Thứ Tư, 23/03/2022, 09:52 (GMT+7)
.

Cù lao Lợi Quan và bước chuyển sau 14 năm

Khi nhắc tới hai từ Lợi Quan, nhiều người đều biết đó là tên gọi của vùng đất cù lao nằm cặp giữa 2 nhánh sông Cửa Tiểu, Cửa Đại và tiếp giáp Biển Đông, với điều kiện khắc nghiệt, đời sống người dân lắm khó khăn, vất vả. Thế nhưng, cuộc sống của người dân nơi đây đã có bước khởi sắc khi vùng đất này trở thành huyện Tân Phú Đông của tỉnh Tiền Giang từ ngày 30-4-2008.

14 năm trước, khi huyện Tân Phú Đông được hình thành, vẫn còn rất nhiều khó khăn, vất vả. Tân Phú Đông từng được biết đến với cái tên cù lao 10 không: Không bến xe, không trụ sở, không chợ huyện, không bệnh viện cấp huyện, không nhà văn hóa, không nước ngọt, không thị trấn, không sân vận động, không cơ sở công nghiệp và không cán bộ cấp huyện là người địa phương.

TỪ VÙNG ĐẤT KỲ BÍ

Cho đến nay, người dân làng Phú Thạnh Đông còn lưu truyền một giai thoại khá ly kỳ: Xưa có một lái buôn từ miền Trung đi ghe vào Gò Công đã cho một người quá giang lên tại ấp Pháo Đài, xã Phú Tân ngày nay. Nhưng khi lên bờ người này nói rằng: “Ta không phải người, ta được quyền ăn thịt 100 người ở vùng này và ông là người đầu tiên. Nhưng ta tha ông lần này và đừng gặp ta nữa”. Nói rồi, người đó rùng mình biến thành con cọp nhảy thẳng lên bờ. Từ đó, lần lượt nhiều người bị cọp bắt.

Một hôm, những người bị cọp ăn, báo mộng cho dân làng làm cái bẫy ở Kinh Nhiếm (thuộc ấp Kinh Nhiếm, xã Phú Thạnh ngày nay) để bắt cọp. Khi cọp đến gần bẫy, 99 ngọn đèn bỗng xuất hiện. Đó là 99 linh hồn đã bị cọp ăn thịt. Nhưng cọp không sập bẫy. Thế là những ngọn đèn hóa thành người để dụ cọp vào bẫy, nhưng cũng bắt không được. Ông chủ ghe bầu, người cho cọp quá giang khi trước nghe vậy, đậu ghe vào và đi tới rờ vào cọp. Tức khắc, ông bị cọp vồ chết. Sau đó, con cọp ứa nước mắt rồi cũng chết luôn. Thì ra ông chủ ghe là người thứ 100 để đủ số người cần ăn thịt của cọp.

Bộ mặt của huyện Tân Phú Đông ngày càng khởi sắc.                                											                                        Ảnh: PHONG VŨ
Bộ mặt của huyện Tân Phú Đông ngày càng khởi sắc. Ảnh: PHONG VŨ

Ngoài ra, làng Phú Thạnh Đông ngày xa xưa ấy, từng chứng kiến một trận bão kinh hoàng vào ngày 1-5-1904 (nhiều người gọi là bão Năm Thìn). Cơn bão làm nước dâng nhấn chìm làng Phú Thạnh Đông; phá tan nhà cửa, cuốn phăng mọi thứ ra cửa biển. Sau trận bão chỉ có một số người sống sót.

ĐẾN “XỨ SỞ CỦA CÁC BÀ”

Trên mảnh đất cù lao Tân Phú Đông (huyện Tân Phú Đông) đang chứa đựng những bí ẩn ly kỳ với rất nhiều những địa danh mang tên các bà. Nhiều người đến vùng đất này gọi tên vùng đất này là “xứ sở của các bà”. Đi trên vùng đất này, dễ nhận thấy có rất nhiều địa danh mang tên các bà như: Bà Từ, Bà Tài, Bà Chủ, Bà Tiên, Bà Thao, Bà Lắm, Bà Tổng… Tên của các bà được gắn với những con kinh, những bến đò, những cây cầu, đến những ngôi miễu. Có bà là cả một giai thoại dài, ly kỳ; có bà thì không ai còn biết về gốc tích, hay một câu chuyện nào kể về các bà... chỉ biết rằng các tên của các bà truyền đời qua bao thế hệ và vẫn còn gọi cây cầu ấy, con kinh ấy, bến đò ấy gắn với cái tên tuổi của các bà.

Vùng cù lao Tân Phú Đông, cách đây vài trăm năm là vùng đất còn hoang sơ, u tịch, ngập trong cây cỏ và nước nhiễm mặn. Thời Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh triều đình vào Nam khai phá, nơi đây còn chưa được biết đến. Đến đời nhà Nguyễn, vạt đất nhô lên giữa bốn bề sông nước này được đặt tên là cù lao Mông, thuộc trấn Hải Châu, huyện Kiến Hòa, tỉnh Định Tường.

