.

"Thả nổi" đường cao tốc TPHCM - Trung Lương: Báo động nhiều tai nạn, thương vong

Cập nhật: 10:32, 31/03/2022 (GMT+7)

Khu vực phía Nam có 2 tuyến đường cao tốc, nhưng vì “thả nổi” nên cao tốc TPHCM - Trung Lương bị giảm tốc độ lưu thông, đối mặt nguy cơ xuống cấp và đặc biệt thiếu an toàn nếu so với tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

a
Một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương

Quá tải, tai nạn tăng

Anh Huỳnh Tuấn Thành (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) chạy xe dịch vụ thường đi lại trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương cho biết, tình trạng xe chạy vào làn đường khẩn cấp diễn ra thường xuyên khiến lưu thông loạn xạ. Thậm chí khi xảy ra sự cố hay tai nạn, lực lượng cứu hộ rất khó khăn mới tiếp cận được hiện trường. Mặt đường cao tốc TPHCM - Trung Lương xe chạy không êm, độ bám đường không bằng so với mặt đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, nên hiếm khi anh Thành chạy quá tốc độ 80km/giờ.

Mới đây, tham gia lưu thông trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, PV Báo SGGP ghi nhận, khi phương tiện di chuyển chậm hoặc hơi ùn ứ, nhiều chủ phương tiện vượt phải, đi vào làn đường khẩn cấp. Không chỉ xe 4 chỗ, xe khách 50 chỗ mà kể cả container cũng đi sai làn. Đại diện Trung tâm Quản lý điều hành giao thông tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, khi trạm thu phí trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương ngưng hoạt động, số phương tiện ô tô các loại đi vào tuyến đường này tăng từ 30%-40% so với trước đây. Theo thiết kế, mỗi chiều đường có 3 làn: 2 làn chính và 1 làn dừng, đậu khẩn cấp. Ngày thường, lưu lượng trên tuyến đường từ 30.000-40.000 lượt/ngày đêm, nhưng vào cao điểm như lễ, tết có ngày đạt 60.000-70.000 lượt. Khi phương tiện quá tải, ùn ứ dẫn đến việc xe tràn qua cả làn khẩn cấp.

Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, thời gian tới sẽ đẩy mạnh xử lý hành vi này. Việc xử phạt các xe vi phạm trên đường cao tốc được thực hiện từ 3 nguồn, gồm: camera của đơn vị quản lý tuyến đường, lực lượng tuần tra kiểm soát ghi nhận và do người dân cung cấp.

Khẩn trương kiểm soát phương tiện

Với thực trạng khai thác tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương hiện nay, lượng phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến và không được kiểm soát đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đường cao tốc đạt chuẩn đang dần “xuống cấp”. Đặc biệt, trên tuyến cao tốc có 13 cầu vượt sông, cầu cạn với tải trọng thiết kế 30 tấn, việc không kiểm soát tải trọng của các phương tiện tham gia giao thông tiềm ẩn nhiều rủi ro như hư hỏng các công trình cầu, cũng như gây mất an toàn giao thông trên toàn tuyến.

Để đảm bảo an toàn giao thông trên đường cao tốc TPHCM - Trung Lương và ngăn chặn sự xuống cấp các công trình, PGS-TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, cho biết, hiệp hội đã có nhiều văn bản kiến nghị Bộ GTVT. Với vai trò chủ quản chỉ đạo, Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẩn trương hoàn thành Đề án thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương để kiểm soát chủng loại và tải trọng của các phương tiện tham gia giao thông, tạo nguồn thu cho ngân sách và đảm bảo chi phí thực hiện quản lý vận hành, bảo dưỡng thường xuyên, phát huy hiệu quả khai thác đường cao tốc TPHCM - Trung Lương.

PGS-TS Phạm Xuân Mai, Trường Đại học Bách khoa TPHCM, cho rằng, hơn 96% hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ khiến hạ tầng giao thông quá tải. Hiện nay, trên tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương, 2 làn đường tất cả các loại xe đều lưu thông hỗn hợp. Vì vậy, cần phải sắp xếp lại xe nào được chạy vào cao tốc. Cụ thể, làn đường sát con lươn bên tay phải dành riêng cho xe từ 4 đến 16 chỗ; làn còn lại dành cho các loại xe hỗn hợp. Như vậy mới hạn chế được tình trạng ùn ứ. Theo PGS-TS Phạm Xuân Mai, nên hạn chế container, xe tải nặng lưu thông vào đường cao tốc, chỉ ưu tiên cho lưu thông trên tuyến quốc lộ. Bởi những loại xe này không thể chạy tốc độ 80-120km/giờ như quy định của đường cao tốc.  

Nhiều chuyên gia cầu đường cho rằng, đã đến lúc khẩn cấp kiểm soát phương tiện trên tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương, đặc biệt nhanh chóng lên phương án thu phí nhằm kiểm soát phương tiện ra vào cao tốc, hạn chế tai nạn giao thông cũng như ùn tắc giao thông trên tuyến cao tốc này.

Theo Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, từ đầu năm 2021 đến nay, trên 2 tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương và TPHCM - Long Thành - Dầu Giây xảy ra 106 vụ tai nạn giao thông, làm chết 10 người, bị thương 36 người. Trong đó, tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương xảy ra 76 vụ, làm chết 7 người, bị thương 22 người; tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây xảy ra 30 vụ, làm chết 3 người, bị thương 14 người. Từ những con số này cho thấy, nguyên do chính là tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây được tổ chức thu phí và bảo trì tốt hơn nên tỷ lệ số vụ tai nạn giao thông và thương vong giảm rõ rệt so với tuyến đường cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
.