Phòng ngừa bạo lực và xâm hại trẻ em
Thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027” của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt Đề án 938) với chủ đề “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em”, bao gồm cả phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại vẫn còn xảy ra và diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em (XHTE).
THỰC TRẠNG BẠO LỰC, XHTE
Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang, từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 51 vụ bạo lực gia đình, XHTE (trong đó 18 vụ xâm hại tình dục mà nạn nhân là trẻ em gái). Trong số trẻ em bị xâm hại, có hơn 60% trẻ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn hoặc thuộc nhóm có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Đối tượng phạm tội có trình độ học vấn thấp, không nghề nghiệp, hơn 70% do sử dụng rượu, bia, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc ức chế trong cuộc sống gia đình… Các đối tượng lợi dụng sự non yếu về thể chất của trẻ em, sự lỏng lẻo trong quản lý, chăm sóc của gia đình các trẻ mà thực hiện hành vi phạm tội.
Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi. |
Đa số trẻ em bị xâm hại đều bị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần và sự phát triển trí tuệ. Hành vi xâm hại trẻ em còn gây tác động nghiêm trọng đối với xã hội, tạo tâm lý hoang mang cho các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ về an toàn của trẻ, làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ, làm gia tăng các tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ, tăng sự lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục; gây ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục và truyền thống đạo đức tốt đẹp của nhân dân…
Đáng lo ngại là tình trạng ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em ít được cộng đồng chủ động tố giác, trình báo với cơ quan chức năng, một số vụ việc đã kéo dài nhiều năm, khi tình trạng bạo lực, XHTE ở mức báo động nghiêm trọng mới được các phương tiện thông tin đại chúng phát giác trước công luận. Mặt khác, đa số các hành vi bạo lực, XHTE được thống kê chủ yếu dựa trên các tiêu chí về thể chất, chưa tính đến bạo lực, xâm hại về tinh thần. Do đó, số vụ bạo lực, XHTE bị phát hiện chỉ là một phần so với thực tế.
TRANG BỊ KIẾN THỨC, KỸ NĂNG PHÒNG, CHỐNG XHTE
Trước thực trạng trên, chúng ta cần nâng cao hiểu biết, trang bị kiến thức, kỹ năng để hướng dẫn trẻ chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục. Đồng thời, cảnh báo, giúp phụ huynh nhận biết dấu hiệu trẻ có nguy cơ bị xâm hại tình dục, trang bị cách thức xử trí khi trẻ bị xâm hại tình dục. Xâm hại tình dục trẻ em bao gồm lạm dụng tình dục trẻ em và bóc lột tình dục trẻ em. Đối tượng xâm hại có thể người quen hoặc không quen, nam, nữ mọi lứa tuổi.
Một số quy tắc giúp trẻ phòng, chống nguy cơ bị xâm hại: Không đi một mình nơi tối tăm, vắng vẻ; không ở trong phòng kín một mình với người lạ; không nhận tiền, quà hoặc nhận sự giúp đỡ đặc biệt của người khác mà không rõ lý do; không đi nhờ xe người lạ, hoặc sử dụng ăn uống của người lạ đưa; không để cho người lạ lại gần đến mức họ có thể chạm tay vào người mình; không để người lạ vào nhà, nhất là khi trong nhà chỉ có một mình; không nói chuyện điện thoại với người lạ khi đang ở nhà một mình; không cho ai tùy tiện động chạm, sờ vào chỗ kín của cơ thể hoặc bất kỳ hành động thô lỗ nào; không ăn mặc hở hang, không gần gũi quá mức với người lạ…
Đối với phụ huynh, các nhà nghiên cứu khuyên rằng: Cha mẹ nên bắt đầu trò chuyện về giới tính khi trẻ 2 tuổi, hãy cho trẻ biết cơ thể trẻ thuộc về chính mình, không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể trẻ mà khiến trẻ khó chịu. Khi tắm cho trẻ, cha mẹ hãy nói cho trẻ biết rằng, không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của con, trừ một số người như bác sĩ, y tá hay cha hoặc mẹ.
Tuy nhiên, bác sĩ, y tá cần phải mặc đồng phục, đang trong giờ khám, chữa bệnh, phải giải thích được cho con là họ cần chạm vào để làm gì và cần có sự đồng ý của con. Hãy nói với con khi nào cảm thấy buồn, lo lắng, sợ hãi, con nên lên tiếng với người con tin tưởng, có thể nói với cha mẹ hay chị gái, cô giáo.
