TP Hồ Chí Minh từng bước "bình thường mới" để thích nghi với dịch bệnh
Kiểm soát, kiểm tra người dân lưu thông trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội tại huyện Củ Chi. |
TP Hồ Chí Minh vừa quyết định gia hạn thêm 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, thành phố đã có những điều chỉnh để người dân, doanh nghiệp dần thích ứng và từng bước “sống chung” với dịch nhằm bảo vệ sức khỏe, khôi phục lại đời sống, kinh tế, xã hội.
Tại TP Hồ Chí Minh, quận 7, huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi là 3 địa phương đầu tiên của thành phố công bố đã cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19. Để bảo vệ thành quả này, ghi nhận tại các địa phương sau 2 tuần công bố, nhiều hoạt động về kinh tế, dịch vụ vẫn được người dân hết sức cẩn trọng mở lại, dù suốt nhiều tháng qua “cửa đóng then cài”.
Thận trọng khi được nới lỏng
Chủ quán phở trên đường Bùi Bằng Đoàn, phường Tân Phong, quận 7 cho biết: Sau nhiều tháng đóng cửa, tuần qua, chúng tôi quyết định mở lại để bán mang đi. Tuy nhiên, quán thực hiện “3 tại chỗ” và thực hiện xét nghiệm nhanh 3 ngày/lần, đo thân nhiệt thường xuyên để bảo đảm sức khoẻ cho nhân viên lẫn người mua. Chúng tôi hy vọng thành phố sẽ sớm kiểm soát được dịch để các cơ sở khác sẽ hoạt động lại bình thường sớm nhất có thể.
Ghi nhận cho thấy, dù đã ở vào trạng thái “nới lỏng” song nhiều cơ sở dịch vụ, quán ăn, cơ sở sản xuất ở quận này vẫn tiếp tục đóng cửa nhằm bảo đảm an toàn khi dịch đã được khống chế tốt hơn.
UBND quận 7 cho biết, sau thời điểm 15-9, quận xây dựng phương án phục hồi kinh tế trên cơ sở bám sát các tiêu chí do Chính phủ và UBND TP Hồ Chí Minh định hướng, hướng dẫn. Hiện quận 7 đã thành lập trung tâm nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn “bình thường mới”. Trong đó, quận sẽ ưu tiên mặt hàng thiết yếu, các cơ sở kinh doanh đường phố với điều kiện người lao động đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 và được địa phương hướng dẫn gắn bảng “hộ kinh doanh xanh”, “doanh nghiệp xanh”.
Tương tự tại huyện Củ Chi, là địa phương cũng công bố cơ bản kiểm soát được dịch nhưng nhìn chung đời sống, cơ sở kinh doanh trên địa bàn vẫn còn khá im ắng. Một số cửa hàng kinh doanh hàng ăn đã bắt đầu mở cửa nhưng hết sức thận trọng và để bảng “Chỉ bán mang về” nhằm bảo đảm sức khỏe cho cộng đồng.
Quận 7 từng bước nới lỏng và thực hiện một số biện pháp để phục hồi kinh tế sau ngày 15-9. |
Bí thư Huyện ủy Củ Chi Nguyễn Quyết Thắng cho biết: Hiện gần 100% người dân trên 18 tuổi của huyện đã tiêm vaccine mũi 1 và hơn 24% người dân đã tiêm mũi 2. Sau ngày 15-9, song song với công tác đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, huyện sẽ thực hiện quản lý người tiêm vaccine bằng việc số hóa và từng bước phân loại nhằm sớm ứng dụng “thẻ xanh” cho người dân và các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn. Trước mắt, huyện vẫn tiếp tục bảo vệ “vùng xanh”, thực hiện nghiêm các giải pháp kiểm soát dịch bệnh; phân loại các xã, thị trấn theo mức độ dịch bệnh để bảo vệ các thành quả chống dịch đã đạt được, ông Nguyễn Quyết Thắng nhấn mạnh.
