Chuyển mình ở một xã cù lao
Để đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2021, xã Tân Phú (huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) tập trung đẩy mạnh chuyển dịch kinh tế phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng; đầu tư phát triển các giống cây trồng, vật nuôi chủ lực và có lợi thế của xã; tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Xã Tân Phú có 15 tuyến đường giao thông, dài hơn 13 km đạt chuẩn NTM. |
Trước đây, giao thông nông thôn của xã chủ yếu là đường đá cấp phối, một số tuyến đường dù được đầu tư nâng cấp bê tông nhưng mặt đường nhỏ hẹp. Từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, UBND xã Tân Phú đã lập kế hoạch quy hoạch xây dựng phát triển giao thông và lấy ý kiến nhân dân đối với từng tuyến đường, đưa vào kế hoạch xây dựng cụ thể theo từng năm, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Kết quả đến nay, xã đã xây dựng được 39 tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài trên 41 km, gồm có 19 tuyến đường liên ấp dài gần 19 km và 20 tuyến đường dân sinh dài hơn 22 km. Đến nay, xã không còn đường lầy lội vào mùa mưa.
Trong những năm qua, xã Tân Phú thường xuyên tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp ở khu dân cư, khu vực công cộng, trường học, các đường giao thông nông thôn chính...; vận đông các hộ sản xuất, kinh doanh đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chăn nuôi, trồng trọt đảm bảo vệ sinh môi trường. Sau thời gian phấn đấu, đến nay, xã có 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về môi trường. Đặc biệt, do nằm ở vùng cù lao giáp biển, xã quan tâm đến việc cấp nước sinh hoạt cho người dân. Sau thời gian phấn đấu, đến nay xã có 100% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; trong đó có 89,7% hộ sử dụng nước từ hệ thống cấp nước tập trung. |
Cùng với đó, cơ sở vật chất giáo dục, y tế không ngừng được đầu tư nâng cấp. Theo đó, trên địa bàn xã có 3 trường học; đến nay có 2 trường đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng tốt nhu cầu giảng dạy và học tập của các em học sinh.
Trạm Y tế xã Tân Phú có 13 phòng chức năng, đảm bảo phục vụ công tác khám, chữa bệnh của người dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được đầu tư nâng cấp, đủ điều kiện khám, chữa bệnh Đông y, Tây y. Các chương trình y tế quốc gia được triển khai thực hiện có hiệu quả.
Để nâng cao đời sống người dân, Đảng ủy, UBND xã rất quan tâm công tác dạy nghề, tạo việc làm cho lao động trong xã. Theo đó, xã thường xuyên phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn, dạy nghề nông thôn về kỹ thuật canh tác cây trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản, để tạo cơ hội việc làm cho người dân, nâng cao thu nhập cho nông dân. Kết quả năm 2021, xã có 92,2% người trong độ tuổi lao động có việc làm; trong đó, số lao động qua đào tạo đạt 30,7%.
Bên cạnh đó, xã luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển, xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân địa phương; vận động người dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, các loại hoa màu có năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn; chuyển đổi nhiều diện tích ao, đầm từ nuôi cá sang nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng.
Mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn xã cũng có bước phát triển với quy mô, số lượng ngày càng tăng. Từ đó, đời sống của người dân ngày càng nâng lên. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 50,2 triệu đồng/năm. Nhiều hộ gia đình có điều kiện xây dựng nhà ở khang trang, kiên cố.
HỮU DƯ