Công tác DS-KHHGĐ tỉnh Tiền Giang: Chặng đường 10 năm nhìn lại
Trong giai đoạn 2011 - 2020, Tiền Giang đã đạt được những kết quả nổi bật trong công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) được trung ương đánh giá cao. Công tác DS-KHHGĐ của tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số tỉnh nhà.
NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Về tổ chức bộ máy, tuyến tỉnh đơn vị được giao nhiệm vụ chuyên môn thực hiện công tác DS-KHHGĐ là Chi cục DS-KHHGĐ (trụ sở tại số 11, Rạch Gầm, phường 1, TP. Mỹ Tho) trực thuộc Sở Y tế. Lãnh đạo là Bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế phụ trách công tác DS-KHHGĐ và bác sĩ Nguyễn Thành Sang, Chi cục trưởng DS-KHHGĐ từ tháng 11-2010 đến nay.
Tuyến huyện, từ năm 2011 - 2018, tên gọi là Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thị, thành trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ, có 1 Giám đốc và 1 Phó Giám đốc; Phó Chủ tịch UBND huyện, thị, thành làm Trưởng Ban chỉ đạo. Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm DS-KHHGĐ sáp nhập về Trung tâm Y tế huyện, thị, thành lập khoa/phòng Dân số. Tuyến xã, từ tháng 5-2008 đến nay, thực hiện theo mô hình viên chức dân số xã nằm trong trạm y tế và chịu sự quản lý điều hành của lãnh đạo trạm y tế, Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng Ban chỉ đạo.
Mục tiêu, nhiệm vụ của công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn 2011 - 2020: Thực hiện Quyết định 3237 ngày 24-12-2012 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản (DS-SKSS) tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020 (căn cứ Quyết định 2013 ngày 14-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược DS-SKSS Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020); tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2012 - 2015 theo Quyết định 1999 ngày 31-8-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2012 - 2015.
Mục tiêu cụ thể, công tác DS-KHHGĐ nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số, góp phần nâng chất nguồn nhân lực, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và cải thiện chất lượng cuộc sống của nhân dân. Tốc độ tăng dân số trung bình khoảng 0,8%/năm, quy mô dân số không vượt quá 1.727.465 người vào năm 2015 và không quá 1.797.678 người vào năm 2020.
Tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh ít nhất 15% vào năm 2015 và đạt 50% vào năm 2020. Tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc ít nhất 30% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020. Tỷ số giới tính khi sinh dưới mức 113 bé trai/100 bé gái vào năm 2015 và ở dưới mức 115 bé trai/100 bé gái vào năm 2020. Tăng tỷ lệ cơ sở y tế tuyến huyện trở lên có điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi từ 20% năm 2010 lên 50% vào năm 2015 và 70% vào năm 2020. Tăng tỷ lệ người cao tuổi được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng lên 20% vào năm 2015 và 50% vào năm 2020.
Nhiệm vụ của công tác DS-KHHGĐ trong giai đoạn này là thực hiện các dự án, đề án về DS-KHHGĐ. Trong đó gồm các dự án: Đảm bảo hậu cần và cung cấp dịch vụ KHHGĐ; Truyền thông chuyển đổi hành vi về DS-KHHGĐ; Nâng cao chất lượng dân số; Nâng cao năng lực quản lý chương trình DS-KHHGĐ; Phòng, chống nhiễm khuẩn, ung thư đường sinh sản; Cải thiện sức khỏe sinh sản cho người chưa thành niên và thanh niên; Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển đến năm 2020.
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ GIAI ĐOẠN 2021 - 2030
Mục tiêu của công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2021 - 2030 là duy trì mức sinh hợp lý, phấn đấu nâng dần mức sinh để đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con); đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phấn đấu quy mô dân số của tỉnh ở mức 1.817.777 người vào năm 2025 và mức 1.863.678 người vào năm 2030. Mọi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có nhu cầu đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại, phòng tránh vô sinh và hỗ trợ sinh sản. Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Chiều cao thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ đạt 157,5 cm; giảm 2/3 số vị thành niên và thanh niên có thai ngoài ý muốn (so với năm 2019). Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn so với năm 2019. 90% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất. 75% phụ nữ từ 30 - 54 tuổi được sàng lọc ung thư vú, ung thư cổ tử cung 1 lần/năm.
Tuổi thọ bình quân của tỉnh ≥ 76 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 69 năm. 100% dân số được đăng ký, quản lý trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thống nhất, dùng chung trên quy mô toàn quốc.
100% ngành, lĩnh vực và địa phương sử dụng dữ liệu chuyên ngành Dân số vào xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, khám, chữa bệnh, chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung; xây dựng môi trường xã hội thân thiện với người cao tuổi, có 50% số xã, phường đạt tiêu chí thân thiện với người cao tuổi.
Nhiệm vụ, công tác DS-KHHGĐ tập trung thực hiện các chương trình, đề án của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, gồm: Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi 2021 - 2030 và các đề án: Truyền thông dân số đến năm 2030; Điều chỉnh mức sinh giữa các vùng, đối tượng đến năm 2030; Nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đến năm 2030; Phòng, chống vô sinh, hỗ trợ sức khỏe sinh sản; Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên; Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh, sơ sinh; Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Đăng ký dân số và cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đến năm 2030; Củng cố hệ thống thông tin thống kê chuyên ngành Dân số; Bố trí, sắp xếp dân cư hợp lý ở vùng biên giới, hải đảo, vùng đặc biệt khó khăn, vùng trọng yếu an ninh, quốc phòng đến năm 2030; Phát huy lợi thế dân số vàng đến năm 2030; Tăng cường quản lý nhà nước, bảo đảm khả năng đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị đến năm 2030; Thích ứng với già hóa dân số đến năm 2030; Sắp xếp lại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập đến năm 2030; Xây dựng cơ sở dữ liệu về gia đình đến năm 2025; Nâng cao năng lực nghiên cứu về dân số và phát triển đến năm 2030.
THU THỦY