.

Để người mất nhẹ gót trở về lòng đất mẹ ​

Cập nhật: 14:19, 18/11/2021 (GMT+7)

“Họ đã trút hơi thở cuối cùng, nhẹ gót ra đi trở về lòng đất mẹ, từ bỏ cuộc đời huyễn mộng, xa rời mái ấm gia đình, từ giã những người thân yêu và vĩnh biệt tất cả chúng ta… khi đang thực hiện nhiệm vụ cao cả của người con đất Việt. Họ là những người xứng đáng được vinh danh trên trang sử vàng son của nước Việt”, Thượng tọa Thích Quang Thạnh xúc động bày tỏ.

Sáng 18-11, tại Việt Nam Quốc tự, Ban Thường trực trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) - Văn phòng 2 Trung ương phối hợp với Ban Thường trực, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM tổ chức đại lễ tưởng niệm cầu siêu các nạn nhân tử vong do dịch Covid-19. Buổi lễ diễn ra dưới hình thức truyền hình trực tiếp và trực tuyến trên các nền tảng số.

Tham dự có Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ nhất Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TPHCM; Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh GHPGVN; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng trị sự GHPGVN; Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Nguyễn Văn Lưu, Phó Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM; Nguyễn Văn Lượng, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo TPHCM.

a
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19

Trong phần giới thiệu chương trình đại lễ tưởng niệm cầu siêu, Thượng tọa Thích Quang Thạnh, Phó Thư ký kiêm Chánh Văn phòng Ban Trị sự GHPGVN TPHCM chia sẻ: họ là những cán bộ, chiến sĩ bản lãnh kiên trung; các bác sĩ, y tá, lương y tận tâm đầy trách nhiệm; quý tăng ni, phật tử đầy nhiệt huyết và các tình nguyện viên tích cực nhiệt tình và đồng bào các giới thân thương của chúng ta. Tất cả mọi người luôn sẵn sàng tham gia tuyến đầu phòng chống "giặc bệnh" vô hình, chấp nhận hy sinh tính mạng để ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch, bảo vệ sức khỏe và an toàn cho cộng đồng, hạnh phúc cho dân tộc và ổn định đất nước Việt Nam thân yêu.

a
Nghi thức lễ cầu siêu cho đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 tại Việt Nam Quốc Tự


“Họ đã trút hơi thở cuối cùng, nhẹ gót ra đi trở về lòng đất mẹ, từ bỏ cuộc đời huyễn mộng, xa rời mái ấm gia đình, từ giã những người thân yêu và vĩnh biệt tất cả chúng ta… khi đang thực hiện nhiệm vụ cao cả của người con đất Việt. Họ là những người xứng đáng được vinh danh trên trang sử vàng son của nước Việt”, Thượng tọa Thích Quang Thạnh xúc động bày tỏ.

Trong số những người có mặt tại lễ kỳ siêu cho đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 sáng 18-11 tại Việt Nam Quốc tự, có những ánh mắt nhòe đi, có người nấc nghẹn bởi đớn đau dội về nhưng cũng có những gương mặt thất thần, ánh mắt như không còn xúc cảm. Có lẽ, nỗi đau khi đột ngột mất đi những người thân yêu đã bóp nghẹn cả những cảm xúc bình thường nhất của con người!

Có mặt từ rất sớm, chị Đào Lê Lan Huyền (ngụ quận 11) đến cầu siêu cho ba. Giữa tháng 7, cả 4 người trong gia đình chị Huyền đều mắc Covid -19 và được địa phương đưa đi cách ly tại BV quận 11. Do có bệnh nền, bệnh chuyển nặng nên ngay hôm sau, ba chị Huyền được đưa đến BV Ung bướu cơ sở 2 điều trị, còn 3 mẹ con chị đi BV dã chiến số 10 ở TP Thủ Đức.

"Chỉ 8 ngày phát bệnh, mẹ con tôi bên BV dã chiến số 10 nghe tin ba mất, lúc ấy đau lắm, nhà tôi đi 4 nhưng về chỉ còn 3. Ngày ba về nhà trong một "hình hài" khác, không có mẹ con tôi bên cạnh", chị Huyền xúc động chia sẻ. Chị Huyền tâm sự, giờ thì mẹ con chị đã phần nào nguôi ngoai, bởi nhân duyên của ba với mẹ con chị chỉ đến như vậy. Ba chị cũng sống một cuộc đời trọn vẹn bên gia đình.

