Hướng tới bình đẳng giới thực chất, phù hợp bối cảnh dịch bệnh Covid-19
Năm nay, Tháng hành động vì bình đẳng giới (BĐG) và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới (gọi tắt là Tháng hành động) diễn ra từ ngày 15-11 đến 15-12, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, với chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện BĐG và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang, các hoạt động Tháng hành động vẫn được triển khai tại các huyện, thành, thị trong tỉnh phù hợp với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Nương, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tiền Giang về thực hiện các hoạt động vì BĐG trong giai đoạn hiện nay.
* PV: Đồng chí đánh giá thế nào về thực trạng BĐG ở tỉnh Tiền Giang hiện nay?
* Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Nương: Thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐG, tỉnh Tiền Giang đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực, từng bước thực hiện các mục tiêu về BĐG một cách thực chất trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội và gia đình. Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, công tác BĐG của tỉnh trong một số lĩnh vực đã thu được những kết quả khả quan.
Cụ thể như kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 vừa qua, tỷ lệ phụ nữ trúng cử rất cao so với nhiệm kỳ trước đó, đại biểu Quốc hội 37,5%; HĐND cấp tỉnh 27,87%; HĐND cấp huyện 31,23%, HĐND các cấp xã 29,10%.
Vấn đề lao động, việc làm cho nữ luôn được quan tâm. Mặt khác, lao động nữ dễ tìm việc làm hơn so với nam ở một số ngành nghề như: Dệt may, giày da, túi xách, thủy sản... Do đó, lao động nữ tại các khu, cụm công nghiệp luôn chiếm tỷ lệ cao. Từ đầu năm đến nay, tỉnh giải quyết việc làm cho 7.278 lao động nữ; tư vấn cho 11.967 lượt lao động nữ và đã giới thiệu cho 802 lao động nữ có việc làm ổn định.
* PV: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác BĐG năm 2021 sẽ được thực hiện theo kế hoạch như thế nào, thưa đồng chí?
* Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Nương: Năm 2021, trong điều kiện khó khăn do dịch bệnh Covid-19, chúng tôi đã chủ động, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan và các huyện, thành, thị tổ chức triển khai theo điều kiện thực tế, tình hình dịch bệnh của từng địa phương, đơn vị. Lắp đặt pano tuyên truyền về BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại các huyện, thành, thị; nhân bản tài liệu cấp phát trong cộng đồng và khu, cụm công nghiệp tuyên truyền nâng cao nhận thức về BĐG.
Phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tuyên truyền xây dựng và sửa đổi quy ước ấp, khu phố đảm bảo nguyên tắc BĐG; đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các mô hình về BĐG; tổ chức các hoạt động và nâng cao năng lực về công tác BĐG, góp phần thu hẹp khoảng cách giới.
Do tình hình dịch bệnh phức tạp nên chúng tôi không tham mưu tổ chức Lễ phát động Tháng hành động mà chuyển đổi sang hình thức tuyên truyền thông qua các trang mạng xã hội, pano, áp phích, tờ rơi, khẩu hiệu tuyên truyền; tổ chức các hội thi, tọa đàm về BĐG…
Phát hành các sản phẩm truyền thông về những chính sách an sinh xã hội, vai trò của phụ nữ, BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em; treo băng rôn tuyên truyền hưởng ứng Tháng hành động.
Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là các vụ bạo lực diễn ra trong môi trường gia đình, trong thời gian cách ly, giãn cách xã hội do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
* PV: Trong thời gian qua, Tiền Giang đã xây dựng 4 mô hình điểm trong thực hiện BĐG như: “Ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”; “Ngăn ngừa và giảm thiểu các hệ lụy của việc phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài”; “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng”; “Câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài”. Qua quá trình triển khai thực hiện, đồng chí đánh giá như thế nào về hiệu quả của 4 mô hình điểm này?
* Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Nương: Qua thời gian triển khai 4 mô hình điểm trong thực hiện BĐG trên đã tạo bước chuyển biển mạnh mẽ về nhận thức và hành động nhằm thúc đẩy sự thay đổi hành vi trong thực hiện BĐG, giảm khoảng cách giới và nâng cao vị thế phụ nữ trong một số lĩnh vực. Nhiều chị em phụ nữ đã được hỗ trợ, giúp đỡ, tư vấn, can thiệp kịp thời...
Từ đó, giúp cho tình trạng bất BĐG giảm rõ rệt. Đồng thời, thông qua hoạt động của các mô hình thúc đẩy BĐG, phòng, chống bạo lực gia đình không chỉ góp phần thực hiện đạt các mục tiêu chung về BĐG của tỉnh nhà, mà còn đạt các chỉ tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới hiện nay.
* PV: Xin cảm ơn đồng chí!
MAI PHƯƠNG (thực hiện)