Nói về việc cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết: Thành quả này không chỉ là sự quyết tâm của hệ thống chính quyền, đội ngũ y tế mà sự đồng hành, ủng hộ của nhân dân trong suốt một thời gian dài. Theo ông Hồng, sau ngày 15-9, huyện tiếp tục thực hiện các chỉ đạo tổng thể của Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh về các biện pháp phòng, chống dịch. Đồng thời, Cần Giờ sẽ thí điểm một số hoạt động được nới lỏng với tinh thần “khóa chặt bên ngoài và nới lỏng bên trong”, an toàn tới đâu thì nới lỏng tới đó.
Cụ thể, huyện sẽ mở cửa dịch vụ ăn uống bán mang về. Hướng dẫn người dân được đi chợ 1 lần/tuần. Tạo mọi điều kiện để ngư dân đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản; mở một số tour du lịch khép kín trên địa bàn và một số lĩnh vực khác nhưng phải tuyệt đối an toàn. Hiện Cần Giờ đã tiêm mũi 1 cho người dân trên 18 tuổi đạt gần 100%, mũi 2 hơn 38% nên đây cũng là điều kiện thuận lợi để người dân có “thẻ xanh” phục vụ cho các hoạt động khôi phục lại kinh tế. Các du khách cũng phải là đối tượng đã được tiêm 2 mũi vaccine và thực hiện đi theo tour để bảo đảm an toàn. Điều này giống như một dạng “thẻ xanh” du lịch. Sau ngày 30-9, tùy theo diễn biến sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp nới lỏng về kinh tế xã hội khác, ông Hồng nhấn mạnh.
Chọn lọc để giữ thành quả chống dịch
Dù TP Hồ Chí Minh chưa đạt được mục tiêu kiểm soát dịch trước ngày 15-9 song công tác phòng, chống dịch vẫn đạt được những kết quả tích cực để thành phố hướng tới mục tiêu thích ứng và từng bước “sống chung” với dịch bệnh trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết: Qua rà soát vẽ lại bộ bản đồ Covid-19, kết quả 53% tổ dân phố đã là vùng xanh, tỷ lệ ca dương tính giảm rõ rệt. Tuy vậy, để bảo đảm chống dịch bền vững hơn, hài hòa, an toàn và nhu cầu mở lại một số hoạt động, thành phố cần thêm ít thời gian.
Tại văn bản mới nhất do Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi ký ban hành về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 16 đến 30-9 mới đây, thành phố nhấn mạnh việc sẽ thí điểm thực hiện “Thẻ xanh Covid” gắn với mã QR cá nhân tại các khu vực, địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch. Ngoài ra, thành phố cũng cho phép lực lượng giao hàng công nghệ được hoạt động liên quận so với trước đây; người dân ở các “vùng xanh” có thể tham gia các hoạt động ngoài trời tại công viên với điều kiện bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch...
Vận chuyển gạo hỗ trợ người dân khó khăn trong thời gian giãn cách xã hội tại huyện Cần Giờ. |
Về việc thực hiện “Thẻ xanh Covid”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP Hồ Chí Minh Lâm Đình Thắng cho biết: Thành phố thí điểm triển khai việc tại 5 địa bàn, đơn vị đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh gồm: Quận 7, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ, Ban quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Hepza) và Ban quản lý Khu Công nghệ cao. Tuy nhiên, hoạt động này không thực hiện đại trà mà có sự chọn lọc để bảo đảm an toàn. Đơn cử, thành phố thí điểm cho khoảng 150 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thiết yếu ở quận 7 triển khai trước. Sau ngày 30-9, Sở sẽ phối hợp các sở ngành, địa phương, tham mưu các giải pháp cho UBND TP Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện các phương án phù hợp.
Nhấn mạnh về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình, cho biết, tình hình diễn biến dịch bệnh ở các địa phương, đơn vị đã công bố vẫn còn phức tạp nên trong tổ chức thực hiện giữa phòng, chống dịch và phát triển kinh tế, các cơ quan chức năng thành phố cùng với các quận, huyện sẽ đánh giá mức độ ảnh hưởng của việc nới lỏng chính sách để có biện pháp khắc phục kịp thời hơn các vướng mắc, phát sinh xảy ra.
Theo nhandan.vn