Đề xuất 9 chính sách đặc thù để thực hiện chiến lược phòng chống dịch Covid-19
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng để thực hiện, quan trọng nhất là phải thống nhất với nội dung sau khi bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp |
Sáng 6-12, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã họp phiên họp toàn thể lần thứ 5 theo hình thức trực tuyến để thẩm tra tờ trình của Chính phủ về dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng chống dịch Covid-19 để thực hiện Chiến lược tổng thể về phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, về cơ chế, đặc biệt, đặc cách, đặc thù trong phòng chống dịch, Chính phủ đề xuất 9 chính sách tập trung vào 4 nhóm vấn đề lớn quy định về khám bệnh, chữa bệnh từ xa; thanh toán chi phí; chế độ chống dịch; dược và trang thiết bị y tế.
Toàn cảnh phiên họp |
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự chủ động của Ủy ban Xã hội, với tinh thần chuẩn bị từ sớm, kỹ lưỡng và nghiêm túc, trách nhiệm, thẳng thắn, nêu rõ quan điểm của ủy ban đối với từng nội dung. Nhất trí với đề xuất ban hành nghị quyết của UBTVQH cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong phòng chống dịch, song Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý các cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc cách, đặc thù cần được xem xét một cách kỹ lưỡng, thận trọng để thực hiện, quan trọng nhất là phải thống nhất với nội dung sau khi bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (dự kiến sẽ trình UBTVQH cho ý kiến vào tháng 3-2022, nếu đủ điều kiện).
Thứ hai, nghị quyết này cần thống nhất với các văn bản đã ban hành về thời điểm có hiệu lực, thời điểm hết hiệu lực; đối tượng áp dụng; quyền, nhiệm vụ của UBND, sở y tế các tỉnh, thành phố trong việc điều động tham gia phòng chống dịch, trong việc bảo đảm ngân sách, như trong một số điều dự thảo nghị quyết có nêu.
Thứ ba, về việc huy động cơ sở y tế tư nhân tham gia là cần thiết, cấp bách lúc này, cần khuyến khích, tạo động lực cho cơ sở y tế tư nhân tham gia, có cơ chế bù đắp chi phí vận hành của cơ sở tư nhân. Tuy nhiên, cần làm rõ cách thức, nội dung áp dụng, thanh toán các chi phí tại cơ sở y tế tư nhân.
Thứ tư, việc tổ chức khám chữa bệnh từ xa là cần thiết. Tuy nhiên phải làm rõ trách nhiệm của người hành nghề, phạm vi, đối tượng, cơ chế thanh toán, kiểm soát, tránh lạm dụng trong việc khám chữa bệnh từ xa; cần tiếp tục lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý từ thực tiễn, nghiên cứu để đưa vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh tới đây.
Thứ năm, vấn đề bình ổn giá trang thiết bị y tế, chỉ nên đưa vào nghị quyết danh mục những trang thiết bị y tế thực sự cấp bách, cần thiết cho phòng chống dịch Covid-19 và đã được đánh giá tác động kỹ lưỡng.
Thứ sáu, về chính sách tiền lương, tiền công, phụ cấp và chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia hỗ trợ phòng chống dịch, phải làm rõ nguồn hiện có, dự kiến chi, để bảo đảm an toàn quỹ Bảo hiểm Y tế cũng như đảm bảo tính minh bạch, khả thi, phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước; tránh chồng chéo trong chế độ, chính sách, không trái với Luật Bảo hiểm Xã hội, Bộ luật Lao động và tinh thần Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 của UBTVQH.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, đây là vấn đề quan trọng, có tác động, ảnh hưởng lớn đến xã hội, người dân, Chính phủ; cơ quan được giao soạn thảo (Bộ Y tế) cần tiếp tục lắng nghe, nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo nghị quyết trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra.
Theo sggp.org.vn