Thứ Năm, 07/04/2022, 09:36 (GMT+7)
.
HUYỆN CAI LẬY:

Tín dụng chính sách góp phần đảm bảo an sinh xã hội

Với các chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai hiệu quả, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cai Lậy (gọi tắt là Phòng Giao dịch huyện Cai Lậy), tỉnh Tiền Giang đã góp phần cùng địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Phòng Giao dịch huyện Cai Lậy giải ngân vốn vay tại xã Phú Cường.
Phòng Giao dịch huyện Cai Lậy giải ngân vốn vay tại xã Phú Cường.

Để người dân tiếp cận nguồn vốn, Phòng Giao dịch huyện Cai Lậy phối hợp các ban, ngành, đoàn thể huyện chú trọng tuyên truyền chủ trương của Đảng, Nhà nước, quy định của ngành Ngân hàng về các chương trình cho vay, cách tiếp cận vốn vay. Nguồn vốn ủy thác và huy động hằng năm được Phòng Giao dịch giải ngân kịp thời, đúng đối tượng. Đến tháng 3-2022, dư nợ các chương trình tín dụng hơn 242 tỷ đồng, trên 8.800 khách hàng vay vốn.

Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ đã có điều kiện phát triển sản xuất, điển hình như chị Lâm Thị Kiều Giang (ấp 6, xã Thạnh Lộc). Vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm, chị Giang có điều kiện cải tạo vườn, chuyên canh mít Thái. Vườn cây hiện đang bước vào giai đoạn cho thu hoạch ổn định, chị Giang chia sẻ: “Khi được giải ngân, gia đình tôi sử dụng vốn vay vào việc cải tạo 3,5 công đất ruộng kém hiệu quả lên vườn trồng mít Thái. Cũng nhờ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội mà gia đình mới có điều kiện đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống”.

Tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, Phòng Giao dịch huyện Cai Lậy tăng cường củng cố, mở rộng hệ thống điểm giao dịch và nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ tiết kiệm và vay vốn. Toàn huyện Cai Lậy hiện có 248 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 16 điểm giao dịch lưu động tại các xã, giải quyết 90% giao dịch của khách hàng.

Vốn vay được giải ngân trực tiếp tại điểm giao dịch giúp chuyển tải nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng. Các đoàn thể nhận ủy thác theo dõi mục đích sử dụng vốn, phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách làm ăn, khuyến khích hội viên chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp, tăng thu nhập cho gia đình.

Chị Giang (ấp 6, xã Thạnh Lộc) vay vốn từ chương trình cho vay giải quyết việc làm đã cải tạo vườn mít Thái đang cho thu hoạch.
Chị Giang (ấp 6, xã Thạnh Lộc) vay vốn từ chương trình cho vay giải quyết việc làm đã cải tạo vườn mít Thái đang cho thu hoạch.

Điển hình tại xã Thạnh Lộc, từ nguồn vốn ủy thác thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã, 325 hội viên phụ nữ đã có điều kiện phát triển kinh tế với tổng dư nợ hơn 7,6 tỷ đồng. Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Lộc Phạm Ngọc Thúy cho biết: “Nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần hỗ trợ hội viên phụ nữ trên địa bàn xã thoát nghèo, nâng cao thu nhập gia đình. Những hộ được tiếp nhận vốn vay đều sử dụng đúng mục đích, ý thức hoàn vốn, lãi đúng hạn và tham gia gửi tiết kiệm. Hội LHPN xã Thạnh Lộc cũng thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát mục đích sử dụng vốn vay, phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề, khuyến khích hội viên chuyển đổi mô hình sản xuất hiệu quả”.

Năm 2022, Phòng Giao dịch huyện Cai Lậy tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, ưu tiên phân bổ nguồn vốn cho các xã xây dựng nông thôn mới, giải ngân vốn vay cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm, xây dựng nhà ở. Đồng thời, nâng cao năng lực hoạt động và chất lượng các Tổ tiết kiệm và vay vốn, các điểm giao dịch lưu động, đảm bảo 100% hộ có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận vốn vay ưu đãi.

Bên cạnh đó, Phòng Giao dịch huyện Cai Lậy còn phối hợp các tổ chức chính trị xã hội, UBND các xã tăng cường tuyên truyền về trách nhiệm của hộ vay trong sử dụng vốn đúng mục đích, hoàn vốn đúng hạn, đảm bảo nguồn vốn phát huy hiệu quả, góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

TRƯỜNG GIANG

.
.
  • Tìm hiểu Smoovy cho phụ nữ
.