Lúc bấy giờ chỉ có hai làng: Tân Thới (phía Tây) và Phú Thạnh Đông (phía Đông). Ngày 16-2-1867, toàn quyền Pháp ở Đông Dương nhập cù lao Mông về tỉnh Gò Công và đặt tên là cù lao Lợi Quan. Ngày 30-4-2008, cù lao Lợi Quan, cùng với cồn Bà và hệ thống các cù lao; cồn bãi khác nằm kẹp giữa hai vàm Cửa Tiểu và Cửa Đại tiếp giáp với Biển Đông có tên gọi mới là huyện Tân Phú Đông.

Bà Tài là một địa danh thuộc ấp Tân Phú, xã Phú Thạnh. Tại đây còn có một cái miễu mang tên miễu Bà Tài, được tiếng là linh ứng nhất trong vùng. Nhiều năm qua, người dân ở ấp đều tổ chức lễ cúng miễu hằng năm, để tưởng nhớ công lao của bà.

Theo các dấu tích còn để lại trong các tượng đá, miễu được xây năm 1837 do bà Tài đứng lập để thờ Bà Chúa Xứ. Sau này, người dân quen gọi là miễu Bà Tài. Kế bên đây còn có con rạch mang tên Bà Tài. Theo lời của các bậc cao niên kể lại, bà Tài là người có tiếng tăm nhất ấp này. Ngày xưa, gia đình bà Tài rất giàu có. Anh em bà lớn lên đều có gia đình riêng. Nhưng riêng bà thì không lập gia đình. Bà là người có công khai khẩn cả vùng đất này. Hiện con cháu bà vẫn còn sống trong xã và chăm sóc phần mộ của bà.

Ở xã Phú Tân có một ấp, cùng một con rạch mang tên Bà Từ. Người dân trong ấp chỉ biết rằng khu vực này là đất của bà Từ. Ông bà xưa còn lập ra một cái miễu để thờ cúng bà. Bà có tiếng là rất giỏi võ và được người dân gọi là bà Từ Phi. Bà từng đứng giữa bầy cọp, hét một tiếng, rồi cướp cái đùi heo đang là bữa ăn của chúng, mà bầy cọp không dám làm gì. Chúng dạt hết ra, đợi bà đi rồi mới quay lại ăn tiếp. Bà Từ Phi thường trồng bí, bầu, chăn nuôi heo, đến mùa chở lên Phú Thạnh bán.

Theo Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tân Phú Đông Lê Tấn Thời, sở dĩ vùng đất này có nhiều tên gọi liên quan đến các bà là do các bà là những người phụ nữ tài giỏi và xuất chúng, có công khai hoang vùng đất này. Từng vùng đất, từng giai thoại đều gắn liền với từng giai thoại của các bà. Ngày nay, đất và người Tân Phú Đông luôn ghi nhớ đến công ơn và lưu giữ tên tuổi của các bà đối với từng vùng đất cho đến mai sau.

VÀ KHỞI SẮC QUA 14 NĂM

Qua 14 năm thành lập, quãng thời gian tuy không dài nhưng được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành và đặc biệt là phát huy truyền thống quê hương Tân Thới - Phú Thạnh Đông anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Phú Đông đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, chung tay góp sức dựng xây huyện ngày càng phát triển.

Nhiều công trình cơ sở hạ tầng liên tục được xây dựng, góp phần làm thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn huyện so với các năm trước như: Đầu tư kinh phí hơn 150 tỷ đồng nâng cấp, trải nhựa đường tỉnh 877B dài 35 km và xây dựng kiên cố toàn bộ hệ thống cầu trên tuyến giao thông huyết mạch này của huyện. Hệ thống các bến phà, đò thường xuyên được cải thiện, nhằm nâng cao năng lực hoạt động để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân trong huyện và các vùng lân cận.

Đến thời điểm này, huyện đã có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Tân Thới và Tân Phú. Đây là nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện, góp phần làm đổi thay bộ mặt của huyện. Trong năm 2022, huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phấn đấu ra mắt xã Phú Thạnh đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với đó, địa phương sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các công trình phòng, chống hạn, mặn, thủy lợi nhằm phòng, chống thiên tai, đảm bảo cung cấp đủ nước sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Một trong những định hướng quan trọng của huyện trong năm 2022 là tập trung mời gọi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Theo đó, địa phương sẽ phối hợp với các ngành tỉnh mời gọi đầu tư các dự án gồm: Nuôi thủy sản công nghệ cao; Nuôi thủy sản công nghệ cao khu 352 ha tại ấp Cồn Cống, xã Phú Tân; Cụm công nghiệp 75 ha tại xã Phú Thạnh; Chợ và khu phố chợ xã Phú Thạnh. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng; Quy hoạch đầu tư, thu hút đầu tư phát triển các khu dân cư, đô thị khu vực trung tâm hành chính huyện, từng bước xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp…

Ngày nay, huyện Tân Phú Đông có nhiều thay đổi xuất phát từ các công trình điện, đường, trường, trạm ngày càng tốt hơn, rút ngắn dần khoảng cách giữa huyện cù lao với các huyện phía Đông của tỉnh.

LINH THỦY

.
.
.