.

Đê giảm sóng kết cấu rỗng - Giải pháp hiệu quả chống xói lở bờ biển

Cập nhật: 10:06, 20/04/2022 (GMT+7)

Trước tình trạng xói lở bờ biển xảy ra nghiêm trọng, Tiền Giang đã đầu tư các công trình chống xói lở bằng công nghệ đê giảm sóng kết cấu rỗng, góp phần ngăn chặn tình trạng xói lở, bảo vệ sản xuất, ổn định cuộc sống người dân.

Thời gian qua, bờ biển của Tiền Giang bị xói lở nghiêm trọng, làm mất đất, nhà cửa, ảnh hưởng đến sinh kế của nhiều hộ dân. Mặc dù Trung ương, tỉnh đã đầu tư kinh phí để xây kè, đê, nhưng vẫn không chống chịu nổi sức tàn phá của sóng biển. Đến cuối năm 2018, lãnh đạo tỉnh quyết định ứng dụng công nghệ đê giảm sóng kết cấu rỗng bảo vệ bờ biển của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam vào xử lý xói lở. Điều này không những ngăn được tình trạng xói lở bờ biển, mà còn bồi đắp thêm chân đê, tái sinh rừng tự nhiên.

HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU

Trở lại khu vực ấp Cồn Cống (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông) vào những ngày cuối tháng 3, nơi đây từng là “điểm nóng” về xói lở bờ biển của huyện Tân Phú Đông. Tuy nhiên, giờ đây, xói lở đã là câu chuyện của quá khứ, bởi từ cuối năm 2018, khu vực này đã được che chắn bởi công trình đê giảm sóng với chiều dài khoảng 1,6 km. Đây là đoạn đê giảm sóng đầu tiên được triển khai trên địa bàn tỉnh và đã hoàn thành đưa vào sử dụng đạt kết quả vượt cả mong đợi.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Phú Tân Nguyễn Trung Hòa, trước khi chưa có đê chắn sóng, gây bồi, khu vực Cồn Cống bị sóng biển đánh gây xói lở rất nhiều. Nhờ được sự quan tâm đầu tư của tỉnh, sau khi công trình hoàn thành, khu vực này đã không còn xảy ra xói lở. Bên trong đê, lượng bùn, cát được tích tụ, rừng tự nhiên cũng đã mọc trở lại. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với xã.

Rừng tự nhiên tái sinh tại khu vực Cồn Cống.
Rừng tự nhiên tái sinh tại khu vực Cồn Cống.

Tiếp nối thành công bước đầu từ mô hình này, giữa năm 2020, UBND tỉnh Tiền Giang quyết định đầu tư tiếp 1,535 km đê giảm sóng tại khu vực đê biển thuộc xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông), với vốn đầu tư hơn 34 tỷ đồng. Trở lại khu vực ấp Cầu Muống, xã Tân Thành vào những ngày cuối tháng 3, đây cũng là “điểm nóng” về xói lở bờ biển trên địa bàn tỉnh. Dù đang là mùa gió chướng, nhưng nhờ có để giảm sóng nên sóng biển không thể đe dọa đến đê biển.

Chỉ tay về phía khơi xa, bà Nguyễn Thị Loan cho biết: “Trước đây, bờ biển nằm tận ngoài kia, nhưng do sóng biển đánh mạnh quá, nhất là mùa chướng làm sạt lở vô tới đây. Sóng biển đã đánh sập khoảng 1/3 căn nhà của tôi. Trước khi xây dựng đê này, tới mùa gió chướng, sóng đánh mạnh, nước tràn vào ngập nhà. Từ khi xây đê đến nay, sóng giảm rõ rệt, tôi cũng đỡ lo nhà bị sạt lở thêm”.

