.

Chuyện những "đóa hoa" trong phòng, chống dịch

Cập nhật: 11:09, 20/10/2021 (GMT+7)

Những ngày cao điểm chống dịch Covid-19 tại Tiền Giang, bên cạnh các lực lượng tuyến đầu thì vẫn có rất nhiều tấm gương phòng, chống dịch nơi hậu phương.

Họ là những chị em phụ nữ, người dân trong xóm, ấp, khu phố, anh chị em công nhân… dành trọn tình cảm, nhiệt huyết giúp đỡ những người khó khăn, yếu thế trong đợt bùng phát dịch Covid-19 vừa qua.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dương (bìa trái), Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang thăm, tặng quà CNLĐ các khu nhà trọ.
Chị Nguyễn Thị Thùy Dương (bìa trái), Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang thăm, tặng quà CNLĐ các khu nhà trọ.

THẦM LẶNG NHỮNG TẤM LÒNG

Trong một lần trực tiếp tham gia phát quà cho người dân trong khu phong tỏa, cả Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường 2, TP. Mỹ Tho là chị Trần Thị Ngọc Cẩm và chị Nguyễn Thùy Trang không may trở thành F0. 

Những ngày mắc bệnh, 2 chị đều không lo nghĩ cho bản thân mà cảm thấy rất nhớ những ngày cùng mọi người nấu ăn, phát gạo, chuyển thức ăn đến các hộ dân, rồi lại lo cho những chị em khác phải vất vả khi gánh vác thêm phần việc của mình... Do đó, ngay sau khi điều trị khỏi bệnh và hoàn thành cách ly theo quy định, chị Cẩm và chị Trang tiếp tục quay trở lại công việc của mình.

Theo chia sẻ của chị Cẩm và chị Trang, công việc “hậu phương” cũng khá vất vả và nguy hiểm, thường xuyên phải ăn vội và ngủ không đủ giấc. Mặc dù vậy nhưng bản thân chúng tôi rất vui vì đã đóng góp một phần công sức của mình cùng địa phương đẩy lùi dịch bệnh.

Cán bộ, hội viên phụ nữ của các cấp Hội LHPN tỉnh vận động hỗ trợ rau, củ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Cán bộ, hội viên phụ nữ của các cấp Hội LHPN tỉnh Tiền Giang vận động hỗ trợ rau, củ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Trong những ngày TP. Mỹ Tho thực hiện giãn cách và cả tỉnh phải gồng mình chống dịch, chị Nguyễn Trần Ngọc Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho không kể ngày đêm, cứ lao vào chống dịch. Mỗi khi tổ chức có việc cần đến là chị Thương sẵn sàng nhận nhiệm vụ.

Chị làm rất nhiều việc từ quản lý đối tượng, truy vết các trường hợp trong diện phải cách ly đến hỗ trợ y tế tầm soát, tiêm vắc xin Covid-19, tuyên truyền vận động người dân khai báo y tế, chấp hành nghiêm thông điệp “5K” trong phòng, chống dịch.

Ngoài ra, với vai trò là Tổ trưởng Tổ hậu cần của xã Mỹ Phong, chị Thương tích cực tham gia việc đi chợ giúp dân. Hằng ngày, chị Thương thu thập thông tin cần mua sắm từ các hộ gia đình, sắp xếp thời gian đi mua và mang về giao tận nơi cho từng hộ…

Chị Thương chia sẻ: “Thời gian qua, có lúc đi chống dịch gần cả tháng tôi không về nhà, đứa con trai nhỏ phải gửi ngoại chăm sóc. Tuy nhiên, tôi luôn nhận được sự ủng hộ, động viên từ gia đình, đây là động lực giúp tôi vượt qua nỗi sợ hãi về dịch bệnh, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, giúp đỡ nhiều hơn nữa cho cộng đồng”.

Không ngại khó khăn, mang sự nhiệt huyết và tấm lòng để chia sẻ yêu thương với cộng đồng, chị Nguyễn Minh Thư, Chủ tịch Hội LHPN phường 5, TP. Mỹ Tho ngày đêm tham gia chống dịch. Chị đã tuyên truyền, vận động, kêu gọi sự chung tay của các nhà hảo tâm, hội viên, phụ nữ và bà con nhân dân tích cực tham gia ủng hộ rau, củ, quả, nhu yếu phẩm… cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, người dân đang sinh sống trong các khu vực bị cách ly, phong tỏa, những người nghèo, các hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên địa bàn.

