Thứ Năm, 20/01/2022, 08:07 (GMT+7)
.

Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam

Đó là một trong những phong trào do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động giai đoạn 2011 - 2021. 10 năm qua, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (viết tắt là NNCĐDC) trong tỉnh Tiền Giang vừa làm tốt nhiệm vụ của Hội, vừa hưởng ứng, triển khai thực hiện sâu rộng phong trào “Hành động vì NNCĐDC Việt Nam” (gọi tắt là Phong trào) mang lại hiệu quả thiết thực được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng Bằng khen đạt thành tích tập thể xuất sắc thực hiện Phong trào.

Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh Tiền Giang Trần Thị Quý Mão (thứ 4 từ trái sang) nhận Bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tại Lễ Mít tinh kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam diễn ra tại Hà Nội vừa qua.
Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC tỉnh Tiền Giang Trần Thị Quý Mão (thứ 4 từ trái sang) nhận Bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam tại Lễ Mít tinh kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam diễn ra tại Hà Nội vừa qua.

THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN SÂU RỘNG

Trong công tác tuyên truyền, các cấp Hội NNCĐDC trong tỉnh có sự phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ, các cơ quan, đoàn thể có liên quan tổ chức các hình thức, nội dung tuyên truyền Phong trào phù hợp, rộng rãi trong nhân dân.

Qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về thảm họa da cam và tích cực tham gia công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam. Đồng thời, Hội NNCĐDC và MTTQ các cấp trong tỉnh đã gắn mục tiêu Phong trào với nhiệm vụ của từng đơn vị để tổ chức thực hiện đảm bảo hiệu quả Phong trào.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào công tác phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giải quyết hậu quả chất độc da cam; vận động trong hệ thống Hội, các tổ chức thành viên của Mặt trận và toàn xã hội tích cực hưởng ứng Phong trào, chung tay xoa dịu nỗi đau da cam; tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Vì nạn nhân da cam hằng năm; phối hợp Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh và Truyền hình Tiền Giang thực hiện các chuyên mục, phóng sự “Đồng hành cùng nạn nhân da cam”, “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”; đưa những nội dung tuyên truyền đăng tải lên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là phát triển hệ thống truyền thanh ở các huyện, thành, thị, xã, phường, thị trấn tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng xã hội.

Trong 10 năm qua, các cấp Hội NNCĐDC trong tỉnh đã phối hợp tổ chức tuyên truyền 17.971 cuộc, với 411.542 người tham dự. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, nhiều tổ chức, cá nhân đã ủng hộ, giúp đỡ NNCĐDC từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

VẬN ĐỘNG NGUỒN LỰC GIÚP ĐỠ NẠN NHÂN

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12.136 NNCĐDC, trong đó có nhiều nạn nhân gặp khó khăn trong cuộc sống rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội. Với vai trò là tổ chức xã hội từ thiện, các cấp Hội NNCĐDC trong tỉnh đã làm cầu nối gắn kết những tấm lòng nhân ái đến với nạn nhân, chia sẻ và giúp đỡ họ vượt qua nỗi đau da cam. Theo đó, các cấp Hội phối hợp với Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận tập trung vận động nguồn lực đạt hiệu quả cao.

Phát huy những kết quả nổi bật của các cấp Hội NNCĐDC trong tỉnh cũng như của Phong trào, thời gian tới, các cấp Hội sẽ xây dựng kế hoạch nhiệm vụ hằng năm gắn với nội dung phát động Phong trào, cụ thể như xây dựng, kiện toàn tổ chức Hội vững mạnh để làm nòng cốt trong việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ các cấp duy trì thực hiện hiệu quả Phong trào; tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tác hại của chất độc da cam ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe con người… Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ, giúp đỡ ngày càng thiết thực cho NNCĐDC cả về vật chất và tinh thần; gắn đánh giá kết quả hoạt động hằng năm của Hội với sơ kết, rút kinh nghiệm triển khai thực hiện Phong trào…
 
CHỦ TỊCH HỘI NNCĐDC TỈNH DƯƠNG THỊ LỆ

Qua 10 năm hưởng ứng thực hiện Phong trào, đến nay, Hội NNCĐDC phối hợp với Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh vận động các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đóng góp tiền và hàng hóa trị giá trên 115,9 tỷ đồng.

Tùy hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình nạn nhân, các cấp Hội hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân vượt qua khó khăn bằng những hình thức, như: Hỗ trợ vốn tạo sinh kế, cải thiện đời sống cho 258 lượt hộ nạn nhân, với số vốn trên 3 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng 623 căn nhà “Mái ấm da cam” cho hộ nạn nhân gặp khó khăn về nhà ở, kinh phí trên 17,7 tỷ đồng; trao tặng 709 xe lăn, xe lắc (trị giá trên 1,8 tỷ đồng) cho nạn nhân bị khuyết tật...

Tập trung nhiều nhất là tổ chức thăm, tặng quà cho NNCĐDC nhân kỷ niệm các ngày lễ, tết; hỗ trợ học bổng cho các nạn nhân còn đi học; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nạn nhân đau bệnh; trợ cấp thường xuyên cho nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… với tổng số tiền trên 93,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các cấp Hội phấn đấu nâng cao hiệu quả chăm sóc, giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích của NNCĐDC. Cụ thể như thường xuyên phối hợp với các cơ quan hữu quan khảo sát, nắm chắc số NNCĐDC là người tham gia kháng chiến và con, cháu của họ; nạn nhân là công dân bị nhiễm chất độc hóa học để hướng dẫn làm hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết chế độ theo quy định…

 

 

 

LÊ HUỲNH

.
.
.