Thứ Bảy, 18/09/2021, 15:06 (GMT+7)
.

Tết Trung thu lỡ hẹn vì Covid-19

Tháng 8 âm lịch lại về, một mùa Trung thu nữa đã đến. Như những năm trước, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát và diễn biến phức tạp thì Tết Trung thu thật sự được mong đợi không chỉ với trẻ em mà cả người lớn. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên Tết Trung thu năm nay đã khác, niềm vui cũng khác hơn dù không có lồng đèn, không có bánh…

Những năm trước đây, khi đại dịch Covid-19 chưa bùng phát, mới đầu tháng 8 âm lịch, từ các cửa hàng nơi phố phường hay ở nông thôn đều bày bán bánh trung thu và đồ chơi các loại cho trẻ em, nào đèn ông sao, mặt nạ, đèn kéo quân..., đa dạng về kích cỡ, kiểu dáng và màu sắc rực rỡ. Không khí phố phường thêm nhộn nhịp vui tươi, bởi sau giờ đi học về, trẻ em ríu rít theo cha mẹ đi chọn đồ chơi. Cha mẹ cũng tranh thủ mua bánh để biếu người thân, bạn bè bởi Tết Trung thu còn là tết của tình thân.

Báo Ấp Bắc phối hợp với các đơn vị tổ chức Chương trình “Tặng quà trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” tại huyện Tân Phước năm 2020.
Báo Ấp Bắc phối hợp với các đơn vị tổ chức Chương trình “Tặng quà trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” tại huyện Tân Phước năm 2020.

Mỗi năm, vào dịp Tết Trung thu, các cấp, các ngành, tổ chức hội, đoàn thể trong tỉnh đều chung tay góp sức để tổ chức cho thiếu nhi đón tết vui vẻ. Trong trường học, thầy cô và phụ huynh hằng năm cũng tổ chức “Đêm hội Trăng Rằm” cho học sinh thông qua các hình thức như thi làm lồng đèn, biểu diễn văn nghệ, kể chuyện sự tích chú Cuội, chị Hằng... làm cho không khí trong dịp Tết Trung thu vui vẻ, rộn rã hẳn lên.

Khi đêm về, dưới ánh trăng rằm, Tết Trung thu diễn ra trong tiếng cười nói trong trẻo của trẻ thơ rộn ràng khắp nơi nơi. Đường phố nhộn nhịp người qua lại, vui cười hớn hở. Dưới ánh đèn lung linh, các em nhỏ cùng nhau phá cỗ, rước đèn, sinh hoạt hát ca…

Nhưng đó là chuyện của những năm trước, mùa Trung thu năm nay ngay giãn cách xã hội nên mặt hàng bánh trung thu được chào bán trên thị trường cũng trở nên hiếm hoi. Đặc biệt là lồng đèn trung thu dường như vắng bóng. Đâu đó, lác đác trên các trang bán hàng online có bán lồng đèn nhưng người muốn mua lại cứ băn khoăn, không biết bao giờ mới giao. Vì nếu qua Trung thu mới giao được lồng đèn thì còn có ý nghĩa gì nữa?

Năm nay, ngày Tết Trung thu đang cận kề nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên những địa phương trong tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, toàn dân nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội để đảm bảo an toàn cho mọi người. Các em nhỏ không được tập trung để rước đèn, phá cỗ… nhưng không vì thế mà làm giảm đi niềm vui háo hức của trẻ thơ.

Bởi không có lồng đèn điện, lồng đèn có nhạc thì gia đình có thể làm lồng đèn lon sữa bò, lồng đèn giấy cho các em nhỏ… Nhưng làm lồng đèn lại thiếu dụng cụ, không có đèn cầy mà những vật dụng này thuộc “hàng không thiết yếu” nên chưa mở bán. Đó là chưa kể nếu làm được lồng đèn thì các em nhỏ sẽ xách đi đâu, khi dịch bệnh không thể ra đường?

Giữa đại dịch Covid-19, trẻ em sẽ không có Tết Trung thu như mọi năm.  (Ảnh chụp Chương trình “Tặng quà trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh  khó khăn” do Báo Ấp Bắc tổ chức tại huyện Tân Phước năm 2020).
Giữa đại dịch Covid-19, trẻ em sẽ không có Tết Trung thu như mọi năm. (Ảnh chụp Chương trình “Tặng quà trung thu cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” do Báo Ấp Bắc tổ chức tại huyện Tân Phước năm 2020).

Vì thế, chắc là các em nhỏ sẽ có một cái Tết Trung thu nhớ mãi trong cuộc đời mình - Trung thu giữa đại dịch Covid-19. Trung thu mà em nhỏ không được đến trường vui chơi rước đèn, phá cỗ… Trung thu mà ở nhà không có lồng đèn, không có bánh…

Tuy nhiên ở các gia đình, cha mẹ vẫn có thể cho con mình một Tết Trung thu rất khác, khi quây quần bên nhau, trò chuyện cùng con, giúp con cảm nhận niềm vui ấm áp vì được ngồi trong chính ngôi nhà của mình, hạnh phúc đặc biệt này không phải em nhỏ nào cũng có được trong Tết Trung thu giữa đại dịch Covid-19. Bởi vì dịch bệnh Covid-19 mà hiện có hàng ngàn em nhỏ trên khắp cả nước phải mồ côi cha, mẹ hoặc đang ở khu cách ly, phong tỏa hay là trong bệnh viện điều trị Covid-19, không có Tết Trung thu.

Riêng tại tỉnh Tiền Giang, để triển khai việc tổ chức Tết Trung thu năm nay cho trẻ em đảm bảo phù hợp và tuân thủ các quy định về phòng, chống  dịch Covid-19, UBND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố, thị xã rà soát, lập danh sách kịp thời có các chính sách hỗ trợ người lao động mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi và trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định 23 ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, chăm sóc trẻ em bị nhiễm, trẻ em phải cách ly y tế, trẻ em không có cha, mẹ và người thân chăm sóc do đại dịch Covid-19.

Quan tâm, thăm hỏi, động viên, tặng quà, hỗ trợ trẻ em là con của những người đang ở tuyến đầu chống dịch, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài ngày. Tăng cường phổ biến chính sách của Nhà nước, sự chung tay của xã hội, cộng đồng hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng Covid-19

Dẫu dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng trong lòng trẻ thơ vẫn háo hức chờ mong được đón Tết Trung thu với đêm trăng sáng đẹp bên những người thân yêu, dù cho mâm cỗ không được đủ đầy, dù không được đi rước đèn, phá cỗ cùng bạn bè...

PHƯƠNG NGHI

.
.
Liên kết hữu ích
Mẫu hộp quà tết sang trọng in logo thương hiệu
.