“Mỗi khi nghe bà con nói ở đâu cho rau, củ thì dù xa hay gần tôi cũng tìm đến rồi tự tay cắt rau, cùng bà con gom góp mang về; đồng thời, vận động tặng mì, gạo, nhu yếu phẩm… cho người dân trong phường gặp khó khăn. Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã kiểm soát, nhưng tôi vẫn luôn với tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được điều động. Dù công việc vất vả nhưng bản thân tôi cũng như các chị, em luôn cố gắng hết sức vì cộng đồng”, chị Thư chia sẻ.

Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh Tiền Giang, tính đền ngày 25-8, tỉnh có 16 cán bộ Hội LHPN các cấp là F0 và 18 cán bộ Hội là F1. Ngoài ra, còn có hàng trăm hội viên phụ nữ là F1, F2…

THAM GIA ĐẾN KHI NÀO HẾT DỊCH

Ngay thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh làm cho hàng chục ngàn công nhân, lao động (CNLĐ) trong các khu, cụm công nghiệp bị ảnh hưởng đến việc làm, đời sống. Với vai trò là Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang, chị Nguyễn Thị Thùy Dương không thể ngồi im khi CNLĐ đang chịu nhiều khó khăn do dịch bệnh. Chị Dương đến các doanh nghiệp vận động tăng cường công tác phòng, chống dịch, sắp xếp công việc để cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mất việc làm trong CNLĐ.

Kể cả ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật, chị Dương cũng đi đến các khu nhà trọ vận động chủ nhà trọ vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa hỗ trợ CNLĐ nghèo như giảm giá tiền thuê trọ, hỗ trợ quà tặng… Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chị Dương cũng đặt quyền lợi của CNLĐ lên hàng đầu nên chị cùng với Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang đã chăm lo tốt hơn cho CNLĐ ngay trong mùa dịch.

Chủ tịch hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Kim Phượng (bên trái) thăm, tặng quà chị Cẩm và chị Trang.
Chủ tịch hội LHPN tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thị Kim Phượng (bên trái) thăm, tặng quà chị Cẩm và chị Trang.

Chị Dương cho biết: “Công đoàn chỉ hoạt động thực sự hiệu quả khi hướng đến mục tiêu vì lợi ích chung của đoàn viên Công đoàn, CNLĐ. Nỗ lực hết mình vì đoàn viên, CNLĐ song cũng phải tính đến lợi ích của doanh nghiệp, có như vậy thì cán bộ Công đoàn mới nhận được sự tín nhiệm. Nếu mỗi cán bộ Công đoàn đều đặt mình vào vị trí của đoàn viên, CNLĐ nghèo thì khi ấy, mình biết phải làm gì và sẽ có động lực làm nhiều hơn nữa”.

Chị Nguyễn Trần Ngọc Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Phong tham gia vận động, tiếp nhận và vận chuyển quà cho người dân.
Chị Nguyễn Trần Ngọc Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Phong tham gia vận động, tiếp nhận và vận chuyển quà cho người dân.

“Sức nhỏ góp công nhỏ, nhiều cây nhỏ sẽ thành rừng”, với quan niệm này, thời gian qua, chị Nguyễn Thị Kim Châu (ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo) cùng gia đình gói gần 2.000 đòn bánh tét; vận động trao tặng hơn 2 tấn rau, củ cho người dân ở các khu phong tỏa, cách ly.

Chia sẻ về việc luôn hướng về phụ nữ, người nghèo với tất cả sự quan tâm, lo lắng, chị Kim Châu cho biết: “Cùng là phụ nữ đi lên từ nghèo khó nên tôi càng hiểu và thương các chị em phụ nữ nghèo gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Khi giúp bà con cùng chị em ổn định cuộc sống thì tôi cảm thấy rất vui vì việc làm của mình có ý nghĩa nên cố gắng làm tốt hơn nữa”.

Và còn nữa rất nhiều tấm lòng thơm thảo, những tấm gương phụ nữ sẵn sàng xông pha nơi tuyến đầu chống dịch, đó là đội ngũ nữ y, bác sĩ ở các bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, các địa phương trong tỉnh… Đối với họ, bệnh viện hay khu cách ly tập trung là những nơi nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao nhưng vẫn không làm họ chùng bước.

Chống dịch với nam giới đã là quá vất vả, thì với phụ nữ vừa gánh nặng công việc, gia đình trên vai, vừa xông pha ra tuyến đầu chống dịch thì càng vất vả nhiều hơn. Sự hy sinh thầm lặng của các chị, em phụ nữ cho “cuộc chiến” phòng, chống dịch Covid-19 rất đáng trân trọng.

LÊ PHƯƠNG

.
.
.