Để BHYT, BHXH thực sự trở thành trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội
(ABO) Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) và sớm hoàn thành mục tiêu bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân là vấn đề nhiều đại biểu, cử tri quan tâm trong thời gian qua. Bởi thực tế vẫn còn một số đối tượng rất khó vận động tham gia BHXH, BHYT do nhiều nguyên nhân. Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, phóng viên Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Thanh Cầm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV, Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang về vấn đề này.
* Phóng viên (PV): Đại biểu đánh giá như thế nào về chính sách BHXH, BHYT của Đảng, Nhà nước ta, nhất là kết quả thực hiện chính sách này trong báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV?
* Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm: BHXH, BHYT đã cơ bản đảm bảo công bằng, toàn diện, bao trùm, tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng cơ bản quyền an sinh của người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; khẳng định tính ưu việt của chế độ ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được thể hiện trong các báo cáo của Chính phủ, vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm để BHYT, BHXH thực sự trở thành trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội.
Năm 2020, BHYT đạt tỷ lệ bao phủ khoảng 90% dân số, nhưng còn gần 10% dân số chưa tham gia BHYT. Đây là những đối tượng rất khó phát triển. Cụ thể là nhóm hộ kinh doanh hoặc nhóm học sinh, sinh viên, trẻ em sinh ra bản thân các em hoặc bố mẹ các em không đầy đủ giấy tờ...
Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm. |
Đối với BHXH, năm 2020, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc chỉ chiếm tỷ lệ trên 31% lực lượng lao động trong độ tuổi và có nguy cơ giảm tiếp trong năm 2021. Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ tương ứng 2,3% lực lượng lao động trong độ tuổi cùng với việc giảm 35% mức bình quân thu nhập lựa chọn đóng so với mức bình quân năm 2016.
* PV: Theo đại biểu, nguyên nhân vì sao còn khó phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện?
* Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm: Qua nghiên cứu thực tế tại một số tỉnh, chúng tôi thấy có một số nguyên nhân sau: Điều kiện về thời gian tham gia BHXH còn dài đến 20 năm. Trong khi người lao động phải đối mặt với khó khăn về thu nhập và hoàn cảnh gia đình như sinh con, đau ốm, kết hôn… Trong khi để được hưởng lương hưu, người lao động cần đáp ứng được đồng thời hai điều kiện là có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật; do đó chưa tạo động lực cho nhiều người lao động tham gia.
Nguyên nhân thứ 2 là việc gián đoạn trong việc làm công ăn lương. Hầu hết các trường hợp lao động nữ mà chúng tôi tiếp cận tại một số tỉnh như Bắc Giang, Bình Dương đều nghỉ việc sau khi nghỉ sinh con và hưởng BHXH một lần, cho thấy lao động nữ chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của BHXH đối với cuộc sống tương lai lâu dài. Một bộ phận khác người lao động do phải trang trải cho những công việc đột xuất nên họ đã lựa chọn rút BHXH một lần như rút một khoản tiền tiết kiệm chứ chưa tính được đấy là nguồn đảm bảo an sinh xã hội cho họ khi về già.
Và nguyên nhân thứ 3 là nhiều người không biết thông tin, khả năng tài chính không đáp ứng. Số lượng lao động cả nam và nữ tham gia BHXH tự nguyện ở Việt Nam còn rất thấp. Một lý do là họ không có các thông tin cụ thể, thậm chí có người chưa biết đầy đủ về BHXH tự nguyện, không biết đóng ở đâu, đóng bao nhiêu, thời gian đóng và quan trọng là họ được hưởng như thế nào.
Ngoài ra, khả năng tài chính ổn định cũng là yếu tố tiên quyết để người lao động tự do, lao động nữ tham gia vào hệ thống BHXH tự nguyện trong khi đa phần họ lại là những người làm những công việc bấp bênh, không ổn định và có mức thu nhập khiêm tốn, không có sự dôi dư từ thu nhập để đầu tư cho cuộc sống tương lai sau này.
* PV: Để thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an sinh xã hội, với vai trò là đại biểu Quốc hội, đại biểu có những việc làm cụ thể gì?