Đối với các trẻ, cần bỏ chạy đến chỗ an toàn nếu có ai đó tìm cách sờ soạng hoặc ôm ấp và kêu to cầu cứu sự giúp đỡ của mọi người xung quanh; đồng thời, kể ngay sự việc với cha mẹ hoặc những người tin cậy. Các em cần tìm cha mẹ, người lớn trong gia đình, thầy cô giáo, bạn bè, trụ sở công an gần nhất hay bất cứ người nào mà các em tin tưởng và nhờ họ giúp đỡ, bảo vệ. Nếu trẻ bị sàm sỡ, xâm hại, hãy kể ngay với cha mẹ, người thân và cùng người lớn đến cơ sở y tế để khám…
CÁC MÔ HÌNH BẢO VỆ TRẺ EM
Qua 3 năm thực hiện Đề án 938, các cấp Hội LHPN tỉnh đã sáng tạo tổ chức nhiều hoạt động như: Truyền thông cộng đồng, nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, diễn đàn, hội thi, liên hoan, sinh hoạt câu lạc bộ/tổ/nhóm phụ nữ... được 38.165 cuộc cho 1.342.775 lượt hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi tham dự; biên soạn, phát hành 240 ngàn tờ rơi, phối hợp Báo Ấp Bắc thực hiện chuyên trang, Đài Phát thanh - Truyền hình các cấp từ tỉnh đến cơ sở xây dựng phóng sự và phát 1.975 lượt tin, bài liên quan đến nội dung tuyên truyền Đề án 938.
Cùng với đó, các cấp Hội LHPN tỉnh đẩy mạnh thành lập nhiều mô hình phù hợp tại địa phương, ra mắt nhiều câu lạc bộ/tổ/nhóm tuyên truyền về phòng, chống bạo lực, XHTE như: 17 Tổ/nhóm “Phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em” với 280 thành viên; 17 Tổ/nhóm “Hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho phụ nữ”, Tổ “Phụ nữ sẵn sàng lên tiếng phòng, chống và bảo vệ trẻ em” với 241 thành viên; Tổ “Không ngược đãi phụ nữ và trẻ em”, Tổ “Chăm sóc sức khỏe y tế cho phụ nữ yếu thế”, “ấp không bạo lực với phụ nữ và trẻ em”; 89 nhóm “Cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ” với 1.900 thành viên; 4 Tổ/nhóm “Đồng hành cùng con” với 70 thành viên... Thông qua các tổ/nhóm này tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền thiết thực phù hợp, mang lại hiệu quả tích cực, tác động mạnh mẽ đến nhận thức của gia đình và xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Song song đó, các cấp Hội còn duy trì sinh hoạt và củng cố hơn 400 địa chỉ tin cậy cộng đồng với trên 1.600 thành viên; hơn 200 Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” với gần 5.700 thành viên tham gia, thường xuyên tuyên truyền vận động, hỗ trợ giúp đỡ phụ nữ, trẻ em yếu thế, đặc biệt đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nam giới. Qua đây, các thành viên được cung cấp kiến thức về tổ chức cuộc sống gia đình, kỹ năng ứng xử gia đình và với cộng đồng; tuyên truyền Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống bạo lực và XHTE.
Đặc biệt, từ năm 2019 đến quý III-2021, các cấp Hội LHPN tỉnh kịp thời tìm hiểu hoàn cảnh, nắm bắt sự việc, tư vấn, giúp đỡ 495 vụ hôn nhân gia đình và bạo lực gia đình có chuyển biến tốt; kịp thời phát hiện, lên tiếng, hỗ trợ, can thiệp, đề nghị ngành chức năng giải quyết trên 51 vụ việc xâm hại, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em (trong đó, đề nghị ngành chức năng giải quyết 18 vụ xâm hại tình dục trẻ em).
Từ những mô hình trên, trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại được can thiệp, trợ giúp thông qua các chương trình, chính sách trợ giúp đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực, tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi XHTE đến việc thực hiện quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại có những chuyển biến tích cực.
Số lượng thông tin tố giác hành vi XHTE tăng lên, nhận thức về bảo vệ trẻ em của người dân từng bước được nâng cao. Việc tiếp nhận, xử lý thông tin, bảo mật thông tin, cung cấp dịch vụ hỗ trợ trẻ bị bạo lực, xâm hại của các cơ quan chức năng được thực hiện tốt và ngày càng củng cố niềm tin trong nhân dân.
PHƯƠNG MAI