Những người "giữ lửa" cho nghề đan giỏ bàng buông
Cập nhật: 17:04, 08/01/2022 (GMT+7)
(ABO) Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng nhiều thợ đan giỏ bàng buông ở xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang vẫn duy trì việc làm ổn định, quyết tâm “giữ lửa”, không để nghề bị thất truyền.
Cây bàng và cây buông là 2 loài cây khác nhau, nhưng khi kết hợp lại dưới bàn tay tài hoa và khéo léo của những người thợ, nhiều sản phẩm giỏ bàng buông đã lần lượt ra đời, nhận được sự đánh giá cao của khách hàng, giới làm nghề...
Cơ sở bàng buông Liên Hên giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động tại cơ sở và hàng trăm lao động nông nhàn tại nhà. |
NGHỀ GIA TRUYỀN
Sinh ra trong gia đình truyền thống đan bàng buông, từ nhỏ chị Lai Thị Liên và chị Lai Thị Hên (ấp Tân Lược 1, xã Tân Lý Đông) đã làm bạn với cộng bàng, cộng buông. Chị Lai Thị Hên cho biết: “Trước đây, bà rồi đến mẹ chị đều đan bàng buông. Lúc trước, chị chủ yếu đan nón bàng buông để bán cho các điểm du lịch. Các chị em trong nhà từ nhỏ nhìn bà, nhìn mẹ đan đệm, đan nón rồi làm theo thành quen”.
Kiên trì học hỏi, cộng với đôi bàn tay khéo léo, chị Liên và chị Hên đã trở thành những người thợ giỏi nghề ở địa phương. Làm công nhân cho các cơ sở đan bàng, buông một thời gian, 2 chị mạnh dạn thành lập cơ sở bàng buông Liên Hên cho đến nay.
Chị Hên chia sẻ: “Nhận thấy mặt hàng giỏ bàng buông ít người làm nên 2 chị em quyết tâm tìm tòi học hỏi, sáng tạo nhiều mẫu mã đi chào hàng khắp nơi. Sau thời gian kiên trì, sản phẩm giỏ bàng buông của cơ sở đã được nhiều người biết đến”.
Chị Lai Thị Hên thường xuyên tạo ra các mẫu giỏ mới phù hợp nhu cầu thị trường. |
Năm 2021, dịch Covid-19 bùng phát, địa phương có thời gian phải thực hiện giãn cách xã hội khiến cho các hoạt động đi lại, sản xuất, kinh doanh tạm ngưng hoạt động. Mặc dù những người thợ không đến cơ sở làm việc, nhưng chị em vẫn nhận bàng buông về nhà đan. Chị Hên cần mẫn sáng tạo ra các mẫu mới chờ sau khi trở lại trạng thái bình thường mới sẽ bắt tay vào thực hiện ngay. Đó cũng là cách để chị Hên duy trì công việc, đảm bảo thu nhập cũng như "giữ lửa" với nghề.
Đôi bàn tay thoăn thoắt đan từng cộng bàng, cộng buông của những người thợ đang ngày đêm theo nghề đan bàng buông, đã thể hiện niềm tự hào, say mê, gắn bó với nghề. Các chị nói rằng, đó là đam mê, mà đam mê thì không thể nào bỏ được. Các chị chỉ biết “cặm cụi” tạo nên những chiếc giỏ bàng buông đẹp mắt, lưu giữ và chắp cánh cho nghề đan bàng buông truyền thống đi khắp nơi.
Chị Lai Thị Liên gắn bó với nghề đan bàng buông từ khi còn nhỏ. |
TẠO VIỆC LÀM CHO HÀNG TRĂM LAO ĐỘNG
Cơ sở bàng buông Liên Hên hiện tại giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động tại cơ sở và hàng trăm lao động nông nhàn tại nhà. Chị Hên cho biết: “Làm nghề này không khó. Chỉ cần tính cần cù, khéo tay thì chỉ hơn một tuần, nhân công có thể thạo việc. Ngoài việc làm các công đoạn tại cơ sở, các chị có thể nhận hàng về nhà để làm thêm”.
Cơ sở bàng buông Liên Hên đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động. |
Với mức thu nhập từ 100 - 150 ngàn đồng/ngày lại có thể làm thêm việc nhà và một số công việc khác, ai cũng hồ hởi tham gia làm tại cơ sở của chị Hên.
Tâm sự với chúng tôi, chị Đặng Thị Út (xã Thân Cửu Nghĩa) cho biết: “Trước đây thu nhập của tôi chủ yếu từ làm thuê, làm việc nhà. Từ khi đến làm tại cơ sở đan giỏ bàng buông của chị Hên, tôi kiếm thêm thu nhập khi nhận hàng về nhà làm và làm vào ban đêm. Chị Liên và chị Hên rất quan tâm đến cuộc sống của chị em, ai muốn học nghề 2 chị đều hướng dẫn tận tình, giúp đỡ các chị em khó khăn... Điều đó làm cho chúng tôi rất vui”.
Những chiếc giỏ bàng buông được sáng tạo gắn thêm vài phụ kiện cho trang nhã, đẹp mắt. |
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Lý Đông Nguyễn Thị Mỹ Phi chia sẻ: “Sự mạnh dạn của chị Liên và chị Hên khi mở cơ sở đan giỏ bàng buông là mô hình khởi nghiệp hiệu quả vừa giữ nghề truyền thống của địa phương. Giờ đây, cơ sở của 2 chị không những mang lại thu nhập cho gia đình chị, mà còn giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, đặc biệt là chị em phụ nữ. Thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã sẽ chọn làm cơ sở mẫu của xã. Bên cạnh đó, Hội sẽ hỗ trợ việc vay vốn, tạo điều kiện để cơ sở mở rộng nhằm tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân”.
LÊ PHƯƠNG