Thứ Tư, 01/12/2021, 10:32 (GMT+7)
.

Kiến nghị cảnh báo người dân về các tin nhắn lừa đảo nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Cần cảnh giác với tin nhắn từ các đầu số lạ lừa đảo thông tin về nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (Ảnh: VSS).
Cần cảnh giác với tin nhắn từ các đầu số lạ lừa đảo thông tin về nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (Ảnh: VSS).

Thời gian qua, nhiều đầu số lừa đảo nhắn tin tới người lao động thông báo việc nhận trợ cấp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp nhằm chiếm đoạt tài sản. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet cần thông báo đến các thuê bao về các kênh thông tin chính thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam để người dân được biết, tránh bị lừa chiếm đoạt tiền trên tài khoản.

Trung tâm Công nghệ thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có Công văn gửi Cục Viễn thông và Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) về việc hỗ trợ thông báo đến các thuê bao thông tin chính thống của ngành bảo hiểm xã hội.

Từ thời điểm cuối tháng 10/2021 đến nay, lợi dụng việc ngành bảo hiểm xã hội đang tổ chức thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 của Chính phủ và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, đã xuất hiện nhiều đầu số lừa đảo người dân về việc nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để chiếm đoạt tiền trong tài khoản cá nhân của người dân.

Theo phản ánh của người dân, các đầu số: 052…; +84563…; +84528…; +84582… nhắn tin tới điện thoại di động của người dân với nội dung thông báo việc nhận trợ cấp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm chiếm đoạt tài sản.

Ngoài việc nhắn tin qua tin nhắn SMS, các đối tượng lừa đảo còn nhắn tin qua mạng xã hội Zalo. Khi người dân đăng nhập vào các đường link lừa đảo trên, sẽ hiển thị giao diện giao dịch giống với trang giao dịch điện tử của các ngân hàng người dân đang sử dụng. Sau đó, các giao diện này sẽ yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã OTP tài khoản ngân hàng để chiếm dụng tiền trong tài khoản của người dân.

Bên cạnh đó, hiện nay cũng xuất hiện các số điện thoại có đầu số +4841900.... gọi điện trực tiếp yêu cầu người dân làm theo hướng dẫn để nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với thủ đoạn hướng dẫn kê khai tài sản và chiếm đoạt tiền có trong tài khoản ngân hàng...

Ngay khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng này, từ đầu tháng 10 đến nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam liên tục phát các thông tin báo chí cảnh báo về việc các đầu số 052, 058... nhắn tin lừa đảo nhận tiền hỗ trợ gửi các cơ quan thông tấn, báo chí với tần suất và thời lượng lớn để cảnh báo người dân.

Tuy nhiên, cá biệt vẫn có một số người dân tại các tỉnh, thành phố như: Hưng Yên, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh... mất cảnh giác, truy cập đường link lừa đảo của các tin nhắn nêu trên và bị chiếm đoạt mất hàng trăm triệu đồng.

Hiện nay, các thông tin trực tuyến hỗ trợ người lao động tra cứu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam gồm:
- Cổng thông tin điện tử: https://baohiemxahoi.gov.vn (đã được gán nhãn tín nhiệm mạng)
- Cổng dịch vụ công: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn (đã được gán nhãn tín nhiệm mạng)
- Ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số
- Thư điện tử: thongbao@baohiemxahoi.gov.vn
- Nhắn tin qua tổng đài số: 8079 (người dùng dịch vụ sẽ trả phí dịch vụ 1.000 đồng/tin nhắn cho nhà mạng)
- Tin nhắn brandname (thương hiệu) của Bảo hiểm xã hội Việt Nam với tên: BHXHVN
- Số điện thoại hotline: 1900.9068

Theo đó, tại Công văn số 2419/CNTT-HTA, Trung tâm Công nghệ thông tin (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) đề nghị Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông thông tin cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet thông báo đến các thuê bao về các kênh thông tin chính thống của cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam để người dân được biết, tránh bị lừa chiếm đoạt tiền trên tài khoản. Đồng thời, điều phối ngăn chặn, xử lý tin nhắn, thư điện tử, cuộc gọi giả mạo cơ quan bảo hiểm xã hội; ngăn chặn các ứng dụng, đường link, trang web lừa đảo.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin rõ tới người lao động rằng, theo quy định tại Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg thời gian nhận hồ sơ nhận hỗ trợ là đến ngày 20/12/2021. Vì vậy, người lao động tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào, nhất là không nhấp chuột vào bất kỳ đường dẫn nào, nếu không sẽ có khả năng lộ thông tin cá nhân và bị hack tài khoản chiếm đoạt tiền.

Để tra cứu thông tin hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, người lao động chỉ cần truy cập vào dịch vụ tra cứu trên Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo đường link: https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/cong-khai-thong-tin-huong-ho-tro-theo-nghi-quyet-so-116nqcp.aspx. Sau đó, nhập “Mã số bảo hiểm xã hội”, “Họ tên” rồi tích chọn “Tôi không phải là người máy” chọn hình ảnh trả lời rồi nhấn “Tra cứu”.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam khuyến nghị, khi nhận được các tin nhắn như trên, người dân cần nâng cao cảnh giác, hoặc thông báo đến số điện thoại đường dây nóng 1900.9068 để được tư vấn, hỗ trợ và giải đáp kịp thời.

Tính tới hết ngày 29/11, cơ quan bảo hiểm xã hội đã giải quyết hưởng hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho hơn 12,3 triệu lao động.

Trong số này, có 11.425.650 lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp, 895.954 lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Tổng số tiền hỗ trợ đạt gần 28,2 nghìn tỷ đồng.

(Theo nhandan.vn)
 

.
.
.