Còn tại khu vực Khu du lịch biển Tân Thành, đây cũng là vị trí xảy ra xói lở bờ biển trên địa bàn xã Tân Thành. Trước đây, ngôi nhà ông Trần Văn Tròn nằm trong diện di dời đến khu tái định cư vì xói lở luôn “rình rập”. Mỗi năm, dù gia đình ông đều dành tiền của để gia cố nền nhà, nhưng vẫn bị sóng biển cuốn trôi. Chỉ đến khi tuyến đê giảm sóng được triển khai thi công và đưa vào sử dụng, ông mới thật sự có được giấc ngủ ngon. Ông Tròn chia sẻ: “Nhà nước đầu tư đê giảm sóng này người dân nơi đây rất mừng. 25 năm nay, tôi luôn sống trong cảnh thắc thỏm, giờ thì không còn lo lắng nữa rồi”.

TIẾP TỤC NHÂN RỘNG

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ năm 1990 đến năm 2020, có khoảng 600 ha đất và rừng phòng hộ ven biển Gò Công bị sóng biển cuốn trôi. Bờ biển liên tục bị xói lở và lấn sâu vào đất liền, tốc độ sạt lở trung bình hơn 15 m/năm, đe dọa trực tiếp tuyến đê biển Gò Công.

Hiện nay, nhiều đoạn đê biển Gò Công không còn rừng phòng hộ bảo vệ, ngày ngày phải “gồng mình” hứng chịu những cơn sóng biển. Công nghệ đê giảm sóng kết cấu rỗng bảo vệ bờ biển là sản phẩm của đề tài cấp quốc gia nghiên cứu giải pháp hợp lý và công nghệ thích hợp phòng, chống sạt lở ổn định dải bờ biển Đồng bằng sông Cửu Long được Bộ Khoa học và Công nghệ giao cho Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam thực hiện.

Theo kết quả khảo sát thực địa cho thấy, sau 3 năm đưa vào sử dụng, công trình đê giảm sóng bảo vệ bờ biển Cồn Cống cho hiệu quả chống xói lở bờ biển rõ rệt. Bãi biển sau đê được bồi lắng với chiều dày lớn nhất đạt khoảng 1 m, không có dấu hiệu xói chân như trước. Bùn, cát xuất hiện ngay sau đê và phía sát bờ nơi có dòng chảy mạnh hơn, cây non phát triển. Đây là dấu hiệu tốt để khôi phục rừng ngập mặn và thảm phủ thực vật ven bờ. Đối với công trình bảo vệ bờ biển Tân Thành sau 2 năm đưa vào sử dụng, chiều dày bồi lắng trung bình đạt khoảng 0,3 - 0,8 m.

Bà Loan chỉ vị trí ngôi nhà của gia đình bị sóng đánh sạt lở.
Bà Loan chỉ vị trí ngôi nhà của gia đình bị sóng đánh sạt lở.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, đến nay, tỉnh đã triển khai hoàn thành các công trình xử lý xói lở bờ biển ứng dụng công nghệ đê giảm sóng với chiều dài khoảng 4,6 km. Hiện tỉnh cũng đang triển khai công trình xử lý xói lở bờ biển ứng dụng công nghệ này tại khu vực cồn Ngang (huyện Tân Phú Đông) với chiều dài 6 km, tổng vốn đầu tư khoảng 238 tỷ đồng.

Tiếp nối hiệu quả bước đầu từ mô hình này, trong giai đoạn 2022 - 2025, UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt Dự án Nâng cấp đê biển Gò Công giai đoạn 2. Công trình có chiều dài khoảng 5,4 km, tiếp tục ứng dụng công nghệ đê giảm sóng kết cấu rỗng với tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương.

Có thể nói, việc tỉnh mạnh dạn chọn công nghệ đê giảm sóng, gây bồi để chống xói lở bờ biển đã thấy rõ hiệu quả chỉ sau hơn 3 năm. Điều này mở ra triển vọng nhân rộng mô hình này bao phủ toàn bộ bờ biển Gò Công. Với cơ chế giảm sóng, gây bồi, mô hình không những có tác dụng chống sạt lở bờ biển, mà còn khôi phục lại diện tích rừng phòng hộ đã mất từ trước, giúp người dân ven biển ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất.

M. THÀNH

.
.
.