vất vả, nhưng hàng ngàn người đã vượt qua F0, rất nhiều bệnh nhân vượt lên trên “lưỡi hái tử thần”. Chính họ đã “mắc nợ” và thầm cảm ơn lực lượng y tế, những người tham gia tuyến đầu.
Ngọc Quỳnh, sau khi khỏi bệnh, đã gửi lại mấy dòng và bức tranh tự vẽ: Con cảm ơn cô chú bác sĩ trong thời gian qua đã hết lòng giúp đỡ gia đình con vuợt qua đại dịch đáng sợ mà cả thế giới đang gồng mình chống chọi! Gia đình con thật may mắn vì được các cô chú y, bác sĩ ở Bệnh viện Dã chiến số 1, Bệnh viện Dã chiến số 2, tận tình giúp đỡ để ngày hôm nay gia đình con mới có thể khỏe mạnh trở về nhà... Con xin gửi tặng cô chú y, bác sĩ một món quà nhỏ do tự tay con vẽ. Đó là tất cả tình cảm con dành tặng cô chú y, bác sĩ, chúc cô chú luôn giữ gìn sức khỏe để tiếp tục dang rộng vòng tay giúp đỡ những gia đình kém may mắn ngoài kia...! Các thiên thần áo trắng của con ơi cố lên... Cố lên!
Niềm vui của bệnh nhân chuẩn bị xuất viện sau khi được điều trị khỏi bệnh tại Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 6. |
Những lời cảm ơn của bệnh nhân sau khi khỏi bệnh chính là liều thuốc “tinh thần” động viên lực lượng tuyến đầu vững tin hơn. Bức thư được viết vội của chị N.T.H.M. sau khi được rời Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 6 cũng mong muốn gửi đến thông điệp này.
Chị N.T.H.M. viết: Khi xe đưa nhóm sáu người chúng tôi “Những người về từ vùng dịch” vào Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 6, dù không ai bảo ai nhưng gương mặt chúng tôi như giãn ra, những ánh mắt ánh lên niềm vui như vừa được trút một gánh gì đó rất nặng trong lòng. Đón chúng tôi là những thiên thần áo trắng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, họ trong những bộ quần áo trắng từ trên đầu xuống tới chân, dù không thể nhìn rõ từng gương mặt, từng ánh mắt, nhưng những giọng nói ấm áp, nhẹ nhàng của họ giúp tôi như muốn hét lên, mình đến đúng nơi rồi.
Cảm nghĩ về những ngày đã qua, chị N.T.H.M hay nói với bạn bè rằng, đây là một chuyến đi trải nghiệm, vì bạn được cung cấp gần như đầy đủ những vật dụng cần thiết ở đây: Xà bông giặt, xà phòng tắm, gội, kem đánh răng, bàn chải đánh răng, khăn lau mặt, khăn tắm, móc phơi quần áo, mùng, mền, gối…
Mỗi ngày toàn khu và phòng ngủ được phun khử khuẩn 2 lần sáng và chiều, kể cả khu vệ sinh. Các bữa ăn luôn đúng giờ và thức ăn luôn ấm cho dù mưa hay nắng với đủ rau, thịt, cá, canh, trái cây và cả sữa.
Thức ăn luôn đầy đặn, rất sạch sẽ và ngon miệng, được các bạn bộ đội mang đến tận cửa phòng. Ở đây, nhóm chúng tôi ăn, ngủ tốt hơn ở nhà có lẽ vì mọi người tập thể dục thường xuyên hơn. Cứ sau 3 ngày chúng tôi được test kiểm tra, thử máu và chụp hình phổi lại.
Thế rồi, 10 ngày trôi qua, chị N.T.H.M. vỡ òa khi được thông báo xuất viện sau những lần kiểm tra âm tính. Trong niềm vui ấy, chị viết: Mọi người hối hả ra xe. “Có hai xe: Xe Gò Công và xe Mỹ Tho, coi chừng lên xe lộn”- một vị điều dưỡng cố với theo dặn dò. “Cô ơi, lấy hộp cơm ăn rồi về, cô về là tụi con vui rồi”- anh dân quân dúi vội vào tay cả nhóm.
Tôi rơi nước mắt, vui vì được về nhà, buồn vì xa nơi này, nơi mà mười ngày qua với tôi ấm áp như người nhà. Dù thời gian rất ngắn nhưng đã để lại trong tôi biết bao suy nghĩ về đại dịch, đặc biệt là những con người tận tụy, hy sinh trong thầm lặng đáng trân trọng. Cho tôi xin bày tỏ lòng tri ân đến Ban Giám đốc, tất cả đội ngũ y, bác sĩ, lực lượng dân quân, các anh chị hậu cần Bệnh viện Dã chiến truyền nhiễm số 6.
Cuộc chiến với dịch Covid-19 còn đang ở phía trước. Chúng ta cũng chưa thể đoán định bao giờ mới trở lại những ngày “bình thường mới”. Vì lẽ đó, những đóng góp của lực lượng tuyến đầu là không thể đo, đếm được. Chúng ta hãy vững tin và cảm ơn họ…
THÁI AN