.

Thị trường lao động thích ứng tình hình mới

Cập nhật: 10:58, 04/12/2021 (GMT+7)
mmm
Ảnh minh họa.

Đại dịch Covid-19 kéo dài đã và đang gây ra những hậu quả chưa từng có về lao động việc làm, sinh kế và đời sống của người lao động, nhất là đối với lao động di cư.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý II/2021 là 49,9 triệu người, giảm 65 nghìn người so với quý I; quý III/2021 chỉ còn 47,2 triệu người, giảm sâu xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Thị trường lao động giảm cả cung và cầu lao động dẫn đến hệ quả là tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhất trong 10 năm qua.

Lần đầu trong nhiều thập kỷ, làn sóng di cư ngược từ các khu đô thị, các trung tâm công nghiệp về nông thôn diễn ra với quy mô lớn như vậy. Người lao động về lại quê hương và chuyển đổi việc làm, chuyển đổi sinh kế đã diễn ra như một giải pháp sinh tồn. Nghiên cứu của các nhà khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho thấy, bất thường của thị trường lao động trong đại dịch lần này là sự gia tăng nhanh tỷ lệ thất nghiệp tạm thời, số người lao động bị giảm giờ làm hoặc nghỉ việc mà vẫn duy trì hợp đồng lao động; gia tăng số lượng lớn lao động ra khỏi lực lượng lao động (không tham gia hoạt động kinh tế), hoặc chuyển sang hoạt động tự cung tự cấp, sang lao động phi chính thức…

Như vậy, trong cuộc khủng khoảng này, cả nhu cầu lao động và cung lao động đều giảm. Nhu cầu và hành vi tìm kiếm việc làm bị chi phối bởi một số yếu tố nổi bật sau đây: Nỗi sợ bị lây nhiễm dịch bệnh; dịch vụ việc làm hạn chế hơn; điều kiện đi lại và yêu cầu phòng dịch; vấn đề nhà ở và tiếp cận các dịch vụ xã hội khác; đóng cửa trường học, nhiều phụ huynh phải ở nhà trông con...

Trong khi đó, các chương trình hỗ trợ việc làm chậm được kích hoạt, gần đây mới sử dụng kết dư quỹ bảo hiểm để hỗ trợ người lao động; vắng bóng các chương trình đào tạo lại, đào tạo nâng cao cho người thất nghiệp; chính sách phân phối và phúc lợi xã hội bộc lộ những lỗ hổng về bảo đảm thu nhập và an sinh xã hội cho người lao động… Nghị quyết số 128/NQ-CP ra đời đã đáp ứng đòi hỏi cấp bách của cuộc sống về tổng thể các giải pháp kinh tế-xã hội nói chung, lao động việc làm nói riêng.

Tại hội thảo về lao động và việc làm trong tình hình mới do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, để đối phó các tác động của đại dịch, các chính sách về thị trường lao động cần phải tiếp tục điều chỉnh nhanh và phù hợp, mô hình quản trị thị trường lao động cần được điều chỉnh theo hướng an ninh-linh hoạt.

Việt Nam đã xây dựng được bốn thể chế thị trường lao động cơ bản: Bộ luật Lao động; hệ thống giáo dục nghề nghiệp; hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm toàn quốc; chương trình bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, mô hình an ninh-linh hoạt đòi hỏi các thể chế thị trường lao động được liên kết để hỗ trợ lẫn nhau, hệ thống đào tạo nghề và dịch vụ việc làm cần có nhiệm vụ hỗ trợ những người mới ra trường và người tìm việc một cách hiệu quả. Các cơ sở đào tạo nghề và các trung tâm dịch vụ việc làm liên kết trực tiếp hơn với các doanh nghiệp và với người lao động...

Ðại dịch cũng cho thấy cần phải có liên hệ và phối hợp chặt chẽ giữa chính sách thị trường lao động và chính sách an sinh xã hội, tầm quan trọng của các lưới an sinh để bảo đảm thị trường lao động hoạt động hiệu quả trong mọi điều kiện. Ðồng thời, phải đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại và đào tạo nâng cao cho người lao động; ưu tiên đầu tư đào tạo nâng cao kỹ năng và đào tạo lại cho người thất nghiệp và người chuyển đổi việc làm. Nhu cầu cấp bách là đào tạo các kiến thức máy tính và công nghệ thông tin cơ bản cho số đông lao động tay nghề thấp, người lớn tuổi để họ có thể tìm việc làm, đồng thời cải cách hệ thống dịch vụ việc làm thông qua ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và số hóa.

Chính sách và biện pháp quản lý rủi ro thị trường lao động cũng là vấn đề lớn cần được giải quyết hiệu quả. Việc kích hoạt kịp thời các chính sách việc làm công, các gói cứu trợ đột xuất cho người lao động, các chương trình đào tạo ngắn hạn cho lao động tạm thời nghỉ việc... sẽ giúp người lao động ổn định cuộc sống, tận dụng thời gian nghỉ việc để nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng. Ðể đạt được mục tiêu này cần kết nối cơ sở dữ liệu về quản lý dân cư với cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội và dữ liệu về thị trường lao động.

(Theo nhandan.vn)

 

.
.
.