* Đại biểu Nguyễn Thanh Cầm: Với vai trò là đại biểu Quốc hội, tôi đã có nhiều ý kiến đóng góp tại các buổi thảo luận tổ về chính sách BHXH, BHYT tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, tôi đã kiến nghị, thứ nhất: Chính phủ khẩn trương tiến hành sửa Luật BHYT và BHXH với cách tiếp cận đưa 2 loại hình bảo hiểm này sát với nhu cầu của người dân, của khách hàng theo quan điểm bảo đảm an sinh xã hội dựa trên quyền, cụ thể:
- Về BHXH: Nghiên cứu sửa đổi Luật BHXH theo định hướng cải cách chính sách BHXH tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện BHXH toàn dân; hoàn thiện quy định về đóng - hưởng; nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ; quy định chặt chẽ hơn về chính sách hưởng chế độ BHXH một lần; giảm thời gian đóng xuống còn 15 năm; tiếp tục hỗ trợ và xem xét nâng mức hỗ trợ cho người lao động tham gia BHXH tự nguyện; thiết kế thêm chế độ được hưởng ngoài chế độ hưu trí, tử tuất, ví dụ như: Chế độ thai sản.
Thứ hai: Tăng cường các chế tài nghiêm khắc và xử lý nghiêm những hành vi trốn đóng BHYT và BHXH, hành vi trục lợi quỹ.
Thứ ba: Áp dụng các kinh nghiệm, bài học thành công từ thực hiện BHYT sang các nội dung phù hợp của BHXH như diện bao phủ bắt buộc, Nhà nước trợ cấp ở mức phù hợp, quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các hình thức bảo hiểm này...
Thứ tư: Chính sách đảm bảo bình đẳng giới để thu hút phụ nữ tham gia BHXH, như: Chính sách hỗ trợ chăm sóc gia đình và nuôi con nhỏ. Đối với lao động nữ đang tham gia BHXH, việc ghi nhận thời gian chăm sóc con giúp họ đạt đủ điều kiện về thời gian đóng góp tối thiểu để được hưởng lương hưu cũng nên được nghiên cứu, xem xét. Đồng thời, tiếp tục có những giải pháp để phát triển hệ thống giáo dục mầm non nhằm hỗ trợ lao động nữ di cư, lao động nữ tại các khu công nghiệp nhằm giảm bớt chi phí, tăng cơ hội làm việc liên tục và không gián đoạn trong tham gia BHXH của lao động nữ, bảo đảm mục tiêu bình đẳng giới và an sinh xã hội.
Thời gian qua, BHXH Tiền Giang đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT để tích cực tham gia, góp phần hướng đến mục tiêu BHYT toàn dân. Ảnh chụp khi chưa bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam |
Đối với BHYT: Mở rộng việc chi trả cho các dịch vụ khám, chữa bệnh ngoài phạm vi Quỹ BHYT như việc khám, chữa bệnh trái tuyến, mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT, lựa chọn thuốc theo yêu cầu người bệnh, mở rộng để các cơ sở dưỡng lão được cấp phép được chi trả một số khoản liên quan tới BHYT để bảo vệ quyền lợi của người cao tuổi khi sinh sống tại các trung tâm chăm sóc người cao tuổi, trong bối cảnh Việt Nam đang già hóa dân số.
Ngoài ra, để đạt độ bao phủ BHYT toàn dân cần có thêm nhiều giải pháp. Ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động làm chuyển biến nhận thức, việc tham gia BHYT vừa là quyền và nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm xã hội, hỗ trợ lẫn nhau với tính chất nhân văn sâu sắc. Đồng thời, phải nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, cải cách hành chính tạo thuận lợi cho người dân khi tham gia khám, chữa bệnh, phát triển y tế dự phòng, có giải pháp thiết thực để phòng dịch, tiêm chủng. Bài học vừa qua về đại dịch Covid-19 là một điển hình; quan trọng hơn là phải bảo đảm cân đối quỹ, để người dân tham gia BHYT phải chi từ tiền túi ở mức thấp nhất có thể; phải tạo được sự hấp dẫn, thu hút người dân tham gia với tinh thần tự giác, trách nhiệm và sẻ chia.
* PV: Xin cảm ơn đại biểu!
HOÀI THU
(thực hiện)