Nỗi đau của chị Huyền cũng là nỗi đau của hàng chục ngàn gia đình có người thân mất vì Covid-19 khi làn sóng dịch lần thứ 4 “quét qua” TPHCM.

Ngồi lặng lẽ ở một góc, hai bàn tay xiết chặt, dường như chị Trần Mai Thanh (ngụ TP Thủ Đức) chưa thể chấp nhận sự thật người mẹ thân yêu đã ra đi.

"Trưa ngày 25-7, mẹ tôi được đưa đi bệnh viện rồi một ngày sau người ta báo tin mẹ không qua khỏi. Lúc đó là 18 giờ 3 phút ngày 26-7, chỉ 2 ngày nữa là sinh nhật 60 tuổi của mẹ... ", chị Thanh không thể quên thời khắc chị mồ côi mẹ.

Mẹ chị Thanh ra đi khi chỉ còn 2 ngày nữa là sinh nhật tròn 60 tuổi và cũng chỉ còn vài tháng nữa chị sẽ về nhà chồng. Nhà chỉ có 2 mẹ con, mẹ ra đi để lại khoảng trống quá lớn trong lòng người con ở lại.
Mở túi lấy chiếc khẩu trang khác để thay cho chiếc khẩu trang đã ướt vì nước mắt, giọng bà Nguyễn Thị Minh Hải (quận Phú Nhuận) lạc đi: "Ngày cuối mẹ con tôi gặp nhau là ngày sinh nhật tôi, rồi TP giãn cách xã hội, hơn 2 tháng sau mẹ tôi ra đi sau 10 ngày mắc Covid-19, không một ai bên cạnh. Cảm giác đau đớn lắm cô...".

Bà Hải đến cầu siêu cho mẹ ruột mất vì Covid-19 ở tuổi 80. Dẫu biết cuộc sống là có sinh, có tử, gia đình cũng đã chuẩn bị tâm lý sẽ phải tiễn biệt người mẹ già nhưng sự ra đi đột ngột, ra đi trong cô độc của mẹ vẫn khiến bà Hải và người thân khó nguôi ngoai.

Biết tin Việt Nam Quốc tự tổ chức lễ cầu siêu cho đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19, vợ chồng bà Nguyễn Thị Phương Nam (quận 8) đến cầu siêu cho người thân, bạn bè.

"Hơn 10 người thân, quen của tôi mất đợt này. Cứ vài bữa lại nghe tin một người mất. Mấy tháng trời tôi không ngủ được, xót lắm. Tôi thương nhất nhỏ em Nguyễn Thị Kiều, hôm trước mắc Covid-19, hôm sau mất luôn. Nhỏ nghèo lắm, một mình làm mướn nuôi các anh, các em bị bệnh. Nhỏ cũng bệnh tùm lum, tôi nói nghỉ ngơi hoài mà đâu có nghe. Sức khỏe không có, dính bệnh là mất luôn. Giờ ở đâu có lễ cầu siêu là tôi đến”, bà Nam trải lòng.

Đồng chí Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM chia sẻ, tôi nghĩ rằng với việc tổ chức đại lễ tưởng niệm cầu siêu các đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19 giúp gia đình và những người tử vong trong đợt dịch vừa qua cảm thấy ấm lòng. Đồng thời, qua lễ tưởng niệm còn gửi đến mọi người nâng cao cảnh giác nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19. Trong thời gian qua, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, đặc biệt là những chương trình thiện nguyện. Và trong đại lễ cầu siêu này, không chỉ ở Việt Nam Quốc tự mà ở các chùa, tự viện cũng tổ chức với quy mô, hình thức phù hợp, vừa đảm bảo phòng chống dịch, vừa đảm bảo lễ trang trọng để thành tâm cầu nguyện cho vong linh những người đã khuất.

Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn vừa có thông báo tưởng nhớ đồng bào tử vong trong đại dịch Covid-19. Cụ thể, vào lúc 20 giờ 30 phút ngày 19-11, các nhà thờ và nhà nguyện trong Tổng Giáo phận sẽ đồng loạt đổ chuông sầu khoảng 5 phút, để tưởng nhớ đồng bào đã tử vong trong đại dịch Covid-19

(Theo sggp.org.vn)
 

.
.
.