Chủ động thích ứng với hạn hán, xâm nhập mặn
Đo đạc thủy văn tại trạm Mỹ Thuận, tỉnh Vĩnh Long (Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Nam Bộ). |
Do tác động của biến đổi khí hậu cộng với sự khai thác tài nguyên nước một cách quá mức, những năm gần đây, hạn hán và xâm nhập mặn ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long diễn ra ngày càng gay gắt.
Để đối phó hiệu quả với tình trạng trên, đòi hỏi phải có những giải pháp hiệu quả hơn nữa, nhằm thích ứng linh hoạt, từ đó tiến tới giảm thiệt hại do hạn, mặn gây ra.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long hầu như năm nào cũng xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Khí tượng-Thủy văn, một số năm có tình trạng hạn mặn tăng cao điển hình, như từ cuối năm 2014, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nền nhiệt tăng cao, thiếu hụt lượng mưa, làm gia tăng tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn.
Cùng với sự gia tăng của mực nước biển và sự thay đổi các yếu tố khí tượng đã làm cho độ mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền. Mùa khô năm 2015 - 2016, 10 trong số 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực này đã phải công bố thiên tai do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra, tổng thiệt hại lên đến 7.900 tỷ đồng.
Mùa khô năm 2019 - 2020, hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử, tuy nhiên, do được dự báo sớm, cùng với sự chỉ đạo điều hành sát sao của Chính phủ, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để chủ động phòng, chống, giúp giảm đáng kể thiệt hại.
Trong mùa khô năm 2019 - 2020, tổng diện tích lúa bị thiệt hại do hạn, mặn gây ra là 58.400 ha, diện tích cây ăn trái bị thiệt hại 25.120 ha, có tổng cộng khoảng 96 nghìn hộ dân gặp khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn.
Phó Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia Hoàng Văn Đại cho biết: Trong các tháng còn lại mùa khô năm 2021 - 2022, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công (trạm Kratie-Campuchia) về hạ lưu và đồng bằng sông Cửu Long khả năng thiếu hụt 7-15% so với trung bình nhiều năm.
Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như mùa khô 2019-2020. Các đợt xâm nhập mặn cao nhất ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong nửa cuối tháng 2 và tháng 3/2022 (từ ngày 13 đến 17/2, từ ngày 26/2 đến 5/3, từ ngày 14 đến 19/3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3, 4 (từ ngày 14 đến 19/3, từ ngày 28/3 đến 3/4, từ ngày 12 đến 17/4), sau đó có xu thế giảm dần.
Thi công đập thép ngăn mặn trên kênh Nguyễn Tấn Thành, tỉnh Tiền Giang. (Ảnh NGỌC PHÚC) |
Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích gieo cấy lúa đông xuân có nguy cơ bị ảnh hưởng do hạn, mặn chiếm khoảng 5,3-6,1% của vùng. Hạn mặn có thể làm ảnh hưởng khoảng 14-23% diện tích cây ăn quả. Dự kiến khoảng 70.600 hộ bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt, tập trung ở các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Long An, Kiên Giang và Bạc Liêu.
Các vùng nuôi trồng hải sản, nuôi tôm nước lợ quảng canh, quảng canh cải tiến, tôm lúa tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh và Bến Tre; các hộ nuôi cá lồng trên hệ thống sông Cửu Long và khu vực nuôi nhuyễn thể tại vùng triều và cửa sông ở Tiền Giang và Bến Tre cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Để chủ động phòng, chống, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn, đã có nhiều giải pháp được Chính phủ, các địa phương đề ra, triển khai một cách bài bản, theo nguyên tắc thuận thiên, linh hoạt. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, dự báo, thông tin kịp thời về hạn hán, xâm nhập mặn cho các địa phương để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, nguồn nước, giám sát, tổ chức dự báo chuyên ngành về xâm nhập mặn để phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, trên nguyên tắc phát huy tinh thần “bốn tại chỗ”, bắt đầu từ người dân, từ cơ sở.
Trong những năm gần đây, cùng với những giải pháp phòng, chống, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã nỗ lực tìm cách “sống chung với hạn, mặn”. Một số địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tạo ra được những mô hình thành công, như trồng lúa nuôi tôm, trồng lúa - nuôi cá, trồng lúa chịu mặn… Đặc biệt, mô hình trồng lúa-nuôi tôm phát triển mạnh ở các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu... được coi là mô hình sản xuất thông minh, thân thiện với môi trường.
Việc áp dụng mô hình “cánh đồng lớn”, kết hợp nuôi, trồng xen canh, khắc phục nguy cơ bị thiệt hại nặng nề dẫn đến mất trắng do xâm nhập mặn hoặc hạn hán ở các tỉnh Sóc Trăng, Đồng Tháp, Hậu Giang, Bến Tre… đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Về lâu dài, các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành theo giai đoạn đối với một số công trình thủy lợi lớn, cấp nước sinh hoạt; hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý nguồn nước sử dụng sinh hoạt. Cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn, nhất là về khoa học và công nghệ, ứng dụng kỹ thuật số, công nghệ mới… trong phòng, chống xâm nhập mặn.
Trước mắt, để chủ động thích ứng an toàn với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021 - 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long khoanh vùng cụ thể các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn để chỉ đạo, triển khai giải pháp ứng phó phù hợp. Cần ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Đồng thời rà soát vùng cây ăn trái có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn; tính toán, cân đối nguồn nước, tăng cường xây dựng các ao trữ nước phân tán, bảo đảm có đủ nguồn nước cung cấp cho nhu cầu tối thiểu, duy trì sức sống cho cây trồng. Đẩy nhanh nạo vét kênh, rạch, đào ao, giếng, đắp đập tạm để trữ nước ngọt và ngăn mặn...
Tiếp tục tăng cường kết nối, mở rộng mạng lưới cấp nước từ đô thị sang khu vực nông thôn, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân; sử dụng trang thiết bị phục vụ cấp và trữ nước hộ gia đình ở những khu vực bị hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, như bể, bồn, lu, túi đựng nước và các hình thức khác.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng mô hình sản xuất mới, ứng dụng công nghệ hiện đại, liên kết vùng, từng bước chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu là những giải pháp hữu hiệu, tất yếu để phát triển nông nghiệp bền vững ở vùng đồng bằng sông Cửu Long trong những năm tiếp theo.
(Theo nhandan.vn)